Skip to main content

Con đường thập giá

Trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu không phải là “thập giá” mà là “tình yêu”, là tương quan tình yêu của người môn đệ với Chúa Giêsu Ki-tô - Thầy của mình. Tình yêu đó sẽ làm cho cây thập giá nhẹ đi, vừa sức vác mỗi người.
A A+
color:
Con đường thập giá
Trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu không phải là “thập giá” mà là “tình yêu”, là tương quan tình yêu của người môn đệ với Chúa Giêsu Ki-tô - Thầy của mình. Tình yêu đó sẽ làm cho cây thập giá nhẹ đi, vừa sức vác mỗi người.
Chuyện kể rằng: có một tâm hồn đạo đức nọ, một hôm đến xin Chúa cho mình đổi cây thập giá mà Chúa đã trao cho anh vì anh không thích và cho rằng nó không hợp với mình. Chúa đồng ý và đưa người đó đến nơi có đủ loại thập giá để chọn. Nhìn bên phải thấy có cây thập giá ngắn gọn, người ấy vội vàng cầm lên để vác thử. Nhìn sang trái, tâm hồn đạo đức đó lại thấy một cây thập giá có vẻ dễ vác hơn vì thân nó tròn và bóng, không có các cạnh vuông. Người đạo đức mỉm cười và nghĩ mình sẽ chọn cây thập giá tròn kia để vác cho êm vai hơn. Nhưng khi đặt nó lên vai thì cảm thấy khó vác, vì nó trơn trượt nên cứ tuột ra ngoài, vác đi rất bất tiện.

Thế là người đạo đức nọ xin đổi cây thập giá khác. Lần này kỹ càng hơn, người đạo đức này rảo mắt nhìn qua tất cả các cây thập giá được trưng bày và thấy một cây thập giá bỏ trong góc phòng. Có lẽ nó đã bị bỏ rơi lâu rồi vì không được ai vác. Đặt thập giá này lên vai, người đạo đức cảm thấy nhẹ nhàng, tiện lợi và dễ vác hơn. Cuối cùng, tâm hồn đạo đức này đã quyết định vác lấy cây thập giá đó. Chúa mỉm cười và nói: “Con hãy nhìn kỹ coi, cây thập giá này Cha đã xếp đặt cho con vác ngay từ đầu mà con đã than phiền muốn đổi cây thập giá khác”.

* * *

Con đường thập giá

* * *

Bạn thân mến, nhìn vào thái độ của người đạo đức trong câu chuyện vui kể trên, chúng ta thấy rằng: Nếu cứ bận tâm mãi với cây thập giá phải vác thì có lẽ chúng ta sẽ phải so sánh lựa chọn thay đổi mãi.

Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta hiểu rằng, giả như có hai người cùng thực hiện một công việc giống nhau. Một người làm vì coi đó là trách nhiệm và bổn phận phải làm; còn người kia thì làm việc với cả nhiệt tâm và lòng yêu mến thì người thứ hai sẽ hạnh phúc hơn người thứ nhất và hẳn rằng tình yêu sẽ làm cho gánh nặng vơi bớt.

Cũng thế, chúng ta cần xác tín rằng: Trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu không phải là “thập giá” mà là “tình yêu”, là tương quan tình yêu của người môn đệ với Chúa Giêsu Ki-tô - Thầy của mình. Tình yêu đó sẽ làm cho cây thập giá nhẹ đi, vừa sức vác mỗi người.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng: Chúa Giêsu muốn nhắc cho người môn đệ hiểu được giá trị cao quý của tình yêu đối với Ngài. Tình yêu ấy cao quý khi người môn đệ biết đặt Chúa vào chỗ đứng thứ nhất trong cuộc đời mình. Hay nói một cách khác: Ai muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa thì phải yêu mến Chúa nhiều hơn, nhiều hơn mọi thứ tình yêu khác, hơn cả thứ tình yêu nhân bản phải có như tình yêu đối với cha mẹ, anh chị em thân thuộc của mình.

Bạn thân mến, kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta thấy rằng: nếu chúng ta yêu mến Chúa hơn hết mọi sự, hơn hết mọi người thì trong chính tình yêu cao độ đó, chúng ta có thể chu toàn giới răn yêu thương đối với anh chị em xung quanh. Đó là kinh nghiệm của những vị thánh. Các thánh là những người yêu mến Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhất, yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trên hết mọi người. Đồng thời, các thánh cũng là những người yêu thương phục vụ mọi người cách thiết thực nhất.

Lời Chúa còn cho chúng ta một cái nhìn thiết thực hơn về tình yêu Chúa, không phải tình yêu trừu tượng trên môi miệng hay thứ tình cảm hời hợt thoáng qua. Nhưng tình yêu thiết thực đối với Chúa cần được thể hiện qua những việc làm cụ thể: chấp nhận thập giá, chấp nhận những đau khổ thập giá, chấp nhận bị khinh dể, bị chà đạp như một tử tội, phải chịu tử hình, vác chính thập giá của mình đến nơi bị hành quyết... Vác thập giá như thế là sẵn sàng chịu mất mạng sống mình.

Chúng ta chịu mang án tử không phải như một tội nhân bởi vì chúng ta không làm điều chi sai quấy. Chúng ta sẵn sàng chịu thử thách, chịu đau khổ nhục nhã, chịu hy sinh thiệt thòi… và chịu mất mạng sống mình chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi.

Được như vậy, chúng ta mới được đồng hóa như Chúa, giống như Chúa - Người là Đấng vô tội chỉ biết yêu thương, nhưng bị ghét bỏ và bị đóng đinh trên Thập giá. Chỉ có như thế, chúng ta mới phản ánh dung mạo của Chúa Ki-tô trong môi trường chúng ta đang sống. Lúc đó, chúng ta thực hiện được điều Chúa nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Mt 10,40. Danh dự này là một danh dự đòi hỏi người môn đệ phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chính vì tình yêu Chúa mà người môn đệ vui lòng vác lấy thập giá và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình.

Chúng ta cần nhớ rằng, mọi hy sinh vì tình yêu Chúa đều trở nên hữu ích cho những ai tin cậy nơi Ngài. Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” Mc 8, 35.

* * *

Con đường thập giá

* * *

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa vì Chúa lại ban cho con được hưởng thêm một mùa Chay thánh nữa. Nhìn lại bao tháng ngày đã qua, con thấy mình còn nhiều bất xứng với tình yêu Chúa. Biết bao lần, con đã đoan hứa sẽ trở về và sống với Chúa luôn mãi cho trọn tình con thảo. Thế nhưng, những đam mê, yếu đuối… đã làm con lãng quên tình Chúa. Chúa đã phải cô đơn, tủi buồn vì sự vô ân bội nghĩa của con.

Chúa ơi, con thành tâm xin lỗi Chúa vì con đã để Chúa phải chờ đợi quá lâu! Giờ đây con thành tâm thống hối. Xin Chúa giúp con có đủ quyết tâm và nghị lực để trở về cùng Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” Mt 26,24. Xin Chúa hãy biến đổi con nên giống Chúa hơn và luôn sẵn sàng vác lấy thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa cho đến cùng. Amen.


Vác thập giá theo Chúa

Chẳng ai lại chấp nhận thập giá. Nhưng thập giá luôn có trong đời sống con người. Vác thập giá là một kinh nghiệm sống, mà mỗi người chúng ta cần học cách để vác nó mỗi ngày. đọc tiếp...
edit