Skip to main content

Chúa Ba Ngôi và dấu thánh giá

Khi làm dấu Thánh giá họ cầu xin sự chúc phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống. Nhưng đâu là ý nghĩa của dấu thánh giá ở ba nơi trên thân thể?
A A+
color:
Chúa Ba Ngôi và dấu thánh giá
Khi làm dấu Thánh giá người tín hữu Chúa Ki-tô cầu xin sự chúc phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống. Nhưng đâu là ý nghĩa của dấu thánh giá ở ba nơi trên thân thể?

Ngày lãnh nhận làn nước bí tích Rửa tội, dấu Thánh giá được ghi vẽ trên trán em bé. Hằng ngày lúc thức dậy, lúc ăn cơm, trước khi đi ngủ, người tín hữu Chúa Ki-tô đều làm dấu Thánh giá trên mình. Khi làm dấu Thánh giá họ cầu xin sự chúc phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống.

Nhưng đâu là ý nghĩa của dấu thánh giá ở ba nơi trên thân thể?

Làm dấu thánh giá tay ta đụng chạm ba nơi trên thân mình: trán, miệng và ngực.

Nơi ba phần thân thể đó tỏa chiếu ba sức lực khả năng khác nhau:

– Nơi trán là chỗ của trí khôn suy nghĩ hiểu biết.

– Nơi môi miệng là vị trí của nói năng

– Nơi ngực là nơi chốn của cảm giác của tình yêu mến.

Ba khả năng sức lực khác nhau, nhưng trên cùng một thân thể của một cá nhân suy nghĩ, nói năng và cảm nhận yêu mến.

Chúa Ba ngôi có ba đấng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là một Chúa thôi.

– Khi đọc lời kinh: “Nhân danh Cha” chúng ta đưa tay lên trán, chỗ của trí khôn suy nghĩ. Khi làm điều gì, ngay từ khởi đầu ta đều suy nghĩ cân nhắc. Qua hành động đó, ta muốn tôn vinh Chúa Chúa bằng cung cách đặc biệt là chúng ta con người đắn đo suy nghĩ về sự sống con người do Chúa tạo thành ban cho, và cố gắng suy nghĩ cho đúng đắn ngay chính. Đích điểm ta muốn đạt tới là Chúa Cha, người ở trên cao nơi chốn của trí khôn suy nghĩ.

– Lúc đọc lời kinh “và Con” , tay ta đưa qua môi miệng. Cử chỉ này muốn nói lên: con người chúng ta muốn khai mở chính mình qua Lời nói: Ngôn ngữ lời nói là nhịp cầu đi tới với nhau, và thông truyền tin tức cho nhau. Trong cuộc nói chuyện ta trao đổi với nhau và làm giầu cho nhau qua trao đổi lời nói.

Trong Phúc âm Thánh Gio-an, Chúa Giê-su được gọi đặt tên là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Khi con người qua môi miệng nói sự tốt lành thánh đức, những lời thân thiện đầy bác ái tình người là một cách tôn kính vinh danh Chúa Giê-su rồi.

Thánh Phê-rô đã bộc trực nói lên tâm tư của mình với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống” (Ga 6,68).

– Đưa bàn tay xuống nơi ngực đang khi đọc “và Thánh Thần”, nơi chốn vị trí của trái tim về sự cảm nhận, lòng yêu mến. Chúa Thánh Thần là ân đức của tình yêu mến, nên đưa bàn tay xuống ngực cùng kêu cầu người ngự xuống, thật là điều phải đạo chính đáng.

Trái tim con người là trung tâm lọc chuyền máu đi nuôi các cơ quan trong thân thể, và cũng là nơi chốn sức lực của cảm nhận, của tình yêu mến cùng lòng ao ước mong chờ. Tất cả những cảm tình sâu thẳm và sự cảm động đều đi vào trái tim và phát xuất từ trái tim đi ra bên ngoài.

Đức Chúa Thánh Thần trao tặng con người chúng ta sự sống và tình yêu mến. Điều này là thiết bị căn bản khiến thân thể ta trở nên ngôi nhà Chúa Thánh Thần.

Dấu Thánh Giá là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba ngôi.

Dấu Thánh giá là một chương trình cho ngày sống của con người buổi sáng, buổi chiều, lúc ăn uống cùng cả khi đi đường, lúc đứng quỳ hay nằm trên giường nữa.

Làm dấu Thánh giá trên thân thể là lời cầu nguyện, đồng thời cũng là chúc lành cho chính mình cùng cho người khác nữa.

Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
http://giaophanhatinh.net/chua-nhat-le-chua-ba-ngoi-nam-a-cac-bai-suy-niem-chu-giai-loi-chua-10939#Trinity-A_198

Gieo gì gặt nấy

Ðời sống là một chuỗi ngày gieo giống. Mỗi ngày ta gieo trong tư tưởng lời nói và hành động để một ngày kia ta sẽ gặt. đọc tiếp...

+ Thịnh vượng và nghịch cảnh
+ Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?
edit