Skip to main content

Lỗi lầm của mẹ

Nhiều gia đình dường như không còn tồn tại mối quan hệ thân thiết, gần gũi, liên lạc hằng ngày giữa cha mẹ và con cái. Hậu quả là con cái của họ bị sa bước vào con đường suy đồi và tội lỗi.
A A+
color:
Lỗi lầm của mẹ
Bất cứ khi nào cha mẹ phát hiện ra những hành vi bất thường của con mình thì phải lập tức khuyên can ngay và dạy con đừng bao giờ sa chân vào con đường vô đạo đức ấy.

Ngày xưa có một góa phụ sống với một đứa con trai duy nhất của mình. Bà yêu thương đứa con vô cùng, cũng vì thế mà đứa con được tự do muốn làm gì thì mặc tình, muốn đi đâu thì mặc ý. Người mẹ biết nhưng không ngăn cản, cứ để cho đứa con tự do tung hoành.

Thời gian trôi qua, cậu bé này đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh nhưng lại là một đứa hư hỏng. Hắn có thói quen đi chơi hoang thâu đêm suốt sáng và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng con đường trộm cắp.

Mới đầu, hắn hả hê với nghề ăn cắp vặt. Khi hắn mang "chiến lợi phẩm" ăn cắp được về nhà, người mẹ không những tiếp nhận nó một cách vui sướng mà bà còn khuyến khích hắn tiếp tục đi theo con đường tội lỗi này.

Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến, hắn đã trở thành một tên cướp khét tiếng và đã bị quân lính bắt giam, hắn không chút sợ hãi và đã thú nhận mọi tội ác của mình trước đứa vua. Đức vua đã phán tội chết cho hắn.

Trước ngày hành quyết, hắn xin phép quân lính được gặp mẹ lần cuối. Lời cầu xin này đã được chấp thuận và người mẹ được đưa đến gặp hắn. Tên cướp đã ôm chặt lấy mẹ và cắn vào lỗ tai của bà một cái thật mạnh.

Lỗi lầm của mẹ
Sự việc kỳ lạ này đến tai đức vua và tên cướp đã được đưa đến gặp ngài.

Đức vua hỏi: "Tại sao ngươi lại cắn vào tai của mẹ mình?".

Tên cướp giải thích: "Tâu Bệ hạ, thảo dân là một đứa con duy nhất của bà. Lẽ ra bà phải có trách nhiệm giáo dục thảo dân trở thành một người tốt.

Thay vì bà làm điều tốt đẹp đó thì bà lại khuyến khích thảo dân đi vào con đường tội lỗi, bà chưa bao giờ khuyên bảo hoặc ngăn cản những việc làm xấu xa của thảo dân".


Tên cướp trình bày tiếp - "Nếu bà cảnh cáo thảo dân về hành vi vô đạo đức của mình thì từ lâu thảo dân đã trở thành một công dân lương thiện. Nhưng bà không làm được điều đó; vì thế thảo dân đã đánh mất cuộc đời của mình trong con đường tội lỗi này.

Thảo dân suy nghĩ, trong giờ phút cuối cùng này, thảo dân phải nhắc nhở mẹ thảo dân như một bài học để thức tỉnh những bà mẹ khác, ít ra qua sự kiện này sẽ giúp cho họ quan tâm đến con cái và giáo dục con cái của họ trở thành những người tốt trong xã hội.

Đó là lời giải thích của thảo dân, tâu Bệ hạ, và đó là cũng là lý do tại sao thảo dân đã cắn vào tai của bà"
.

Câu chuyện đã không ghi lại phản ứng của đức vua ra sao sau khi nghe lời thú tội này của tên cướp. Tuy nhiên tính đạo đức của câu chuyện là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với tất cả các bậc cha mẹ.

Bất cứ khi nào cha mẹ phát hiện ra những hành vi bất thường của con mình thì phải lập tức khuyên can ngay và dạy con đừng bao giờ sa chân vào con đường vô đạo đức ấy.

Nếu không thực hiện điều này thì những lỗi lầm nhỏ nhặt ban đầu của đứa trẻ sẽ có điều kiện phát triển nhanh và trở thành là mầm mống để dấn sâu vào con đường tội lỗi, sự phá sản cuộc đời của đứa con cũng bắt đầu từ đây và trong đó có cả sự tiếp tay của cha mẹ.

Trong xã hội ngày nay, có nhiều gia đình dường như không còn tồn tại mối quan hệ thân thiết, gần gũi, liên lạc hằng ngày giữa cha mẹ và con cái. Hậu quả là con cái của họ bị sa bước vào con đường suy đồi và tội lỗi.

Do vậy, sự khuyên răn, thảo luận thân mật, chịu khó lắng nghe giữa cha mẹ và con cái là điều tối cần thiết trong mỗi gia đình và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành nhân cách của con cái chúng ta.

Sưu tầm