Skip to main content

Cuộc đời

Cuộc đời con người, từ khi "chào đời" đến khi "tạ thế" cũng đươc ví như một cuốn sách. Mỗi ngày sống là một trang. Nội dung cuốn sách ghi lại những lời nói việc làm, những tâm tư tình cảm.
A A+
color:
Cuộc đời
Cuộc đời con người, từ khi "chào đời" đến khi "tạ thế" cũng đươc ví như một cuốn sách. Mỗi ngày sống là một trang. Nội dung cuốn sách ghi lại những lời nói việc làm, những tâm tư tình cảm.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Khi một trẻ thơ lọt lòng mẹ, người ta nói: em bé “chào đời”. Khi một người trút hơi thở cuối cùng, người ta bảo: người này “tạ thế”. “Chào” là tâm tình của người mới đến. “Tạ” là cử chỉ của người sắp đi xa. Khi chào đời, em bé nào cũng có bàn tay nắm chặt; khi tạ thế, người nào cũng để bàn tay buông xuôi. Bàn tay nắm chặt là bàn tay tự tin, muốn khẳng định mình; bàn tay buông xuôi là bàn tay mệt mỏi, thấy mọi sự đều vô nghĩa. Khoảng thời gian từ lúc chào đời đến khi tạ thế, người ta gọi là cuộc đời. Cuộc đời có khi ngắn, có khi dài. Có những người trường thọ cao niên, sống đến trên một thế kỷ, nhưng cũng có người đoản mệnh duyên đơn, chỉ sống một thời gian rất ngắn. Dù đời ngắn hay dài, đã sống trên đời, con người cần phải biết đối nhân xử thế. Dù trường hay đoản thọ, con người sống phải nhân có nghĩa với người xung quanh. Không chịu học hỏi, khi vào đời sẽ gặp những thất bại cay đắng. Thiếu kinh nghiệm, khi lập nghiệp sẽ phải trả giá khôn lường.

Cuộc đời này cũng được gọi là thế gian. Nơi đó con người, dù muốn hay không, đều bị thảy vào “chợ đời” đầy bon chen tính toán. Cái “chợ đời” này rất mênh mông và oan nghiệt. Vì là “chợ đời”, nên người ta lấy lời lãi, vật chất làm tiêu chuẩn cho mọi mối tương quan. Anh em, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp bỗng trở nên những đối tác, những bạn hàng trong vòng xoay của cơm áo gạo tiền. Vì tiền bạc, tình vợ chồng trở nên phai nhạt đến mức không thể chung sống. Vì đất đai, anh em huynh đệ trở thành kẻ thù đến độ chẳng muốn thấy mặt nhau. Vì cuộc đời nghiệt ngã như vậy, nên càng có tuổi, người ta càng còng lưng xuống. Còng lưng là biểu hiện của đau xương cốt, nhưng cũng là hậu quả của gánh nặng cuộc đời.

Lúc chào đời cũng như lúc tạ thế, người ta đều khóc. Khởi đầu cuộc sống, đứa trẻ khóc trong tiếng cười của cha mẹ và người thân. Kết thúc cuộc đời, người ra đi trong tiếng khóc của gia đình, làng xóm. Khóc là biểu hiện của nỗi buồn, nhưng cũng là dấu hiệu của niềm vui. Có thể tiếng khóc chào đời là vì nhận ra cuộc sống đầy đau khổ. Có thể giọt lệ khi hấp hối là giọt lệ của niềm vui vì đã có một cuộc đời mãn nguyện. Thế rồi, suốt thời gian gọi là cuộc đời ấy, nước mắt với nụ cười đan xen với nhau, xem ra nước mắt nhiều hơn nụ cười. Người có chí khí biết cười trong mọi hoàn cảnh. Sau mỗi lần gục ngã, họ chỗi dậy, tiếp tục bước đi, lấy những thất bại làm bài học kinh nghiệm, lấy những khó khăn luyện rèn ý chí. Lửa thử vàng, gian nan thử đức, qua những thất bại đau khổ, con người như thép đã tôi, trở nên cứng cáp vững vàng. Đã sinh vào cuộc đời, cần phải chấp nhận lao vào gian khó, như miếng thép phải chấp nhận vào lò lửa và rèn giũa để trở nên khí cụ sắc bén, nhờ đó mà trở nên hữu dụng trong đời. Khi tạ thế, có những người mãn nguyện bình an, nhưng cũng có những người trăn trở khó nhắm mắt. Có thể đó là những “món nợ” đời chưa trả, bởi mình đã trót “vay”. Có thể đó là trách nhiệm chưa vuông tròn đối với những gì mình được trao phó. Khi hiện hữu trong cuộc đời này, mỗi người đều có bổn phận phải hoàn thành. Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng là lúc được triệu hồi để làm một cuộc thống kê về những điều đã làm hay đã không làm khi sống ở đời.

Đối với người tin Chúa, khoảng giữa từ khi “chào đời” cho đến “tạ thế”, họ còn qua một cuộc “tái sinh”, đó là bí tích Thanh Tẩy. Nhờ nước và Thánh Thần, họ được sinh ra một lần nữa để làm con cái Chúa. Khi được thanh tẩy, họ khởi đầu hành trình Đức Tin. Hành trình này song song với hành trình cuộc đời. Phép Thanh Tẩy cũng cho họ tước vị làm “công dân Nước Trời”, nghĩa là tuy sống dưới trần thế, họ đã thuộc về vương quốc của Chúa Giêsu, trở nên môn đệ của Người. Tuy vậy, nguyên việc được thanh tẩy chưa đủ để họ được bước vào vương quốc vĩnh cửu ấy. Bởi lẽ ai muốn vào Nước Trời phải qua cửa hẹp. Cửa rộng rất thênh thang, dễ vào nhưng lại dẫn tới trầm luân, đau khổ. Cửa hẹp chật chội, khó qua nhưng lại dẫn tới niềm vui, sự sống. Nhờ Đức Tin, người tín hữu sống giữa đời mà không hoàn toàn thuộc về đời, như bông hoa sen từ bùn vươn lên mà thanh thoát chẳng vương mùi bùn. Người tin Chúa sống giữa cõi trần, mà có một trái tim thanh sạch, giữa bon chen mà tâm hồn thanh thản, giữa thung lũng nước mắt mà vẫn có thể nở nụ cười.

Cuộc đời con người, từ khi “chào đời” đến khi “tạ thế” cũng đươc ví như một cuốn sách. Mỗi ngày sống là một trang. Nội dung cuốn sách ghi lại những lời nói việc làm, những tâm tư tình cảm. Ta có thể viết những trang thật đẹp, khi đó là những hành động nghĩa hiệp, cao cả, mang lại niềm vui cho đời, nhưng ta cũng có thể viết những trang rất xấu khi đó là những hành động ích kỷ, gây tai họa cho người xung quanh. Đáng tiếc, trên đời này, người ta học cái xấu thì chăm hơn cái tốt, người ta tiếp thu lối sống láu cá, mưu mô thì dễ hơn tập luyện đạo đức, thân thiện. Giữa chợ đời bon chen, tiếng ồn ào của dối gian luôn mạnh mẽ hơn tiếng nói của công lý, kẻ mạnh luôn chèn ép người yếu thế nghèo nàn. Vì vậy mà cuốn sách cuộc đời còn mang nhiều trang tối tăm nhơ nhuốc.

Con người sinh ra ở đời, có lúc chào đời và có khi tạ thế. Vì vậy, người ta gọi cuộc sống là “chốn khách đày”. Đời chỉ là chốn tạm, người ta đến rồi đi, chẳng phải là nơi vĩnh cửu, cũng không là quê hương mãi mãi. Tuy chỉ là đời tạm, những ai đi qua đều có thể để lại dấu ấn đời mình cho các thế hệ mai sau. Có những người đã để lại cho hậu thế tấm gương tốt đẹp về lòng nhân ái bao dung, hễ nhắc đến tên người ta ngả mũ chào; nhưng lại có những kẻ sống ác đức, các thế hệ sau nhắc đến tên để phỉ nhổ. Có những người suốt đời cống hiến hy sinh, để lại những công trình đem lại ích lợi cho toàn thể nhân loại, nhưng lại có những người để thời gian trôi đi vô ích, không làm được gì ngay cho bản thân và gia đình. Người công giáo tin rằng, lúc tạ thế không phải là chấm dứt, nhưng đó là một cánh cửa mở ra để bước vào cuộc sống mới. Người công giáo cũng tin rằng, những điều tốt đẹp ta làm ở đời này, sẽ đi cùng với ta về đời sau, nơi đó, hạnh phúc sẽ tràn trề, vinh quang sẽ bất diệt và tình yêu tồn tại mãi mãi. “Hổ chết để lại da, người ta chết để lại tiếng”. Điều còn lại khi thân xác đã tiêu tan trong lòng đất, đó là lòng nhân hậu, sự thánh thiện và tình yêu mến ta dành cho mọi người khi còn sống. Những điều này không tiêu tan với thời gian, nhưng muôn đời tồn tại.

Cuộc đời này chỉ là chốn tạm. Nước Trời là quê hương vĩnh cửu, là hạnh phúc Chúa dành cho những ai yêu mến và trung thành với Ngài. Chúa Giêsu cam đoan với chúng ta, Người đi trước để chuẩn bị cho chúng ta chỗ ở trong nhà Cha của Người (x. Ga 14,1-4). Ở nơi quê hương vĩnh cửu này, bàn tay không còn nắm chặt để khẳng định uy quyền, cũng không còn buông xuôi vì ê chề thất vọng, nhưng sẽ giơ cao để ca tụng Chúa, trong tình hiệp thông với các thiên thần và các thánh nam nữ trên trời.

Bàn tay buông xuôi khi lìa đời nhắc bảo ta rằng, con người chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa, nhưng mọi sự ta làm đều do ơn Chúa thương ban. Vì thế, nếu thân phận con người còn nhiều tội lỗi, Chúa lại nói với Chúng ta: “Đức tin của con đã cứu con” (x. Mc 5,34). Lòng nhân hậu bao dung của Chúa giúp chúng ta nghị lực để tiếp tục bước đi trong cõi đời đầy gian nan này.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ
https://tgpsaigon.net/bai-viet/cuoc-doi-29358

Để Chúa nhào nặn

Nếu bạn thấy đang gặp rắc rối, hãy phó thác và hãy để cho Chúa điều khiển và hướng dẫn cuộc đời của bạn. đọc tiếp ...