Skip to main content

Bản tin được loan truyền

Sự điệp Phục sinh chỉ được loan báo một cách trọn vẹn, khi giữa những thử thách và khổ đau, người tín hữu Kitô vẫn thể hiện được hân hoan phấn khởi và phó thác vào tình yêu của Chúa.
A A+
color:
Bản tin được loan truyền
Sự điệp Phục sinh chỉ được loan báo một cách trọn vẹn, khi giữa những thử thách và khổ đau, người tín hữu Kitô vẫn thể hiện được hân hoan phấn khởi và phó thác vào tình yêu của Chúa.

Napolêon đệ I của nước Pháp bị liên minh Anh quốc đánh bại tại Botérô năm 1815. Tin đánh trận của thủ tướng Wallinton, người chỉ huy quân đội Anh quốc không mấy chốc đã được truyền về London bằng nhiều tín hiệu. Thế nhưng khi bản tin được ghi nhận trên nóc nhà thờ Chánh Tòa, người ta chỉ đọc được như sau:

"Tướng Wallinton đã... bại..." Một lớp sương mù dày đặc đã khiến cho người ta không đọc được trọn vẹn bản tin, và như thế khi bản tin được truyền về London, toàn dân nước Anh như rơi vào tuyệt vọng.

Nhưng khi mặt trời lên, đám sương mù tan biến đi và người ta đã đọc được trọn vẹn bản tin như sau: "Tướng Wallinton đã đánh bại quân thù". Không mấy chốc, sứ điệp được loan báo và mọi người vui mừng phở lở trở lại.

* * *

Quý vị và các bạn thân mến,

Bản tin trên đây có thể được so sánh với Tin Mừng Phục Sinh. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, khi bị treo trên Thập Giá. Chúa Giêsu như kẻ bại trận, nhưng sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Ngài đã trở thành Ðấng đánh bại quân thù. Ðó là bản tin mà bà Maria Mađalêna và hai người môn đệ đi thành Emmaus đã mang đến cho các môn đệ khác. Nhiều người không tin, bởi vì tâm hồn họ còn quá trĩu nặng với bản tin của chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Lớp sương mù dày đặc của nghi ngờ, chán nản thất vọng đã không cho họ đọc hết sứ điệp mà Chúa Giêsu đã từng loan báo cho họ là Ngài sẽ chịu đau khổ rồi mới đi vào vinh quang Phục Sinh.

Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô là nền tảng và là trọng tâm niềm tin của chúng ta. Nếu Chúa Kitô không sống lại thì cái chết của Ngài cũng như toàn bộ những lời rao giảng của Ngài đều vô ích. Và nói như thánh Phaolô: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta hão huyền và chúng ta là những người ngu xuẩn nhất". Chúa Kitô đã sống lại. Ðó phải là trọng tâm của niềm tin và lời rao giảng của chúng ta. Kitô giáo không bao giờ tách biệt cái chết ra khỏi sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Trong lời tung hô sau mỗi lần truyền phép trong Thánh Lễ, Giáo Hội luôn nhắc đến cái chết và sự Phục sinh: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến".

Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài. Mệnh lệnh mà Chúa Giêsu ban bố cho các môn đệ cách đây hơn 2,000 năm, ngày nay Ngài cũng muốn truyền lại cho mọi tín hữu Kitô. Sứ điệp Phục Sinh mà các môn đệ đã truyền đến cho chúng ta ngày nay, Giáo Hội cũng ủy thác cho chúng ta để mãi mãi được loan truyền cho mọi người. Bổn phận thiết yếu và nền tảng nhất của người tín hữu Kitô đó là loan truyền sứ điệp Phục Sinh cho mọi người.

Không thể là tín hữu Kitô mà không là người loan báo sứ điệp Phục sinh, nhưng để trở thành người loan báo sứ điệp ấy thì người tín hữu phải là người sống sứ điệp ấy trước đã.

Sự điệp Phục sinh chỉ được loan báo một cách trọn vẹn, khi giữa những thử thách và khổ đau, người tín hữu Kitô vẫn thể hiện được hân hoan phấn khởi và phó thác vào tình yêu của Chúa.

Sứ điệp Phục sinh chỉ được loan báo một cách trung thực khi giữa cảnh đời giành giựt xâu xé và chối bỏ lẫn nhau, người tín hữu Kitô vẫn một mực sống yêu thương, quảng đại, quên mình.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, nguyện cho cả cuộc sống của chúng con trở thành sứ điệp Phục sinh cho mọi người. Amen.

Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)

http://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau2/2phut020.htm

+ Chia sẻ ánh sáng cứu độ
+ Dây chuyền liên đới