Skip to main content

Pho tượng đá

Sống là sống với tha nhân. Cuộc sống ấy chỉ thực sự có khi con người biết chấp nhận nhau, biết tha thứ cho nhau.
A A+
color:
Pho tượng đá
Sống là sống với tha nhân. Cuộc sống ấy chỉ thực sự có khi con người biết chấp nhận nhau, biết tha thứ cho nhau.

Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo có câu chuyện sau đây:

Bảy vị chân tu nọ kéo nhau đến sống ở một ngôi đền bỏ hoang của người Ai Cập, phía trước ngôi đền có một pho tượng đá. Ðây là pho tượng duy nhất còn sót lại sau khi ngôi đền bị cướp phá.

Vị cao niên trong bảy tu sĩ ấy tên là Ðu-bô, ông được anh em bầu lên làm bề trên của cộng đoàn.

Ðể dạy cho anh em một quy luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi buổi sáng ông ra đứng trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném mạnh vào đó, rồi chiều đến ông lại trở ra đứng trước pho tượng và lớn tiếng xin lỗi về hành động ném đá của ông.

Cử chỉ khác thường của vị bề trên ấy kéo dài trong một thời gian khá lâu.

Một ngày kia, không còn làm chủ được tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy.

Vị bề trên trả lời bằng cách hỏi lại người đó như sau:

- Khi tôi ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không?

Người kia trả lời:

- Thưa không.

Vị bề trên hỏi tiếp:

- Buổi chiều khi tôi đến xin lỗi, pho tượng ấy có để lộ xúc động nào không?

Người anh em cũng trả lời:

- Thưa không.

Bấy giờ vị bề trên mới giải thích:

- Anh em thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn. Nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu thương nhau, chúng ta cũng hãy sống như pho tượng này. Ðừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có những ai trong anh em xúc phạm đến mình, và cũng đừng ai trong chúng ta tỏ ra hãnh diện khi có người đến xin lỗi mình.

Lời khuyên trên đây của vị bề trên đã được mọi người vui vẻ đón nhận, và từ đó họ sống với nhau trong hòa thuận, an bình.

"Hãy để cho tôi yên" có lẽ đó là phản ứng thông thường của chúng ta khi bị người khác quấy rầy. Ai cũng muốn tránh sự quấy rầy của người khác. Ai cũng muốn co cụm trong vỏ ốc của mình.

Bình an nội tâm không thể là kết quả của sự trốn chạy, nhất là trốn chạy khỏi tha nhân.

Kinh nghiệm cho thấy rằng trốn chạy tha nhân, càng khước từ và xua đuổi tha nhân ra khỏi tâm hồn chúng ta càng cảm thấy bị đầy đọa và cô đơn hơn.

Một trong những điều kiện để có bình an nội tâm thực sự chính là đón nhận tha nhân, là tạo được sự hài hòa với tha nhân.

Quy luật cơ bản mà vị bề trên kia cho áp dụng trong cộng đoàn của mình cũng có giá trị cho mọi người chúng ta.

Sống là sống với tha nhân. Cuộc sống ấy chỉ thực sự có khi con người biết chấp nhận nhau, biết tha thứ cho nhau.

Trích trong: Truyện Vui Suy Niệm
http://vntaiwan.catholic.org.tw/truyenvui/truyen009.htm