Skip to main content

Lời mời gọi hoán cải và đón nhận ơn tha thứ

Đón nhận tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người.
A A+
color:
Lời mời gọi hoán cải và đón nhận ơn tha thứ
Đón nhận tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người.

Phục sinh là một mầu nhiệm lớn trong Kitô giáo và là hành trình của người tín hữu, vì thế Giáo hội đã dành nhiều tuần để chúng ta sống mầu nhiệm Phục sinh trong cuộc đời hiện tại. Mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm lớn lao hơn các mầu nhiệm và đưa chúng ta vào đời sống hiệp thông sống động với Chúa Phục sinh. Chúa Giêsu đã Phục sinh vinh quang, phần chúng ta, trong đời sống hiện tại, chúng ta được mời gọi kết hiệp với người qua mọi việc chúng ta làm để được thông phần vào sự Phục sinh này ngay từ cuộc đời hiện tại.

Lời mời gọi hoán cải và đón nhận ơn tha thứ
Các môn đệ lần hồi được mời gọi đón nhận mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu. Thật không phải dễ dàng, các ngài không khỏi ngỡ ngàng, sợ hãi và bối rối ban đầu, để rồi lần hồi được Chúa Giêsu hướng dẫn và thúc đẩy để đón nhận và trở nên nhân chứng của Chúa Phục sinh. Một sự biến đổi từ chỗ không tin đến nhận thức rõ ràng về Chúa Phục sinh. Sự Phục sinh đã hoàn toàn thay đổi con người Đức Giêsu, người đã đi vào trong vinh quang Phục sinh của sự sống thần linh, và các môn đệ lần hồi đón nhận thực tại mới này bằng lòng tin. Điều chúng ta ghi nhận từ các bài đọc Tin mừng là các ngài bối rối, nghi ngờ, sợ hãi khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ngài.  Giờ đây, Đức Giêsu Phục sinh hiện ra hoàn toàn khác, các ông cứ tưởng là ma, ngay cả hai môn đệ trên đường Emmaus cứ nghĩ người là một người khách hành hương nào đó, hay như Maria Mađalêna nghĩ người là người giữ vườn. Về phần Chúa Giêsu Phục sinh, người cũng chính là Đức Giêsu chịu đóng đinh mà các môn đệ đã chung sống trong suốt thời gian người rao giảng, người quả thực có thân xác mà các môn đệ có thể nhìn thấy và chạm tới các vết đinh của người và ăn uống trước mặt các ông. Trong mỗi lần hiện ra hay tỏ mình, sáng kiến bao giờ cũng phát xuất từ Chúa Giêsu Phục sinh, và người hiện đến ban tặng cho các ông bình an. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn của người, người ăn trước mặt các ông, và nói chuyện với các ông cách thân mật. Người nhắc nhở các ông những gì người đã giảng dạy các ông trước đây khi người còn sống là Đấng cứu thế phải chịu đau khổ như thế rồi mới vào trong vinh quang, và người cũng nhắc lại cho các ông điều người đã nói trước với các ông là cần phải ứng nghiệm mọi điều đã ghi chép về người trong sách luật Môisen cũng như sách các tiên tri và thánh vịnh. Đón nhận tin mừng Chúa Phục sinh cũng là lúc đón nhận sự hiểu biết mới mẻ về lời Chúa. Lòng tin Chúa Phục sinh không là điều gì khác hơn là việc hiểu biết những lời Chúa Giêsu đã rao giảng và những lời Sách Thánh mà các tiên tri đã báo trước. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ nhớ lại những lời Người đã nói với các ông trước cuộc khổ nạn, và những lời sách Luật, các tiên tri và thánh vịnh đã loan báo về Người. Thánh Thần của Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa các môn đệ đến chân lý toàn vẹn bằng cách soi sáng cho các môn đệ hiểu Lời Thánh Kinh cũng như lời của Chúa Giêsu nhiều hơn :

Đón nhận tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người. Sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu không dừng lại ở sự kiện Phục sinh mà còn phải được thực hiện cho mọi người mọi thời, nhưng giờ đây được trao lại cho các môn đệ để các ngài loan báo ơn hoán cải và tha thứ cho mọi người. Các tông đồ được Chúa ban Thánh Thần để các ông trở nên những con người được sai đi, đầy tràn Thánh Thần loan báo cho mọi người ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, trong tường thuật sách Công vụ tông đồ, thánh Phêrô đã dạn dĩ ngỏ lời với những người ở Giêrusalem, nhắc lại những sự kiện đã qua, việc họ kết án Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, trong khi Philatô xét là phải tha cho người ; nhắc lại họ đã chọn lựa xin Philatô tha cho Baraba, một tên sát nhân, và đã kết án Đức Giêsu. Đồng thời thánh Phêrô cũng khẳng định Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho những việc họ làm vì không hiểu biết và nhắc cho mọi người Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu bằng cách làm cho người được Phục sinh vinh quang. Lời rao giảng của thánh Phêrô được nâng đỡ bởi Thánh Thần , thúc đẩy nhiều người đã sám hối và đón nhận đức tin và đây là những hạt nhân đầu tiên của Giáo hội, những người sám hối và đón nhận lời rao giảng của các tông đồ. Sứ điệp của thánh Gioan gửi cho các giáo đoàn cũng nhắc nhở lại lời mời gọi sám hối. Người tín hữu là những người đã được biến đổi bởi Thánh Thần Thiên Chúa, họ sẽ cố gắng để không phạm tội nữa, và họ được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, vì họ có Đức Giêsu là trạng sự bàu chữa cho họ trước toà Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã đổ máu để nên của lễ đền tội cho họ cũng như cho mọi người vì thế mọi người cần diễn tả tình yêu của mình đối với Đức Giêsu bằng cách cố gắng giữ giới răn của người. Tình yêu hoàn hảo nhất của mọi người dành cho Đức Giêsu là đấng đã chết cho họ là hãy giữ các giới răn tình yêu của người.

Lời mời gọi hoán cải và đón nhận ơn tha thứ
Người tín hữu là những người được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và bằng các bí tích. Đây chính là những điều kiện để chúng ta càng tiến đến lòng tin vào mầu nhiệm Phục sinh và hoán cải nhiều hơn để đón nhận ơn tha thứ tội lỗi. Các tông đồ và môn đệ đã được biến đổi, hai môn đệ trên đường Emmaus và các thế hệ Kitô hữu cũng đã được biến đổi, và giờ đây, mỗi người đón nhận tin mừng Phục sinh này cũng được mời gọi hoán cải nhờ lòng tin vào lời Chúa và tham dự vào bí tích Thánh Thể để thường xuyên được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta như người đã đồng hành với các tông đồ và môn đệ sau Phục sinh.

Lm. Phêrô Lê văn Chính
http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/2018/Phuc-Sinh%20B/CN%20III%20PS/04.htm

+ Lòng thương xót hàn gắn đổ vỡ
+ Nhịp cầu dẫn vào cõi hồng phúc