Skip to main content

Tuyệt vọng là yếu đuối hơn là tội lỗi

Thiên Chúa thông hiểu tất cả. Vì thế chúng ta được bảo đảm rằng “cây sậy bị dập ngài không bẻ gãy, và bấc đèn leo lét ngài chẳng nỡ tắt đi.”
A A+
color:
Tuyệt vọng là yếu đuối hơn là tội lỗi
Thiên Chúa thông hiểu tất cả. Vì thế chúng ta được bảo đảm rằng “cây sậy bị dập ngài không bẻ gãy, và bấc đèn leo lét ngài chẳng nỡ tắt đi.”

Trong giáo hội và cả toàn thế giới, thường thì chúng ta thấy thái độ tuyệt vọng là một tội lỗi tận cùng, không thể tha thứ. Người ta nghĩ rằng không một ai, kể cả Thiên Chúa có thể cứu bạn, nếu như bạn từ bỏ, tuyệt vọng, không để ai đến với mình. Và mọi người thường xem đây là thái độ của những người tự vẫn. Tự giết mình là một thái độ tuyệt vọng, loại bỏ mình khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhưng dù cho chúng ta có ý chân thành, thì hiểu về tuyệt vọng như thế quả thật là sai lầm. Tuyệt vọng là gì? Phải hiểu tuyệt vọng như thế nào?

Định nghĩa phổ biến trong từ điển thường nói thế này: Tuyệt vọng nghĩa là không còn hy vọng hay niềm tin rằng một tình thế nào đó có thể được thay đổi hay cải thiện. Giáo lý của Giáo hội Công giáo xem tuyệt vọng là một tội nghịch lại với điều răn thứ nhất. “Do tuyệt vọng, con người không còn hy vọng vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa, vào sự giúp đỡ để đạt được ơn cứu rỗi, cũng như vào sự tha thứ tội lỗi. Tuyệt vọng là đi ngược lại với sự tốt lành, công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Nhưng cần phải phân biệt được một điều rất căn thiết ở đây. Có hai lý do khiến người ta không còn hy vọng vào ơn cứu rỗi của mình nhờ Thiên Chúa, và từ bỏ hy vọng được tha thứ tội lỗi. Có thể là do người đó hoài nghi sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa, và tôi tin rằng, thường là như thế, vì người đó bị vùi dập quá chừng quá đỗi, quá yếu đuối trong tâm hồn để tin rằng mình được yêu thương và được cứu rỗi. Nhưng khi tinh thần của bạn bị giày vò quá sức, đến mức không còn gì cho mình ngoài đau đớn và bóng tối, thì thường đó không phải là dấu hiệu của tội lỗi, cho bằng đó là triệu chứng khủng khiếp, nạn nhân của hoàn cảnh, của những chuyện phải trải qua, hay như lời của Fantine trong truyện Những kẻ Khốn cùng, là do cơn bão mà bạn không thể dự báo.

Và trước khi xem người nào đó đã ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cần phải tự hỏi mình: Trước một người bị giày vò quá độ vì gặp cảnh khốn cùng của cuộc đời, đến mức không thể tin rằng mình có thể được yêu thương, Thiên Chúa nào lại kết án một người như vậy chứ? Thiên Chúa nào lại kết án một người vì sự tan nát của họ chứ? Một Thiên Chúa như thế không có chút gì giống với Chúa Giêsu, Đấng đã mang lấy thân phận con người và bày tỏ tình yêu Thiên Chúa vốn ưu tiên cho những người yếu đuối, những tấm lòng tan nát đang tuyệt vọng cần lòng thương xót. Tin và dạy về một Thiên Chúa không có lòng thương xót với những người đang mang cõi lòng tan nát nhất, chính là đi ngược lại nhận thức căn bản về bản tính và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến thế gian, “không phải để cho người khỏe mạnh, mà là cho những người đang cần thầy thuốc.”

Và hiểu như thế cũng là hiểu lầm tận cùng về bản tính và tâm hồn con người. Tại sao một người tự kết án mình là kẻ không thể được yêu thương đến nỗi tự nguyện và vô vọng cắt lìa mình khỏi cuộc sống? Chỉ có thể là bởi một vết thương sâu thẳm trong tâm hồn. Rõ ràng, người đó bị tổn thương sâu sắc và chưa từng được cảm nhận một tình yêu vô điều kiện hay thực sự là chưa từng cảm nhận tình yêu giữa người với người. Khi không thể hiểu được làm thế nào mà người ta có thể bị vùi dập và tan nát đến độ tin rằng mình không được yêu thương, thì thật sự chúng ta thật quá dễ dãi và ngây thơ. Như lời bài bài The Rose: Tình yêu và thiên đàng, thật sự chỉ dành cho người mạnh mẽ và may mắn thôi sao? Có vẻ là nhận thức chung của chúng ta về tuyệt vọng là như thế thật.

Nhưng không một ai phải vào hỏa ngục vì sự yếu đuối, hay vì một tâm hồn tan nát, một tinh thần sụp đổ, hay vì những bất hạnh và bất công làm cho người ta chưa từng được cảm nhận tình yêu thật sự là gì. Hỏa ngục là dành cho những kẻ mạnh mẽ, những người quá kiêu ngạo không thể bị sụp đổ, và do đó không chịu khuất phục. Hỏa ngục không bao giờ là một bất ngờ cay đắng dành cho một người hạnh phúc, và cũng không phải là cái kết buồn cho những ai quá tan nát để tin rằng mình xứng đáng là một phần của cõi sống này.

Vì Chúa, chúng ta phải biết cảm thông hơn. Và còn vì những người với trái tim và tinh thần tan nát. Hơn nữa, giáo lý Kitô giáo ngay trong kinh Tin kính đã là một thách thức cần chúng ta có một nhận thức đúng đắn hơn. Ngài đã xuống hỏa ngục. Trong cuộc sống và cái chết của mình, Chúa Giêsu biểu lộ rằng không có nơi nào bi thảm, tan nát, đau buồn hay buông bỏ mà Thiên Chúa không thể xuống đến tận cùng và thổi vào đó luồng hơi ban bình an.

Thiên Chúa thông hiểu tất cả. Vì thế chúng ta được bảo đảm rằng “cây sậy bị dập ngài không bẻ gãy, và bấc đèn leo lét ngài chẳng nỡ tắt đi.” Bạn có thể đánh cược cuộc đời mình vào niềm tin này. Bạn có thể đánh cược đức tin mình vào sự thật này. Và bạn cũng có thể sống cảm thông và khuây khỏa hơn, khi biết được điều này.

Linh mục Ron Rolheiser, OMI
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
https://ronrolheiser.com/tuyet-vong-la-yeu-duoi-hon-la-toi-loi/#.YONtrpgzaUk

Hãy lựa chọn thái độ của bạn

Nếu bạn muốn thay đổi thái độ của mình, hãy xin Chúa chỉ cho bạn mặt tốt, mặt có ích, mặt thuận lợi, mặt tích cực của từng hoàn cảnh. đọc tiếp...

+ Lòng bao dung có thể hoán cải tâm hồn
+ Thiên Chúa tha thứ
+ Thiên Chúa luôn tha thứ