Skip to main content

Khi Người không đáp trả

Khi không đáp trả, đấy cũng là một cách trả lời. Trả lời bằng lặng im nhiều khi lại là câu trả lời thâm sâu và hàm chứa nhiều ý nghĩa.
A A+
color:
Khi Người không đáp trả
Trong những đêm đen như mù mịt, tôi gõ nhưng cánh cửa chẳng mở. Phải chăng chỉ có Ngài, Ngài mới biết những gì là tốt nhất cho phần rỗi của tôi. Như vậy, không đáp trả có là dấu chỉ của tình thương?
Trích từ : "CON BIẾT CON CẦN CHÚA"
của Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Nguồn: www.vntaiwan.catholic.org.tw

Ai trong các con có bạn hữu nửa đêm đến nhà mình nói: Bạn ơi, cho tôi mượn mấy tấm bánh, vì bằng hữu ở xa tới mà tôi hết đồ ăn rồi. Người kia ở trong trả lời: Ðừng quấy rầy người ta, cửa đóng rồi, trẻ nhỏ ngủ hết, ai dậy mà lấy cho ông được. Nhưng nếu họ cứ gõ hoài. Ta bảo thật, người ấy không dậy mà cho vì tình bạn bè thì ít ra vì họ quấy rầy nên cũng ráng dậy mà lấy cho họ. Nên Ta bảo cho các con rõ: Vì hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho (Lc. 11: 5-10).

Chúa bảo tôi đến gõ cửa, ở đấy có chờ đợi. Ðó là lời xác định của Chúa. Như vậy, chắc chắn tôi sẽ bắt gặp nếu tôi kiếm tìm, tôi sẽ tìm thấy nếu tôi van xin.

* * *

Nhưng trong đời, tôi đã kinh nghiệm một nỗi bận tâm khó hiểu. Tôi gọi mà Chúa không đáp trả. Tôi xin mà Chúa không cho. Có những vực sâu của tâm hồn, có những đêm dài bất an, tôi hướng về Chúa nhưng tôi không gặp. Tôi không ước mơ những ước mơ lớn. Tôi chẳng xin sang giàu. Tôi chỉ xin cho tôi nhẹ bớt khổ đau tâm hồn. Tôi chỉ xin cho đỡ kéo dài bệnh tật của thân xác. Tôi chỉ xin Chúa soi cho tôi một ánh đèn khi tôi phải quyết định những vấn đề quan trọng. Tôi chỉ xin Chúa giữ tôi lại trước đêm đen mịt mùng cám dỗ. Nhưng tiếng tôi từ vực sâu lại vọng về với tôi trong nỗi vắng. Những lúc tôi cần Chúa nhất thì Ngài lại bỏ tôi đi xa. Vì sao Người im tiếng?

* * *

Ngài im tiếng. Hay có phải Ngài đang nói mà tôi không nghe? Ngài chối từ. Hay có phải cánh cửa đã mở mà tôi không vào vì có vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh? Ngài im lặng. Hay có phải Ngài bảo tôi: Hãy vào sa mạc, hãy ra bờ đá lặng thinh, hãy khép lại bớt cửa lòng rồi con sẽ nghe thấy tiếng Cha. Nhưng tôi chán những bờ đá vắng vẻ, và tôi đã yêu những vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh. Làm sao tim tôi nghe được tiếng con họa mi đang hót khi mà bày ve sầu đam mê đang kêu inh ỏi trong hồn?

Ngài thờ ơ. Hay có phải Ngài không đáp trả vì tôi bất xứng với ân sủng của Ngài. Chẳng ai có thể trách vì sao không có mặt trời nếu họ cứ sống dưới hầm tối, vực sâu. Chẳng ai có thể trách vì sao không có bình an nở giữa khu vườn tham lam. Người cha tốt là người cha đóng cửa nhà mình để đứa con khỏi ngày ngày về lấy gia tài đi hoang đàng, phung phí.

Vì sao Chúa không cho tôi điều tôi xin? Ðã bao lần Chúa bắt tôi đi. Gian nan. Mỏi. Tôi muốn ghé tạm xuống đường ngồi nghỉ. Nhưng Chúa biết để tôi ngồi nghỉ, dần dà tôi sẽ nghe theo tiếng nói của đất thấp, tôi sẽ lười biếng đối với tiếng gọi của trời cao. Tôi trách vì sao Người không cho tôi lập nghiệp trên những ước mơ của tôi, xin làm quê hương trên những ý nghĩ riêng tư của tôi. Ngài chẳng đáp trả, vì Ngài biết đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi. Trong những đêm đen như mù mịt, tôi gõ nhưng cánh cửa chẳng mở. Phải chăng chỉ có Ngài, Ngài mới biết những gì là tốt nhất cho phần rỗi của tôi. Như vậy, không đáp trả có là dấu chỉ của tình thương?

* * *

Khi không đáp trả, đấy cũng là một cách trả lời. Trả lời bằng lặng im nhiều khi lại là câu trả lời thâm sâu và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Tôi không đến với ai mà tôi biết chắc rằng tôi không thể tin cậy. Khi đến xin Chúa trợ giúp là tôi đặt niềm tin nơi Ngài. Nếu đã đặt niềm tin thì sao lại có thể phân vân. Khi Ngài im lặng như không đáp trả, tôi lo âu, thì đấy là dấu hiệu niềm tin đó không vững vàng.

Niềm tin là lời cầu nguyện để xin được biến đổi. Như thỏi đất sét tin mình nằm trong tay người thợ lành nghề. Người thợ gốm biết loại đất sét nào có sức chịu đựng để đúc gạch lót đường, loại nào có thể tạc tượng. Niềm tin vững vàng là phó thác trong tay người thợ gốm vì tin rằng mình được yêu thương và săn sóc. Tin vững vàng hệ tại phó thác rằng Chúa là người thợ gốm khôn ngoan và không lầm lẫn trong công trình sáng tạo. Chứ tin vững vàng không có nghĩa là tin mình sẽ biến đổi được ý định của Chúa để đạt được điều mình xin. Có những lời xin chẳng bao giờ được đáp trả nhưng lại là một ân sủng thật lớn lao.

* * *

Ngày còn bé tôi không biết cầu nguyện thế nào. Những ngày bom nổ nhiều là những ngày mẹ tôi càng lo. Mỗi tối, mẹ tôi bảo tôi ngồi lần hạt cầu nguyện cho cha ngoài trận tuyến. Trong trí óc non dại, tôi cầu nguyện cho cha tôi được bình yên. Một lằn đạn hiểm nghèo. Một trái mìn kín đáo. Ðời sống bếp bênh như treo bằng sợi chỉ. Chỉ một giấy báo tin thôi, tôi sẽ là đứa mồ côi. Mẹ tôi sẽ là góa phụ. Tôi đã thấy nhiều lá cờ trải lên mộ đất. Tôi đã thấy nhiều chuyến xe nhà binh chở đơn độc một quan tài, người thiếu phụ đội nón trắng ngồi lặng lẽ không còn nước mắt để khóc.

Rồi chuyện một đêm đã đến. Chiến tranh đổ xuống trên mảnh đất quê tôi. Tôi còn bé, nhưng tôi hiểu những nghẹn ngào của người có thân nhân vừa mới vĩnh biệt. Mưa ướt lẹp xẹp, tôi nghển cổ nhìn qua cửa sổ đông chật người. Một chiều mưa ảm đạm, lạnh lẽo làm sao. Mái lá thấp đổ những dòng mưa thảm não. Tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều xám nặng nề ấy cho tới hôm nay. Ðôi chân của cậu X. chết nằm sóng sượt trên cái phản gỗ. Bùn dính lem luốc. Mợ X. khóc thảm thiết bên xác chồng mới chết trận. Ai đã bắn chết cậu? Có phải kẻ mà cậu chưa kịp bắn?

Tò mò, tôi theo những đứa trẻ khác ra ven rừng xem xác chết. Những hố bom cày tung đất còn mới nguyên. Vải băng trắng còn lẫn với xác người chưa kịp thu. Giữa những xác người ấy, tôi thấy một người nằm chết cong queo, cụt chân vì bom nổ, máu bầm khô bết vào áo đầm đìa. Mặt cháy đen. Nhìn kỹ trên khuôn mặt ấy, tôi không quên được là chuỗi tràng hạt vẫn quàng vòng quanh cổ. Kẻ chết là một bộ đội miền Bắc. Ðiều làm tôi ngỡ ngàng là bộ đội cộng sản cũng tin vào Chúa như tôi sao?

Từ ngày đó, mỗi lần giúp lễ, nhìn lên thánh giá mà hồn tôi bâng khuâng. Tôi thấy Chúa buồn. Quỳ đây, tôi cầu nguyện xin Chúa chở che cha tôi ngoài chiến trận. Nhưng người cán binh bộ độ ấy, có thể cũng có một đứa con trai bằng tuổi tôi ở ngoài miền Bắc. Nó cũng là cậu bé giúp lễ. Cứ mỗi sáng, mẹ nó cũng đánh thức nó dậy thật sớm để giúp lễ, cầu nguyện cho cha đang ở mãi trong miền Nam heo hút. Năm tháng bặt tin, chắc chiều chiều, tối tối, mẹ nó cũng rối bời lòng trí, thẫn thờ nhìn về phương Nam, dục nó đọc kinh. Chúa nghe lời tôi để cha tôi giết họ? Chúa nghe lời cậu bé kia để cha cậu giết cha tôi? Cả hai cậu bé đều cầu nguyện, Chúa biết nghe lời ai?

Tôi không tin là Chúa có câu trả lời. Tôi chỉ cảm thấy rằng Chúa khó xử ghê gớm lắm. Chúa trên thập giá như càng thêm đau đớn. Mỗi lời cầu của tôi là một vết thương cho Ngài. Mỗi nỗi lo âu của cậu bé ngoài miền Bắc kia làm Ngài thêm khổ tâm.

Tôi hình dung Chúa như một người cha. Ðứa con thứ nhất chạy đến: Cha ơi, đưa con dao cho con để con chém nó. Ðứa con kia chạy lại, sợ hãi: Cha ơi, đừng đưa! Cha có biết rằng con cũng là con của cha sao? Và người cha chỉ còn biết đớn đau mà thôi, vì cả hai con đều là con của mình.

Từ đó, mỗi buổi sáng giúp lễ, tôi thấy Chúa trên thập giá như ngậm ngùi. Tay giang rộng cứ thêm mãi khổ thương. Từ ngày đó, trong cái trí óc non nhỏ của tôi, tôi hiểu mơ màng rằng bất cứ hành động nào gây thương tích cho nhau cũng là làm khổ cho Cha trên trời.

* * *

Lạy Chúa,
Mỗi khi con cầu nguyện thì cho con biết xin được biến đổi, chứ đừng biến đổi Chúa. Làm sao con có thể biến đổi sự khôn ngoan của Chúa thành sự vụng về của con. Khi con nài Chúa làm theo ý con là con muốn đem sự hoàn hảo của Chúa thành những bất toàn giống như của con.

Con ngỡ tiếng sói sủa là vui tai. Con ngỡ lời mời của Satan là tha thiết. Con ngỡ trái táo hồng có hương thơm, nào ngờ đâu con có biết sâu độc làm tổ ở bên trong. Những lời con xin nhiều khi rất đẹp, nhưng chỉ là đẹp theo cái nhìn của con mà thôi.

Lạy Chúa,
Xin cho con hiểu rằng có những lời xin mà Chúa chẳng thể đáp trả được. Và chính lúc Chúa im lặng lại là lúc Chúa đang nói với con bằng ngôn ngữ nhiệm mầu nhất.

Trích từ : "CON BIẾT CON CẦN CHÚA"
của Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/btathuog/khingai.htm