Skip to main content

Cách chữa cháy diệu kỳ

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không ngừng gọi con người tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó, khoanh tay mà chờ đợi.
A A+
color:
Cách chữa cháy diệu kỳ
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không ngừng gọi con người tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó, khoanh tay mà chờ đợi.

Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi, cả đời chưa hề thấy ánh sáng văn minh. Ngày kia ông ta được đưa xuống thăm một đô thị.

Ngay đêm đầu tiên, ông phải giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Sau khi được những người xung quanh cho biết đó là tiếng trống báo động thị dân về một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại một khu phố nào đó, người dân miền núi nhìn về ngọn lửa đang bốc cao ở một góc trời rồi trở lại giường ngủ tiếp.

Khi trở về làng, ông ta báo cáo với các vị chức sắc trong bộ lạc:

- Người dân thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu. Khi có hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh trống và ngọn lửa được giập tắt ngay tức khắc.

Nghe thế, các chức sắc liền hồ hởi sai người đi mua đủ loại trống về phát cho dân chúng trong bộ lạc.

Chẳng bao lâu sau đó, hỏa hoạn xảy đến trong làng. Tin chắc sự hiệu nghiệm của những chiếc trống, tất cả mọi người dân làng đều đem trống ra khua inh ỏi. Họ tin chắc rằng tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác, trước cái nhìn ngỡ ngàng và bất lực của mọi người.

Tình cờ ghé thăm bộ lạc, nghe kể lại diễn tiến của cơn hỏa hoạn, một người dân thành thị mới giải thích cho dân làng rằng:

- Các ngươi thật là ngây ngô. Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt được ngọn lửa ư? Không phải thế đâu. Tại thành phố người ta đánh trống là để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia vào cuộc chữa cháy, chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tự tắt đi đâu.

* * *

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không ngừng gọi con người tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó, khoanh tay mà chờ đợi.

Sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu kêu mời là một sự tỉnh thức tích cực, đòi hỏi lao tác và đấu tranh.

Tỉnh thức là thái độ cơ bản của con người tín hữu Kitô. Toàn bộ Kinh Thánh là một lời mời gọi tỉnh thức.

Tỉnh thức, vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đang đến.

Ngài đến trong từng phút giây của cuộc sống. Ngài đến qua từng sự kiện, từng biến cố. Ngài đến nơi mỗi con người.

Tỉnh thức để nhận ra Ngài, và nhất là để đáp trả cách tích cực tiếng gọi của Ngài. Tiếng gọi ấy không chỉ vang lên trong những lúc cầu kinh ở nhà thờ, mà còn vọng lên giữa chợ đời, giữa những tiếng ồn ào của cuộc sống, trong tiếng khóc than của không biết bao nhiêu người bất hạnh.

Mong sao cuộc sống đức tin của chúng ta không chỉ là những tiếng trống khua inh ỏi trong bốn bức tường của nhà thờ, mà phải được thể hiện bằng những gặp gỡ Thiên Chúa qua lòng tín thác vào tình yêu quan phòng của Ngài, và qua những hành động cụ thể của yêu thương đối với mọi người anh em.

Trích từ : Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa
https://vntaiwan.catholic.org.tw/nucuoi/nucuoi26.htm

+Hai thiên thần

Mọi việc không phải luôn luôn như chúng ta thấy! đọc tiếp...