Skip to main content

Lời mời gọi sám hối

Và đặc biệt trong mùa Chay này Lời Chúa và Giáo Hội nhắc ta, cùng với ơn của Chúa Thánh Thần biến đổi cuộc đời của chúng ta, để chúng ta bước đi trong cuộc sống hành hương này.
A A+
color:
Lời mời gọi sám hối
Chúng ta đang thiếu cái gì? Chúng ta đang thiếu điều mà Chúa Giêsu ao ước. Đó là bám vào Lời Chúa, để Lời Chúa được loan truyền.

Chúng ta vẫn thường nghe hát: Lạy Chúa Con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường!

Và rồi, trong tâm thức và trong niềm tin của mỗi người Kitô giáo, mỗi người chúng ta, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, vẫn thao thức để rồi mình được đi lại cái con đường mà ngày xưa Chúa đã đi. Cái con đường mà từ Giêrusalem lên đỉnh đồi Canvê, để ít ra chúng ta cùng cảm nghiệm được cái hành trình thương khó của Chúa Giêsu.

Và cũng có một số người được cái may mắn, được cái diễm phúc là đã được đi lại cái con đường Thập Giá mà ngày xưa Chúa Giêsu đã đi.

Và rồi chúng ta thấy: Ngày xưa Giuđa cùng với 11 tông đồ cũng đã đi lên cái con đường mà Chúa Giêsu đã đi, những người lãnh đạo Do Thái cũng đi, và có hàng ngàn người Do Thái đã đi theo Chúa Giêsu lên trên con đường thập giá Canvê.

Nhưng mà mọi người đi trong cái tâm thức như thế nào?

Mỗi người đi trong cái tâm thức gì và mang theo cái ấp ủ gì trên con đường từ Giêrusalem lên Canvê.

Những người Do Thái họ cũng đi nhưng mà rồi họ lên án Chúa Giêsu và họ tìm mọi cách để mà giết Chúa Giêsu.

Những người lãnh đạo Do Thái thì họ đi, nhưng rồi cũng vì quyền lợi để họ xâu xé Chúa Giêsu và đặc biệt Juđa bi đát nhất: Juđa đã bán Chúa Giêsu.

Nếu mà cuộc đời của chúng ta đi theo hành trình lên Canvê mà, chúng ta cũng bán CHÚA, mà chúng ta cũng tính toán như Juđa thì chán lắm.

Và rồi trước đây năm 1975 có một số người kiếm cớ đi hành hương Giêrusalem để mà buôn lậu. Và rồi từ những cái suy nghĩ đó, từ những cái nhãn giới đó. Chúng ta đặt vấn đề: đi hành hương Giêrusalem có phải đơn giản chỉ là đi lại con đường hành hương mà ngày xưa Chúa Giêsu đã đi, xét về mặt địa lý như các công ty du lịch, như các cá nhân và tập thể ngày mỗi ngày vẫn ao ước bước chân qua Giêrusalem.

Thế nhưng, chúng ta không đặt vấn đề Địa lý ở đây, nhưng mà chúng ta đặt vấn đề khác ở bên dưới cái hành hương địa lý, bên dưới cái con đường sỏi đá gạch cát mà Chúa Giêsu phải đi.

Khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem, từ Giêrusalem đi lên Canvê, Chúa Giêsu mang trong mình cái tâm tư nào ?

Chúng ta thấy nếu mà đọc thoáng Tin Mừng của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đi lên Canvê, theo Thánh Máccô, thì chúng ta khó cảm nhận lắm.

Bởi vì CHÚA Giêsu được dẫn vào hoang địa để sống với dã thú. Sống với dã thú thì sợ lắm!

Bởi vì, không khéo sống với dã thú thì nó ăn thịt mình trước khi bị cám dỗ rồi!

Nhưng mà rồi Chúa Giêsu Vào hoang địa để làm gì ?

Khi đọc lại những trang đầu của Thánh Kinh và đặc biệt chúng ta thấy hình ảnh của ông bà nguyên Tổ được tạo dựng. Ông bà nguyên tổ được tạo dựng và con người được bình an, được hưởng bình an của Chúa từ Vườn Địa Đàng, được hưởng tất cả những gì mà Thiên Chúa tạo dựng.

Thế nhưng rồi, chính vào cái giờ phút mà ông bà phạm tội, ông bà đã cắt đứt hiệp thông với Thiên Chúa, thì ngay cả như hai ông bà cũng đã cắn xé nhau và đổ lỗi cho nhau: "không phải tôi".

Và rồi, con cái của hai ông bà cũng là anh em ruột thịt, nhưng cũng lại chém giết nhau. Hai ông bà sống chung với dã thú, với thiên nhiên. Nhưng mà rồi, những cái dã thú, thiên nhiên đó nó không có thù nghịch với 2 Ông Bà. Chỉ trừ khi hai ông bà phạm tội, thì hai ông bà đã biến Vườn Địa Đàng thành rừng rú, thành nơi thú dữ.

Và rồi Chúa Giêsu, Chúa Giêsu thì ngược lại khi Chúa Giêsu đi vào rừng rú thì không phải rằng là để biến nó thành nơi dữ tợn, mà Chúa Giêsu biến rừng rú thành địa đàng. Chúa Giêsu đã sống chung với dã thú một cách vui vẻ, mà thánh Marcô đã diễn tả: khi mà Ngài ở trong hoang địa và Ngài rao giảng: Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, tin vào Phục Sinh !

Chúa Giêsu trên nẻo đường Palestina với những ước mơ và nhiều ước mơ: "Thầy ước gì thấy nén lửa vào thế gian và lửa đó bùng cháy lên". Ước mơ cho một giấc mơ mới , một thế giới mà trong đó con người ta cư xử với nhau một cách là người hơn, một cách bác ái hơn, một cách yêu thương hơn.

Và rồi một ngày nào đó, trong viễn tượng của tương lai, thế giới cũng sẽ là một nơi đầy niềm vui, đầy tiếng cười, đầy tình yêu. Đó là ngày cánh chung. Và đời sống Kitô hữu của chúng ta là như vậy đó.

Thánh Phaolô, chắc có lẽ rất đơn giản, để định nghĩa về cuộc đời người Kitô hữu của chúng ta như thế này: "Anh em hãy mang trong mình tâm tư như Đức Giêsu Kitô", có nghĩa rằng là:

Đức Giêsu Kitô sống như thế nào, thì người Kitô Hữu cũng sống như thế đó! Chúa Giêsu mơ ước như thế nào thì người Kitô Hữu cũng mơ ước như Ngài. Chúa Giêsu có tâm tư như thế nào thì người Kitô Hữu cũng có tâm tư như thế.

Để rồi từng bước trong cuộc đời của chúng ta đi đến cơ quan, đi đến trường học, và thậm chí đi du lịch hay đi thăm người này người kia chúng ta cũng mặt lấy tâm tình của Chúa Giêsu, mơ ước với Chúa Giêsu, thao thức với như Chúa Giêsu thì những con đường, những nẻo đường mà chúng ta đi đó, lại trở thành con đường của Hành Hương. Chứ không phải đi lên Giêrusalem, đi về tới Giêrusalem mới là hành hương! Ngày mỗi ngày trong đời thường của chúng ta, chúng ta vẫn là hành hương.

Và rồi chúng ta suy nghĩ về những cái cơn Cám Dỗ mà nhiều nhà thần học là cám dỗ Messia.

Satan không hề giới thiệu về những điều xấu xa về điều ác về sự dữ. Thế nhưng Satan giới thiệu về chân lý, sự thật xem ra rất là hấp dẫn và rất là thuyết phục. Những điều satan đưa ra rất đẹp, nhưng thật sự ra những điều đó chỉ là nữa sự thật thôi!

Và trong cuộc đời của chúng ta nguy hiểm nhất khi sự thật chỉ được trình bày nữa sự thật còn lại là úp úp mở mở. Nếu là đen hết thì người ta sẽ khó bị cám dỗ nhưng nó cứ mờ mờ, ảo ảo. Để nghe những lời cám dỗ của satan, người ta lại thích.

Những cơn Cám Dỗ của Chúa Giêsu, Thánh Máccô nói là gì?

Ngài chịu satan cám dỗ, còn theo Mátthêu và Luca thì Chúa Giêsu có 3 cơn Cám Dỗ. Và 3 cơn cám dỗ này nó rất thực tiễn, thực tế trong cuộc đời của con người.

Rõ ràng, như chúng ta mà nghỉ ăn một ngày, hai ngày là đói lắm rồi! 40 Ngày thì quả thật cực kỳ đói! và satan nói với Chúa Giêsu: Hãy biến đá thành bánh.

Đó là cái cơn cám dỗ về kinh tế.

Không phải ngày xưa Chúa Giêsu mới bị cám dỗ về kinh tế, như ngày hôm nay cả thế giới người ta bị cơn cám dỗ về kinh tế rất nhiều.

Người ta cứ tưởng là phát triển kinh tế và kinh tế phát triển và sẽ giải quyết được vấn đề thao thức và nhu cầu của con người. Và cách riêng trong những nước nghèo như Việt Nam, ai cũng ước ao đất nước mình phát triển.

Đó là chân lý đó! nhưng mà thật sự, chân lý chỉ là một nửa sự thật thôi. Thực tế rằng, không phải phát triển kinh tế là chúng ta có một thế giới mới đâu.

Cách đây vài chục năm, khi chúng ta nhìn lại một sự thật mà không ai dám nhìn: đó là ngay tại Sài Gòn thôi! chúng ta thấy khoảng cách giữa giàu và nghèo giữa sang và hèn nó cách li quá lớn!

Và khi con người chạy theo toàn cầu hóa thì có cả tỷ người nghèo bị loại ra khỏi thế giới này. Và không hề được hội nhập với những người giàu có.

Thế giới ngày hôm nay, chúng ta vẫn nhìn thấy nơi những thành phố lớn, bên cạnh những đường hoa lộng lẫy những cái đèn Phố chiếu sáng đó thì bên trong đó có những cái Ngõ hẻm cái hang cùng ngõ hẻm, nơi đó lại có những cái quán cơm bình dân, nơi đó có những tô hủ tiếu gõ, và nơi đó có những người nghèo.

Cách ly chứ không phải rằng là hạnh phúc bình an. Khi kinh tế phát triển, dĩ nhiên có phát triển nhưng đằng sau lưng sự phát triển đó lại là một khoảng cách giàu nghèo.

Và rồi chúng ta thấy, khi mà Chúa Giêsu được đưa lên nóc. Chúa Giêsu được ma quỷ cám dỗ rằng là: nếu mà là con THIÊN Chúa thì…

Chúa nói nếu cần thì chỉ cần sai thiên thần đến thôi!

Và đó chính là cái cơn cám dỗ về kỹ thuật.

Con người ta thật sự ra, ngày hôm nay rất giỏi, rất thông minh. Người ta có thể bay lên tới không trung và người ta có thể biến thế giới này thành một cái ngôi làng thu nhỏ thôi. Và qua phương tiện truyền thông, giờ này bên kia của quả đất người ta có thể nói chuyện với nhau. Người ta có thể nhìn thấy nhau người ta có thể cười với nhau, người ta có thể khóc với nhau.

Và Cám Dỗ đó là cái cám dỗ của người trẻ ngày hôm nay. Người ta cứ tưởng phát triển kỹ thuật là phát triển tất cả. Chân lý đó thật sự ra chỉ nửa chân lý thôi!

Khi chúng ta nhìn thấy phát triển thì phát triển về dân số, về môi sinh, về vấn đề về nguyên tử cũng phát triển. Chính khi con người lo lắng quá về kỹ thuật và chính con người là tác giả thì chúng ta thấy tội nghiệp cho con người.

Dân số ngày hôm nay phát triển để rồi bao nhiêu vấn đề nảy sinh ra. Những cái vấn đề của nguyên tử và đặc biệt của môi sinh, môi trường môi trường ô nhiễm đến mức báo động mà con người vẫn vui vẻ sống với nhau.

Đâu phải phát triển kinh tế kỹ thuật là tốt đâu? Kỹ thuật phát triển và kèm theo đó là hóa chất, là những chất bảo quản, là những phụ gia và nghe đâu, mới nghe đây là cá mà còn giả nữa thì thôi!

Con người ta sống giả tạo với nhau, càng phát triển về kỹ thuật thì càng gây hại cho con người bấy nhiêu. Bởi vì, con người thông minh nhưng không mặc lấy cái tâm tình của con người và đã bán bỏ lương tâm.

Và rồi satan dẫn Chúa Giêsu lên núi cao và chỉ cho Ngài về mọi sự và cho Ngài cai quản tất cả. Đơn giản là qùy thờ lạy nó thôi!

Đó là cơn cám dỗ về quyền lực.

Người ta thường nghĩ rằng có quyền sẽ làm được tất cả, và ngay bản thân của Giáo hội cũng vậy. Giáo hội cũng tưởng rằng mình có quyền mình sẽ làm được tất cả nhưng mà rồi, thời trung cổ chúng ta thấy ở châu Âu, đi đâu cũng có chiến tranh. Quyền lực của Giáo hội lúc đó rất mạnh, thế như thiệt sự quyền lực của Giáo hội lúc đó có giải quyết được tất cả hay không?

Giáo hội nắm quyền, nhưng có giải quyết được những điều mà Chúa mơ ước hay không? Là mọi người hiệp nhất yêu thương hay không? và chính bản thân Đức Giáo Hoàng phải xin lỗi nhân loại về những sai lầm của Giáo Hội trong thời thánh chiến.

Và chúng ta thấy, những nhà độc tài Phát xít, Hitler, Stalin, quyền lực trong tay như thế nhưng mà có biến đổi 1 thế giới mới như lòng Chúa mong ước hay không? một thế giới hòa bình, một thế giới yêu thương hay không? nhưng hay là người ta biến đổi thành một cái nhà tù khổng lồ.

Chúng ta thấy các cơn cám dỗ đó, nếu mà chúng ta để ý Lời Chúa có tầm vóc rất lớn! Chứ không phải là những chuyện nhỏ nhen những truyện đọc qua đường.

Khi chúng ta khám phá ra chúng ta thiếu cái gì, để rồi chúng ta cân chỉnh cuộc đời của chúng ta.

Các-mác nói: Tôn giáo là trái tim của một thế giới không có trái tim. Linh hồn của một thế giới không có linh hồn. Tôn giáo là liều thuốc phiện. Thật là như thế!

Con người không có linh hồn là con vật. Thế giới mà có kỹ thuật mà không có trái tim thì chỉ là cú vọ với nhau thôi. Thế giới kinh tế mà không có linh hồn là thế giới của loài heo, loài bò thôi! Thế giới của quyền lực mà không có con tim là một thế giới của dã thú!

Chúng ta đang thiếu cái gì? Chúng ta đang thiếu điều mà Chúa Giêsu ao ước. Đó là bám vào Lời Chúa, để Lời Chúa được loan truyền.

Và lời mời gọi hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vẫn vang vọng bên tai của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy giũ bỏ tất cả nhân sinh quan, thế giới quan cũ kỹ đó, mà tiếp cận với Lời Chúa.

Và đặc biệt trong mùa Chay này Lời Chúa và Giáo Hội nhắc ta, cùng với ơn của Chúa Thánh Thần biến đổi cuộc đời của chúng ta, để chúng ta bước đi trong cuộc sống hành hương này.

Ngày mỗi ngày chúng ta luôn luôn hướng lòng về Chúa và đặc biệt chúng ta mang tâm tư của Chúa mang thao thức của Chúa: TA ném lửa vào thế gian và ước chi lửa đó bùng lên.

Và xin cho mỗi người chúng ta, ngày mỗi ngày yêu mến Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa.

Để rồi, mỗi người góp một chút bàn tay của chúng ta, để trong cuộc hành hương này chúng ta ai cũng vào được nhà cha và đặc biệt mỗi người chúng ta: góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình, một thế giới yêu thương, như lòng Chúa mong muốn. Amen

Tác giả: Huệ Minh
http://thanhlinh.net/node/118119

+ Đường lối của Thiên Chúa
+ Thiên Chúa nhẫn nại chịu đựng
+ Lý tưởng ban đầu