Bất lực trong hành động
Thánh Phaolô tông đồ đã tâm sự với các tín hữu Rôma về sự bất lực của chính bản thân để làm điều tốt như sau:
"Tôi không hiểu nổi chính tôi. Ðiều tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều tôi ghét thì tôi lại làm. Vì chưng ý nghĩ muốn làm điều tốt thì thật có trong tôi, nhưng sự thực hiện thì không" (thư Rôma chương 7,15 và những câu kế tiếp).
Khi đọc các thư thánh Phaolô, rồi sách Tông đồ công vụ và những bài nhận định của các học giả Kinh thánh về cá tính của thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng ngài có nhiều đặc điểm tốt và tài năng hơn người; ngài có tinh thần tôn giáo sâu xa, có lòng nhiệt thành truyền giáo không biết mệt mỏi; ngài là một nhà thần bí, một người có tài tranh luận thuyết phục, là con người trí thức và là một nhà thần học đầu tiên; ngài là một người tổ chức tuyệt hảo, một chủ chăn có tài, tận tâm, có lòng dũng cảm và nhiều tài năng khác. Nhưng thánh Phaolô cũng có những điểm tiêu cực, ngài có tính khí cứng rắn, chẳng hạn như khi Barnaba, người bạn đồng hành với ngài, muốn cho Marcô tháp tùng trong cuộc hành trình thì ngài từ chối, viện lý do vì Marcô đã bỏ họ khi ở Pamphylia và không chịu chia sẻ công việc của họ. Sau cuộc cãi vả gay gắt, thánh Phaolô và Barnaba chia tay nhau (sách Tông đồ công vụ 15, 38-39). Thánh Phaolô là con người bộc trực, dễ tức giận khi bàn thảo và đôi khi ngài có lời lẽ phê bình trong các thư của ngài, mà sau đó ngài phải giải thích, biện hộ hoặc sửa đổi. Trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô viết như sau:
"Khi tôi viết cho anh em trong sự buồn sầu đau đớn sâu xa và trong nước mắt, thì điều đó không phải để làm thương tổn anh em, nhưng để hiểu rằng tôi thương anh em dường nào" (2Cr 2,4).
Nhìn vào thánh Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi kiểm điểm lại chính bản thân. Chúng ta chắc chắn có những điểm tốt, những tài năng, nhưng cũng rất có thể xảy ra là chúng ta thường để cho sự kiêu hãnh và cứng cỏi phá hủy mối liên hệ tốt đẹp giữa chúng ta với nhau. Chúng ta thường nói quá nhiều hay nói quá ít, không đủ, hoặc nói những điều không đúng hay không. Trong nhiều tình huống, giống như thánh Phaolô, chúng ta cũng cảm thấy bất lực trong hành động, chúng ta không làm điều tốt chúng ta muốn, nhưng lại làm điều mình không muốn. Chúng ta cảm thấy sự bất lực đối với những hành vi của mình, bất lực đối với những việc tốt chúng ta hứa sẽ bắt đầu làm hoặc đối với các việc xấu chúng ta muốn từ bỏ.
Thật ra, không phải là khó đối với chúng ta để nhận ra những lãnh vực mà chúng ta không có khả năng làm chủ, để điều khiển hành vi của mình. Sau nhiều năm kinh nghiệm sống đời kitô, chắc chắn chúng ta có thể ý thức nhiều hơn những điều bất lực của chính bản thân, chúng ta muốn vượt qua được những yếu đuối và thực hiện cho được những điều dốc lòng. Chúng ta hãy suy nghĩ và xác tín điều này: sức mạnh của chúng ta hệ tại nơi việc không để mình bị lệ thuộc.
Ước gì nhờ Chúa Thánh Thần và trong vinh quang vô biên của Ngài, xin Thiên Chúa thương ban sức mạnh để làm lớn lên cái tôi sâu kín của mình, ngõ hầu Chúa Giêsu có thể sống trong ta nhờ đức tin, cho đến khi ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt mọi sự hiểu biết và ta sẽ được tràn đầy sự sung mãn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức về những yếu đuối của bản thân để con sống khiêm tốn và biết thông cảm với anh chị em chung quanh. Nhưng đồng thời xin Chúa cũng ban ơn sức mạnh giúp con thực hiện được những gì đã hứa cùng Chúa.
http://vntaiwan.catholic.org.tw/thegian/thegian41.htm
Một điểm tựa duy nhất trên cõi đời
Duy chỉ có bàn tay Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người. đọc tiếp ...+ Hiền lành và khiêm nhượng
+ Bảy câu Kinh thánh khích lệ chúng ta khi chán nản