Skip to main content

Không có chỗ trong quán trọ

Những gì sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc sống nằm ở chốn vô danh, những người có quyền lực không chú ý tới, được dịu dàng quấn trong đức tin,
A A+
color:
Không có chỗ trong quán trọ
Mẹ Maria sinh hạ chúa Giê-su trong máng cỏ vì không có chỗ cho họ trong quán trọ. Đây là lời chú giải không phải chỉ về sự bận rộn và thiếu hào hiệp của một chủ quán trọ nào đó xa xưa. Đây là câu chuyện về những gì sâu thẳm nhất trong cuộc đời con người.
Ronald Rolheiser
www.ronrolheiser.com

Mẹ Maria sinh hạ một người con trai, lần đầu tiên bà sinh con. Bà quấn lót cho con và đặt con ngủ trong máng lừa vì không có chỗ trong quán trọ.

Trong câu chuyện Giáng sinh, xưa nay chúng ta luôn dèm và lên án người chủ quán trọ đã đuổi mẹ Maria và thánh Giu-se, làm cho họ không còn nơi trú ngụ nào khác ngoài chuồng bò. Và bài học chúng ta rút ra từ câu chuyện này là chúng ta cần hào hiệp hơn trong cuộc sống, đừng bận rộn và ham công tiếc việc tới mức "không có chỗ trong quán trọ", có nghĩa là không còn chỗ nào trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để vị thiên sai có thể ra đời, để có được Giáng sinh.

Có đôi phần đúng như vậy, nhưng các học giả cho rằng còn có một bài học sâu sắc hơn về sự việc Giê-su sinh ra trong máng cỏ vì không có chỗ trong quán trọ. Điều được nhấn mạnh ở đây không hẳn là chuyện người chủ quán trọ thiếu lòng hào hiệp, mà đúng hơn là việc Giê-su được sinh ra bên ngoài thành phố, bên ngoài những gì là tiện nghi, bên ngoài những lời hoan hô chúc tụng và danh vọng, bên ngoài việc được thừa nhận bởi những người giàu và mạnh, và ngoài sự chú ý của thế giới hàng ngày này. Giê-su được sinh ra trong tình trạng vô danh, nghèo khổ, hoàn toàn không ai chú ý, chỉ trừ gia đình và Chúa.

Việc người bị thành phố khước từ cũng báo trước cái chết của người. Quãng đời trên thế gian này của Giê-su cũng kết thúc như cách nó bắt đầu. Người sẽ là một người xa lạ, một kẻ ngoài rìa, bị đóng đinh trên thập giá bên ngoài thành phố y như khi sinh ra bên ngoài thành phố.

Không có chỗ trong quán trọ

Thomas Merton từng viết một bài tuyệt vời về vấn đề này: Trong cái thế giới này, cái quán trọ ồn ào này, hoàn toàn không có chỗ nào cho Người, Chúa đã tới mà không hề được mời gọi. Nhưng bởi vì Người không thể cư xử như ở nhà mình trong đó, bởi vì Người lạc lõng trong đó, ấy vậy mà vẫn phải ở trong đó, nên chốn của Người là ở bên những ai không được dành cho chỗ nào. Chốn của người là ở bên cạnh những ai không được thuộc về, những người bị quyền lực khước từ bởi vì họ bị coi là kẻ yếu, những người không được ai tin, những người không có nhân vị, những người bị tra tấn, bị đánh bom, bị xử tử. Đối với những ai không được dành cho một nơi chốn, thì Chúa hiện diện trên thế giới này. Người có mặt một cách bí ẩn trong những ai mà dường như không có gì dành cho họ ngoại trừ những gì tệ hại nhất của thế gian này.

Giê-su sinh ra trên thế giới này mà không ai hay biết, ở bên ngoài thành phố, bên ngoài tất cả những nhân vật và sự kiện dường như quan trọng vào thời điểm đó. Hai ngàn năm sau, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sự ra đời này, nhưng vào lúc đó, hầu như không ai nhận ra. Hiểu ý nghĩa đằng sau điều đó có thể giúp chúng ta có một nhãn quan sâu, những người mà trong cuộc sống, mãi mãi cảm thấy là những người bên rìa, không ai hay biết, vô danh, sống trong một thời đại bé nhỏ, thành phố bé nhỏ, những con người mang tính chất ngẫu nhiên tình cờ đối với hành động lớn và đại cuộc. Ảnh chân dung và câu chuyện của chúng ta sẽ không bao giờ xuất hiện ở tạp chí TIME hay báo PEOPLE. Tên của chúng ta chẳng bao giờ trưng lên được đèn đuốc chiếu sáng, và số của chúng ta là sống và rồi chết đi cơ bản là trong tình trạng vô danh, không ai biết, ngoài cái vòng nhỏ hẹp bạn bè người thân của chúng ta.

Không có chỗ trong quán trọ

Phần lớn chúng ta sẽ sống một cuộc đời ẩn mật bình lặng, nơi thôn quê, nơi thành phố nhỏ bé, trong những vùng thành phố không ai biết, ngắm nhìn các sự kiện lớn của thế giới từ bên ngoài và luôn luôn nhìn thấy một người nào khác chứ không phải chúng ta ở trung tâm mọi việc. Dường như bản thân chúng ta sẽ mãi mãi không được biết tới, và các tài năng đóng góp của chúng ta thì sẽ không ai công nhận, có lẽ ngay cả những người trong gia đình mình. Sẽ không bao giờ có chỗ trong quán trọ cho chúng ta. Chúng ta sẽ sống, làm việc, tạo sự sống, sinh con đẻ cái trong những nơi chốn khiêm nhường hạ tiện hơn nhiều.

Và, có lẽ đau đớn nhất là chúng ta sẽ phải chịu đựng nỗi chán chường vì không thể biểu lộ năng lực và tài năng thiên bẩm của mình ra với thế giới, mà thay vào đó là phải nhìn thấy bản giao hưởng, giai điệu thâm trầm sâu sắc trong lòng mình, chẳng bao giờ chúng tìm thấy cách biểu hiện thỏa đáng ở thế giới bên ngoài. Những giấc mơ và những kho tàng sâu sắc nhất của chúng ta sẽ không bao giờ tìm được cho chúng một sân khấu ở trần gian này. Dường như sẽ không bao giờ có chỗ trong quán trọ cho những gì ưu tú nhất trong chúng ta. Những kho tàng sâu xa nhất của chúng ta, giống như sự ra đời của chúa Giê-su trên thế giới này, sẽ luôn luôn ở ngoài bìa, bị chết đi mà không có cách nào thổ lộ – như Iris Murdoch từng gọi. Nghệ thuật cũng có những liệt sĩ, và không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của sự biểu lộ bản thể không trọn vẹn.

Mẹ Maria sinh hạ chúa Giê-su trong máng cỏ vì không có chỗ cho họ trong quán trọ. Đây là lời chú giải không phải chỉ về sự bận rộn và thiếu hào hiệp của một chủ quán trọ nào đó xa xưa. Đây là câu chuyện về những gì sâu thẳm nhất trong cuộc đời con người. Cốt tủy, điều câu chuyện muốn nói là không phải những người ở tâm điểm mọi sự, kẻ có quyền lực, người giàu, người nổi tiếng, lãnh đạo chính phủ, những ngôi sao của thế giới giải trí, những vị lãnh đạo tập đoàn công ty, học giả hay viện sĩ, là người rốt cùng ở tâm điểm của cuộc sống. Những gì sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc sống nằm ở chốn vô danh, những người có quyền lực không chú ý tới, được dịu dàng quấn trong đức tin, bên ngoài thành phố.

Ronald Rolheiser
https://ronrolheiser.com/khng-c-ch-trong-qun-tr/#.XgGCs1UzaUk

+ Hai em bé trong máng cỏ !
+ Món quà của con cáo

edit