Skip to main content

Mười người phong hủi

Ước muốn đền đáp lại một điều gì là một dấu chỉ cao cả của lòng biết ơn. Khi bạn có đầy lòng biết ơn, bạn sẽ không có chỗ cho sự cay đắng hoặc căm giận. Mọi người hạnh phúc đều biết ơn.
A A+
color:
Mười người phong hủi
Ước muốn đền đáp lại một điều gì là một dấu chỉ cao cả của lòng biết ơn. Khi bạn có đầy lòng biết ơn, bạn sẽ không có chỗ cho sự cay đắng hoặc căm giận. Mọi người hạnh phúc đều biết ơn.

Suy niệm 1: ĐIỀU ẤY XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

Vào thời đại của Đức Giêsu, bệnh phong hủi không có thuốc chữa. Khi một người mắc phải bệnh ấy, có sống cũng như chết. Thế mà tại sao chín người phong hủi đã không trở lại để cám ơn Đức Giêsu vì Người đã chữa lành cho họ? Chúng ta không lạm dụng trí tưởng tượng của chúng ta khi vẽ lại những gì đã xảy ra. Chúng ta giả sử điều đó xảy ra trong thời đại của mình.

  • Người thứ nhất là Miriam, vợ của một người bán hàng. Khi về lại nhà, bà thấy nhà mình bừa bãi, lộn xộn. Không phải do lỗi của chồng bà. Ông phải tất bật với công việc. Trở lại gặp Chúa không còn là vấn đề nữa – ít ra là trong lúc này.

  • Người thứ hai là Aaron, một nông dân. Mùa hè này là một mùa tồi tệ, và toàn thể mùa màng có nguy cơ bị mất trắng. May mà dự báo thời tiết đã nói rằng thời tiết tốt, có mưa nhiều đúng vào những ngày ông có thể trở lại.

  • Người thứ ba là Saul. Khi ông ta trở lại nhà, gia đình ông đã mở tiệc mừng ông. Họ không muốn nghe ông nói đi đến nơi nào đó. Ông đã không xa nhà đủ rồi hay sao? Chính họ đã ngăn cản ông trở lại gặp Chúa.

  • Martha là người thứ tư. Khi chị trở về nhà thì chương trình Tivi chị ưa thích vẫn còn, trong thời gian sống cách ly vì bệnh phong hủi, chị luôn thèm khát được xem chương trình đó. Giờ đây chị mải mê với chương trình ấy. Chị muốn ngày mai trở lại gặp Chúa. Nhưng ngày mai không bao giờ đến.

  • Người thứ năm là Daniel. Trước khi ông bị phong hủi, ông rất thành công trong kinh doanh, khi ông về đến nhà, ông thấy việc kinh doanh hoàn toàn suy sụp. Trở lại gặp Đức Giêsu không nằm trong các ưu tiên của ông. Chẳng bao lâu sau, ông hoàn toàn quên việc đó.

  • Amos, người thứ sáu không có nhà để về. Anh đã cảm thấy rất cay đắng về căn bệnh phong hủi của mình và về cuộc sống chung. Khi anh trở về, anh gom góp được ít tiền bạc mà người ta cho anh, về đến thành phố, anh uống rượu. Việc trở lại không bao giờ có trong đầu anh.

  • Peter là người thứ bảy. Khi anh về nhà, anh không có việc làm. Vì thế khi nghe nói về một cuộc phỏng vấn để được nhận vào một chỗ làm tốt, anh đến ngay. Trong lúc này, anh không thể trở lại.

  • Anna là người thứ tám. Lúc đó nhiên liệu đang bị khan hiếm. Chị hiện đang trên đường về nhà thì thấy một trạm xăng còn mở cửa. Chị phải xếp hàng ba giờ liền để được đổ đầy bình xăng. Sau đó chị đi thẳng về nhà. Thật đáng thương khi muốn phung phí xăng cho một cuộc hành trình thật sự không cần thiết.

  • Người thứ chín là Joseph. Khi ông ta về nhà, ông ta quyết định bán câu chuyện của ông ta cho một tờ báo. Không để mất thời gian. Một người khác có thể có cùng ý tưởng ấy và sẽ phỗng tay trên. Quay lại không có chỗ trong kế hoạch của ông.

  • Sau cùng, đó là Simon. Ông có mấy lý do để không quay trở lại. Một lý do đặc biệt thuyết phục. Ông là người Samari lại được một người Do Thái chữa lành. Một người Samari cám ơn một người Do Thái không phải là chuyện dễ. Nhưng là một người nhân ái, ông gạt bỏ những lý lẽ ấy và quay lại để cám ơn.

Xin lỗi! Những lý lẽ ấy xem ra nguỵ biện, đê tiện, trơ trẽn và rác rưởi. Nhưng có hiệu lực trong chín trên mười trường hợp. Chúng ngăn cản chín người ấy làm một việc mà có lên trời người ta cũng phải làm.

“Chúng ta viết trên cát những ơn ích mà chúng ta nhận được, nhưng viết trên đá cẩm thạch những tổn thất” (Thomas More).

Chín người phong hủi không thể diễn tả lòng biết ơn. Sự vô ơn ấy nói với chúng ta điều gì? Điều đó nói lên rằng họ chỉ lành lặn ở ngoài da. Bệnh phong hủi đã hết, nhưng không có gì khác nơi họ đã thay đổi. Sau kinh nghiệm cay đắng ấy, họ trở về với những thái độ cũ, những tập quán, mục tiêu của họ và sự nông cạn của cuộc đời. Họ đã không học được gì từ đau khổ của họ. Đây là một bi kịch thật sự.

Nhưng rõ ràng người Samari đã học được từ kinh nghiệm đau thương của mình. Kể từ đó, ông đã trở thành một con người hoàn toàn đổi khác, như Naaman sau khi được Êlisa chữa lành phần xác. Naaman và người Samari được chữa lành cả xác lẫn hồn.

Trong những lúc tốt đẹp, chúng ta quên mất Thiên Chúa, dù rằng chúng ta vẫn tiếp tục phục vụ Người bằng môi miệng. Nhưng rồi một cơn bệnh đến bắt chúng ta phải quỳ gối xuống, và bất ngờ chúng ta đối diện với sự nghèo nàn, yếu đuối và tính dễ chết của chúng ta. Tuy nhiên, nếu điều ấy đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và làm cho chúng ta sống tâm linh hơn thì nó đúng là một ơn lành trong bộ áo cải trang. Dường như trong mười người phong hủi, chỉ có một người được đưa đến gần Thiên Chúa hơn qua bệnh tật và sự bình phục của người ấy.


Suy niệm 2: CÁI NHÌN SÂU XA HƠN

Câu chuyện mười người bị phong hủi có một bài học rất rõ ràng, đó là tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn. Nhưng nó có một bài học khác: Tìm thấy Thiên Chúa qua đau khổ. Đau khổ có thể đưa con người rời xa Thiên Chúa hoặc có thể đem họ đến gần Thiên Chúa. Nhiều người trở lại đạo là những tân tòng của Ngày Thứ Sáu Tốt Lành: họ vào Nước Chúa qua những cái cổng của đau khổ. Naaman là một gương tốt.

Vào một giai đoạn của đời mình, ông ở đỉnh cao của ngọn sóng. Ông có một công việc danh giá: chỉ huy trưởng đạo quân hùng mạnh của nước Syri. Ông được nhà vua kính nể có quyền lực và danh tiếng. Ông ta không cần Thiên Chúa. Tôn giáo không có vai trò nào trong đời sống của ông. Ông là kiểu mẫu của một số người thành công hôm nay. Họ dường như không dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời họ.

Tuy nhiên, khi ông đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực, ông mắc một chứng bệnh kinh khủng: bệnh phong hủi. Thình lình, thế giới của ông bắt đầu tan rã.

Một phút trước, ông ở đỉnh cao của thế giới. Một phút sau ông rơi xuống vực thẳm.

Tuyệt vọng về việc chữa trị, ông phải nuốt trửng lòng tự hào và tìm kiếm sự giúp đỡ của ngôn sứ Êlisa ở Do Thái, một quốc gia nhỏ bé mà ông đã từng cướp bóc và khinh miệt. Tuy nhiên điều ông tìm kiếm là một “thứ thần dược” để ông có thể sớm quay về và đảm nhận đời sống cũ giống như trước đây.

Nhưng ông đã mau chóng nhận ra rằng không có thứ thần dược ấy; không có sự chữa lành mau chóng và không đau đớn. Vì thế ông phải học để trở nên khiêm nhường và nhẫn nại. Ông đã học tuân lệnh để thay đổi. Nhưng thời gian ông bỏ ra không uổng công bởi vì ông không chỉ được chữa lành bệnh phong hủi mà còn được hoán cải. Ông tìm thấy Thiên Chúa chân thực. Vì thế sau cùng ông có lý do để cám ơn bệnh phong hủi của ông, bởi vì qua đó ông đã nhận được ơn đức tin.

Người ta tự hỏi chín người phong hủi thu được gì từ kinh nghiệm khủng khiếp của họ. Khi họ không tạ ơn Thiên Chúa thì không chắc họ đã rút ra được lợi ích tâm linh nào từ kinh nghiệm ấy.

Giống với ông Naaman trước khi mắc bệnh, trong những thời kỳ tốt đẹp, chúng ta bỏ quên Thiên Chúa, dù rằng chúng ta vẫn tiếp tục phục vụ Người bằng môi miệng. Nhưng rồi một bệnh tật hoặc một cái gì tương tự bắt chúng ta phải quỳ gối, và chúng ta bất ngờ đối diện với sự nghèo nàn, yếu đuối và phải chết của chúng ta. Chúng ta nhận ra nền móng mà trên đó chúng ta đã xây dựng bao nhiêu niềm hy vọng sao quá mong manh, nông cạn.

Nếu điều ấy đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và làm cho chúng ta sống tâm linh hơn thì đó là một sự chúc lành trong bộ y phục cải trang. Dường như chỉ một trên mười người phong hủi đã được đưa đến Thiên Chúa gần hơn qua bệnh tật và sự bình phục của người ấy.

Chúng ta không phải lúc nào cũng làm chủ những gì xảy đến với chúng ta, nhưng chúng ta phải làm chủ phản ứng của chúng ta khi sự việc xảy đến. Ví dụ như, có hai người bị thương nặng trong một tai nạn. Một người chọn cách sống cay đắng kinh nghiệm ấy và bị nó huỷ hoại. Người kia sống kinh nghiệm ấy với lòng biết ơn. Người này tin rằng dù sự việc xảy ra là gì, dù nó có đau khổ thì nó vẫn có thể đem lại một điều tốt. Vấn đề không phải là quên nó đi mà nhớ đến nó và hội nhập nó vào trong đời sống của mình.

Ước muốn đền đáp lại một điều gì là một dấu chỉ cao cả của lòng biết ơn. Khi bạn có đầy lòng biết ơn, bạn sẽ không có chỗ cho sự cay đắng hoặc căm giận. Mọi người hạnh phúc đều biết ơn. Những người bội bạc không thể có hạnh phúc.


CÂU CHUYỆN KHÁC

Một ngày nọ, David bố thí cho một người nghèo mà ông gặp trên đường phố. Khi ông tiếp tục bước đi ông bắt đầu cảm thấy một niềm vui thoả mãn bừng lên trong ông. Nhưng rồi một bóng tối lướt qua ông – ông nhớ lại người nghèo đó đã không cám ơn ông. Sau đó, ông kể lại sự cố cho vị giáo trưởng của ông. Vị giáo trưởng kiên nhẫn lắng nghe, sau đó ông này nói: “Ông cảm thấy thế nào khi ông bố thí?”

“Tôi cảm thấy rất vui” David đáp.

“Điều đó không đủ là phần thưởng cho ông sao?”

“Con vẫn nghĩ rằng hắn ta phải cám ơn con”, David nhấn mạnh.

“Chắc chắn ông không muốn được cám ơn vì đã có hành động như một người theo đạo phải có? Vậy thì ông đã cám ơn Thiên Chúa chưa?”.

“Về điều gì?” David ngạc nhiên hỏi.

“Vì Người đã ban cho ông cơ hội trở nên một công cụ để tình yêu của Người đến với một người đồng loại của ông”, câu đáp là như thế.

Chiếc vương miện vô hình

Khi người ta muốn khoe khoang công phúc vinh quang, thì công phúc đó không còn là công phúc vinh quang và vinh quang cũng chỉ là vinh quang hão huyền. đọc tiếp...

+ Lời tạ ơn
+ Ôi lòng người :p