Skip to main content

Nhìn cuộc sống từ quan điểm của Thiên Chúa

Cuộc đời là một thử nghiệm và là một uỷ thác. Trao cho bạn nhiều bao nhiêu, trách nhiệm Thiên Chúa mong chờ nơi bạn càng lớn bấy nhiêu.
A A+
color:
Nhìn cuộc sống từ quan điểm của Thiên Chúa
Cuộc đời là một thử nghiệm và là một uỷ thác. Trao cho bạn nhiều bao nhiêu, trách nhiệm Thiên Chúa mong chờ nơi bạn càng lớn bấy nhiêu.

“Trong khi các người không biết
cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao,
thật vậy các người chỉ là hơi nước
xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi”
(Gc 4, 14).

“Chúng ta không nhìn sự vật như chúng là,
chúng ta nhìn chúng như chúng ta là”
(Anaðs Nin).

Cách bạn nhìn đời mình sẽ định hình đời bạn.
Cách bạn định nghĩa cuộc đời quyết định số phận của bạn.
Cách nhìn cuộc đời của bạn sẽ tác động đến cách bạn dùng thời giờ, tiền bạc, tài năng và đánh giá các mối tương quan.

Cách tốt nhất để hiểu một người là hỏi họ “Bạn nhìn đời mình thế nào?”. Với câu hỏi đó, bạn sẽ khám phá có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu câu trả lời khác nhau. Người ta nói với tôi, đời là một màn xiếc, một bãi mìn, một tàu lượn, một trò đố vui, một bản giao hưởng, một chuyến đi, hay là một vũ khúc. Người ta còn nói, “Đời là một chiếc đèn kéo quân, lúc lên, lúc xuống và có lúc bạn chỉ phải quay vòng vòng” hay “đời là một chiếc xe đạp với hộp số mười tốc độ nhưng chúng ta không bao giờ dùng đến” hay “đời là một ván bài, bạn phải đánh xuống những con bài được chia”.

Nếu tôi hỏi, bức tranh đời bạn ra sao, hình ảnh nào sẽ đến trong trí bạn? Hình ảnh đó sẽ là ẩn dụ cuộc đời của bạn. Dù ý thức hay không ý thức, đó là cái nhìn về cuộc sống mà bạn có trong trí. Đó là cách bạn mô tả cuộc sống và cũng là những gì bạn đang ước mong. Người ta thường thể hiện ẩn dụ đời mình ngang qua quần áo, nữ trang, xe cộ, kiểu tóc, những hình ảnh dán sau cáng xe… hay ngay cả những vết xăm.

Những ẩn dụ không lời đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bạn hơn bạn tưởng. Nó xác định những hoài bão, những giá trị, những mối tương quan, những mục tiêu, và cả những ưu tiên của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn nhìn đời là một bữa tiệc, giá trị hàng đầu của bạn trong cuộc sống là vui chơi. Nếu bạn nhìn đời là cuộc đua, bạn sẽ coi trọng tốc độ và có lẽ phần lớn thời giờ của bạn là sống trong vội vã. Nếu nhìn đời là cuộc chạy đường trường, bạn sẽ đặt giá trị ở sự bền chí. Nếu nhìn đời là cuộc chiến hay một trò chơi, chiến thắng trở nên quan trọng đối với bạn.

NGÀY THỨ NĂM NHÌN CUỘC SỐNG TỪ QUAN ĐIỂM CỦA THIÊN CHÚA
Quan điểm của bạn về cuộc đời là gì? Có thể bạn đang xây dựng đời mình trên một ẩn dụ sống sai lạc. Để chu toàn những mục đích Thiên Chúa nhắm cho bạn, bạn phải thách thức cái quan niệm khôn ngoan cổ hủ để thay vào đó những soi dẫn của Kinh Thánh về cuộc sống. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).

Kinh Thánh đưa ra ba ẩn dụ chỉ cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa về cuộc sống: Cuộc sống là một thử nghiệm, một uỷ thác và là một nhiệm vụ tạm thời. Ba ý tưởng này là nền tảng cho một đời sống có đích hướng. Trong chương này chúng ta sẽ xem xét hai ý tưởng đầu và chương sau cho ý tưởng thứ ba.

Cuộc sống trần gian là một thử nghiệm. Ẩn dụ cuộc sống này được tìm thấy ở các câu chuyện ngang qua toàn bộ Thánh Kinh. Thiên Chúa liên tục thử nghiệm tâm tánh, niềm tin, sự vâng phục, tâm tình yêu mến, đức chính trực và lòng trung thành của con người. Các từ ngữ thử thách, cám dỗ, thanh luyện, và thử nghiệm được lặp đi lặp lại hơn 200 lần trong Kinh Thánh. Thiên Chúa thử Abraham khi đòi ông hiến tế Isaac con mình. Người thử Giacob khi ông phải làm việc thêm nhiều năm để cưới Rachel làm vợ.

Adam và Eva không vượt qua được thử thách của họ ở Vườn Địa Đàng và Đavít đã hỏng trong vài trường hợp. Nhưng Kinh Thánh cũng cho chúng ta nhiều mẫu gương đã vượt qua những thử thách lớn lao như ông Giuse, bà Ruth, Esther và Đaniel.

Qua những thử thách, tâm tánh con người vừa triển nở vừa bộc lộ và như thế, tất cả cuộc sống là một thử nghiệm. Bạn luôn luôn bị thử thách. Thiên Chúa không ngừng chờ xem phản ứng đáp trả của bạn trước những con người, trước những vấn đề, những thành công, những xung đột, bệnh tật, thất vọng và ngay cả những đổi thay của thời tiết! Người xem xét ngay cả những việc giản dị nhất như khi bạn mở cửa cho một ai đó, khi bạn cúi xuống nhặt một cọng rác hay khi bạn nhã nhặn với người thư ký hoặc người hầu.

Không ai biết tất cả những thử thách mà Thiên Chúa sẽ dành cho bạn, nhưng dựa vào Kinh Thánh chúng ta có thể tiên đoán đôi điều. Bạn sẽ chịu thử thách bởi những thay đổi lớn, những lời hứa chậm thực hiện, những vấn đề nan giải, những lời cầu xin không được đáp ứng, những phê bình bất công hoặc cả những thảm hoạ vô nghĩa. Trong đời tôi, tôi để ý thấy rằng Thiên Chúa thử thách lòng tin của tôi qua những vấn nạn, thử thách lòng cậy trông của tôi qua việc tôi dùng của cải, và thử thách lòng yêu mến của tôi ngang qua những con người.

Một thử thách tối quan trọng khác là bạn sẽ phản ứng thế nào khi không cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình. Một đôi khi Thiên Chúa chủ ý rút lui và chúng ta không còn cảm nhận được sự gần gũi của Người. Một vị vua tên là Hezekiah đã cảm nhận thử thách này. Kinh Thánh nói, “Thiên Chúa đã bỏ rơi vua, để xem lòng dạ vua thế nào” (2Sb 32, 31b). Vua đã sống một tình bạn khắng khít với Chúa, nhưng vào thời điểm cam go nhất đời ông, Người lại bỏ rơi ông để xem coi lòng dạ ông, cho ông thấy sự yếu đuối của mình và chuẩn bị ông cho những trách nhiệm lớn lao hơn.

Một khi hiểu cuộc sống là một thử thách, bạn sẽ nhận ra rằng, không gì là không có ý nghĩa trong đời bạn. Ngay cả một biến cố nhỏ nhất cũng có ý nghĩa cho sự triển nở nhân cách của bạn. Mỗi ngày sống là một ngày quan trọng, mỗi giây phút là một cơ hội trưởng thành để bạn trầm lắng hơn, để bạn thể hiện lòng yêu mến hoặc để biết tựa nương vào Thiên Chúa hơn. Có những thử thách xem ra không thể vượt qua đang khi cũng có những thử thách chẳng đáng cho bạn quan tâm. Nhưng tất cả chúng đều có ý nghĩa đời đời.

Thật đáng mừng là Thiên Chúa muốn bạn vượt qua mọi thử thách trong đời, nên Người không bao giờ cho phép những thử thách bạn đương đầu lớn hơn những ân huệ Người ban hầu bạn chế ngự chúng. Thánh Phaolô nói: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10, 13).

Mỗi khi bạn vượt qua thử thách, Thiên Chúa đều ghi nhận và dự liệu phần thưởng cho bạn trong cõi đời đời. Thánh Giacôbê nói, “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1, 12).

Cuộc sống trên trần gian là một uỷ thác. Đây là ẩn dụ thứ hai của Kinh Thánh về cuộc sống. Thời gian của chúng ta trên trái đất cùng với năng lực, trí thông minh, cơ hội và các mối tương quan cùng những nguồn lực khác đều là những quà tặng Thiên Chúa đã tin tưởng uỷ thác để chúng ta trông coi và quản lý. Chúng ta là những quản gia về tất cả những gì Chúa ban. Ý niệm về sứ mạng quản gia này khởi đầu từ nhận thức rằng Thiên Chúa là chủ của tất cả mọi sự và mọi người trên trái đất. Thánh Vịnh 24 nói, “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 24, 1).

Chúng ta thực sự không bao giờ làm chủ một chút gì suốt cuộc sống vắn vỏi trên trần gian. Thiên Chúa chỉ cho chúng ta mượn tạm khi chúng ta còn ở đây. Đó là tài sản của Người trước khi bạn đến, và Người sẽ cho một ai đó mượn sau khi bạn qua đời. Bạn chỉ vui hưởng nó trong một thời gian.

Khi tạo dựng Adam và Eva, Thiên Chúa uỷ thác mọi thọ tạo của Người cho hai ông bà và chỉ định họ làm những người trông coi tài sản Người giao. Sách Sáng Thế nói, “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28).

Công việc đầu tiên Thiên Chúa ban cho con người là quản lý và chăm sóc “những thứ lỉnh kỉnh” của Người trên trái đất. Vai trò này chưa bao giờ được rút lại. Đó là một phần mục đích của chúng ta hôm nay. Mọi sự chúng ta vui hưởng phải được coi như một uỷ thác mà Thiên Chúa đặt vào tay chúng ta. Thánh Phaolô nói, “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4, 7).

Cách đây vài năm, một đôi vợ chồng để chúng tôi sử dụng căn nhà tuyệt đẹp nhìn ra biển ở Hawaii trong kỳ hè. Đó là một cơ hội mà trước đây vợ chồng tôi không bao giờ trang trải nổi, chúng tôi tận hưởng dịp may đó. Họ nói với chúng tôi: “Hãy coi nó như của hai bạn!” và thế là chúng tôi đã tận dụng. Chúng tôi vẫy vùng trong hồ bơi, ngấu nghiến những thứ trong tủ lạnh, dùng những khăn tắm và chén đĩa hoặc ngay cả nhảy nhún trên giường thật vui nhộn! Nhưng cả hai đều ý thức tất cả những vật dụng ấy thực sự không là của chúng tôi. Nên chúng tôi cẩn thận trông coi mọi thứ cách đặc biệt. Chúng tôi vui hưởng những tiện nghi khi sử dụng ngôi nhà chứ không làm chủ nó.

Văn hoá chúng ta thường nói, “Cha chung, không ai khóc!” Nhưng người Kitô hữu phải sống theo một tiêu chuẩn cao hơn: “Bởi Thiên Chúa làm chủ nó, nên tôi phải giữ gìn nó hết sức có thể. “Người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1Cr 4, 2).

Trao cho bạn nhiều bao nhiêu, trách nhiệm Thiên Chúa mong chờ nơi bạn càng lớn bấy nhiêu.

Đức Giêsu cũng thường đề cập cuộc sống như một uỷ thác và Ngài đã kể nhiều mẩu chuyện minh hoạ cho trách nhiệm này đối với Thiên Chúa. Trong dụ ngôn những nén bạc, ông chủ uỷ thác tài sản của mình cho các tôi tớ khi đi xa. Lúc trở về, ông đánh giá trách nhiệm và thưởng cho họ tuỳ theo mỗi người. Ông nói với người ấy, “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25, 21).

Cũng thế, vào ngày cuối đời của bạn trên trần gian, bạn cũng sẽ được đánh giá và khen thưởng tuỳ vào việc bạn có khéo quản lý những gì Thiên Chúa đã uỷ cho bạn không. Nghĩa là, tất cả mọi việc bạn làm, cả những việc vụn vặt mỗi ngày đều mang một ý nghĩa đời đời. Nếu bạn đón nhận mọi sự như một sự uỷ thác, Thiên Chúa sẽ hứa ba phần thưởng cho bạn trong cõi đời đời. Trước hết, bạn sẽ được sự xác nhận của Thiên Chúa, Người sẽ nói: “Tốt lắm, được lắm!” Tiếp đến, bạn sẽ được cất nhắc và được trao trách nhiệm lớn hơn: “Ta sẽ trao cho ngươi nhiều việc hơn”. Sau đó, bạn sẽ được vinh dự với lời chúc khen: “Hãy đến và chia sẻ niềm vui của Chủ ngươi”.

Nhiều người không biết rằng, tiền bạc vừa là một thử nghiệm vừa là một uỷ thác đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng tài chánh để dạy chúng ta tín thác vào Người và với nhiều người, tiền bạc là thử thách lớn nhất trong các thử thách.
Thiên Chúa xem cách chúng ta dùng tiền bạc để trắc nghiệm chúng ta có đáng tín nhiệm không. Đức Giêsu nói: “Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” (Lc 16, 11).

Đây là một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa cho biết, có một mối liên hệ trực tiếp giữa cách dùng tiền bạc và phẩm chất đời sống thiêng liêng của tôi. Tôi quản lý tiền bạc (của cải trần gian) làm sao, sẽ định mức Thiên Chúa có thể uỷ thác của cải phần hồn (của cải đích thực) cho tôi làm vậy. Tôi xin hỏi bạn: Cách quản lý tiền bạc của bạn có ngăn cản Thiên Chúa thực hiện nhiều điều hơn trong cuộc đời bạn không? Bạn có đáng tín nhiệm để được uỷ thác những của cải thiêng liêng không?

Đức Giêsu nói: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12, 48b).

Cuộc đời là một thử nghiệm và là một uỷ thác. Trao cho bạn nhiều bao nhiêu, trách nhiệm Thiên Chúa mong chờ nơi bạn càng lớn bấy nhiêu.

NGÀY THỨ NĂM
NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI

  • Một điểm để suy tư: Cuộc sống vừa là một thử nghiệm vừa là một uỷ thác. 
  • Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10). 
  • Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Điều gì vừa xảy đến cho tôi mà nay tôi mới biết đó là một thử nghiệm của Thiên Chúa? Điều lớn lao nhất Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi là gì?

Tác giả Minh Anh gp Huế, Lm.