Skip to main content

Thế nào là cầu nguyện ?

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.
A A+
color:
Thế nào là cầu nguyện ?
Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ...
Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.

Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ:

Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật.

Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều".

Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa.

Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?".

Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi".

"Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi.

Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".

Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng những giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Thế nào là cầu nguyện
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn.

Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người.

Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ...

Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện.

Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.

Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.

Trích từ : Lẽ Sống
https://vntaiwan.catholic.org.tw/lesong/09lesong12.htm

+ Tỉnh thức ?
+ Thứ quý nhất cuộc đời