Skip to main content

Gặp nhau gặp Chúa

Chúa chờ đợi con người mở rộng tâm hồn đón nhận ngài, để rồi Ngài có thể thực hiện những điều kỳ diệu.
A A+
color:
Gặp nhau gặp Chúa
Chúa chờ đợi con người mở rộng tâm hồn đón nhận ngài, để rồi Ngài có thể thực hiện những điều kỳ diệu.

Mỗi lần chúng ta gặp Chúa, thì dường như là một biến cố bất ngờ. Nhưng đây là một sự bất ngờ đối với chúng ta, chớ không phải đối với Thiên Chúa, bởi vì mỗi cuộc gặp gỡ là một sáng kiến của Ngài đến gần chúng ta, vừa đồng thời kính trọng quyết định tự do của con người.

Thiên Chúa đối xử với chúng ta, giống như Ngài đối xử với hai môn đệ trên đường đi Emau. Hai môn đệ đã có lòng khâm phục những việc Chúa làm, những lời Chúa giảng dạy, nhưng đã mất tin tưởng vào Ngài, vì họ tưởng rằng Ngài đã bị kẻ thù giết chết. Buồn bã đi trên con đường tiến về Emau, họ không nhận ra Chúa đồng hành bên cạnh.

Từ phía hai môn đệ, thì cuộc gặp gỡ này xảy ra một cách bất ngờ, ngoài dự tính và mong ước.

Nhưng từ phía Chúa, thì quả là một sáng kiến có ý. Cách Chúa hành xử là phương thế tốt nhất để tôn trọng tự do của hai môn đệ. Chúa đến với các ngài một cách vô danh, và giải thích những biến cố cứu rỗi, những lời Thánh kinh cho các ngài, giải thích nhưng không áp đặt bắt buộc... Cuối cùng, chính hai môn đệ đã tự ý mời Chúa ở lại...

Biết bao lần Thiên Chúa đã cố gắng cùng đi với chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp thử thách đức tin.

Ngài sắp xếp để đồng hành bên cạnh ta, mà ta không ngờ. Ngài kín đáo tế nhị thực hiện những sự việc, để vừa không ép buộc tự do chúng ta, vừa có thể khơi dậy lại trong chúng ta niềm tin đang bị lung lay, hay đã bị đánh mất.

Chúa đứng ngoài gõ cửa và chờ đợi. Ngài hy vọng con người mở miệng mời Ngài ở lại: Lạy Chúa, xin hãy ở lại với con, vì trời đã về chiều, hiểm nguy có thể gia tăng nhiều hơn... Nhưng có Chúa bên cạnh, con sẽ vững tâm hơn... Phải, Chúa chờ đợi con người mở rộng tâm hồn đón nhận ngài, để rồi Ngài có thể thực hiện những điều kỳ diệu...

Nhưng không phải tất cả đều hành động giống như hai môn đệ trên đường đi Emau... Những điều trần tục có thể cám dỗ, làm con người mù quáng, không lưu tâm đến những thôi thúc, những ơn soi sáng của Chúa. Con người không sẵn sàng, hay không muốn đón nhận Chúa nữa, không mời Chúa ở lại trong cuộc đời. Con người không biết rằng: Không có Thiên Chúa và ngoài Thiên Chúa, thì con người sẽ không thể nào sống an vui hạnh phúc.

Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, hướng về Ngài, để sống hạnh phúc với Ngài. Vì thế, cuộc đời con người trên trần gian, được hiểu như là một cuộc hành trình tiến về quê trời, trở về nhà Cha, trở về trong an vui... những vị thánh đã luôn luôn là những con người đầy an vui, lúc nào cũng hăng say hơn nữa tiến về Nhà Cha, sẵn sàng bất cứ lúc nào để ra đi về Nhà Cha, không bận bịu bám víu vào bất cứ điều gì trên trần gian này.

Chúng ta có được thái độ sống như các ngài hay không? Hay chúng ta tỏ ra lơ là, không màng chi đến sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, không lưu tâm gì đến những lời dạy của Chúa, về sự sống, về cõi đời đời... chúng ta không nên tốn phí thời giờ Chúa ban cho một cách vô ích...

Ðôi khi, vì tò mò, chúng ta muốn thủ qua, muốn nghe cho biết tất cả những đề nghị của các triết lý, các hệ thống tư tưởng, về bí quyết hạnh phúc cho cuộc sống con người... nhưng nếu không từ trên xuống, thì làm sao có thể nói chuyện về những sự ở trên.

Chỉ mình Thiên Chúa mới dám và có đủ thẩm quyền để quả quyết: Ta là đường, là sự thật và là sự sống... Hãy đến với Ngài, để được sống, hãy lắng nghe Ngài để đi đúng và trọn vẹn con đường cuộc đời giữa những thử thách.


Lạy Chúa, xin hãy đến với chúng con. Xin hãy ở lại với chúng con mọi nơi và mọi lúc. Xin ban cho con sức mạnh vượt qua được những cám dỗ, và giữ vững niềm tin vào Chúa. Amen.


Trích từ : Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
Manila, Philippines
Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
https://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau5/5phut013.htm

Chính Chúa không lầm khi dựng lên con

Ngài mời gọi con người cũng hãy lấy sự khoan nhượng nhẫn nhục cảm thông và tha thứ mà đối xử với nhau. đọc tiếp ...