Những điều hay
Chúng ta cần phải tế nhị khi giúp đỡ nhau để mọi người không bị tổn thương và cảm thấy bị xúc phạm, bị phanh phui trước những người khác.
Trong cuốn sách có tựa đề Tuyển tập những điều hay, tác giả Lemond đưa ra những chỉ dẫn cho những ai muốn giúp đỡ người mù như sau:
- Khi bạn vào phòng hay những nơi có người mù đang ở, bạn hãy nói một điều gì đó cho dù những lời đó chẳng có ý nghĩa gì. Mục đích là để cho người mù biết là bạn đang hiện diện ở chỗ của họ.
- Khi nói chuyện với người mù, bạn hãy để cho người mù biết rằng bạn đang nói chuyện với họ chứ không phải với một người nào khác, bằng cách bạn có thể gọi chính tên họ, đụng chạm và nắm lấy tay họ.
- Khi gặp những người mù, hãy ngỏ ý với họ như sau: tôi có thể đi cùng với ông (bà) được không? (Ðừng hỏi tôi có thể giúp ông (bà) được không?), bởi vì hỏi như thế cũng có thể là gợi lại nỗi đau tật nguyền của họ. Nếu họ đồng ý thì hãy đưa cánh tay cho họ. Bằng cách đó, người mù có thể nhận ra bước đi của bạn và họ cũng không thể nhận ra điều đó nếu bạn nắm lấy tay của họ.
- Nếu bạn muốn băng qua đường khi cùng đi với một người mù, bạn hãy dừng lại một chút bên lề đường và làm dấu cho người mù biết là bạn đi trước bằng cách nắm chặt tay họ và có ý giữ họ lại một chút, rồi bạn đi trước tiếp tục dẫn họ đi qua đường. Cũng nhớ rằng bạn phải dẫn họ đi trên một lối thẳng băng qua đường, đừng đi vòng vèo quanh quẩn.
- Nếu bạn muốn nói cho người mù biết chỗ mà bạn muốn họ ngồi nghỉ ngơi, bạn có thể đặt tay của họ vào chỗ họ sắp ngồi như chỗ dựa của ghế hoặc thành ghế để họ có thể tự định hướng cho mình trước khi ngồi.
- Nếu người mù đang cố gắng bước vào xe ca, hãy giúp họ đưa tay nắm lấy tay cầm của cánh cửa xe. Khi cửa xe đã mở, hãy giúp họ đặt tay lên trần xe và nói cho họ biết đâu là hướng đi xe. Thường là hướng tài xế ngồi, trái, phải, trước, sau, v.v... Một khi họ đã biết điều đó họ có thể tự tìm ghế ngồi và không cần ai giúp đỡ nữa.
- Nếu thấy một người mù đang leo lên xe bus, bạn hãy đi trước và đưa tay dẫn họ đi. Khi đã lên xe rồi, hãy đưa tay của họ nắm lấy thành ghế và chạm đến chỗ ngồi, nhờ đó họ có thể giữ được thăng bằng khi xe chạy.
- Khi dẫn người mù xuống cầu thang hãy cho họ nắm lấy tay vịn cầu thang.
- Khi giúp người mù đổi tiền, trước hết hãy phân loại những đồng tiền mà họ có, nói cho họ biết giá trị của mỗi đồng để họ có thể nhận ra khi cầm chúng.
* * *
Ðó là một vài những chỉ dẫn đích thực khi chúng ta muốn giúp đỡ những người mù, là những người không thể tự mình thực hiện những công việc như những người bình thường. Những chỉ dẫn đó chứng tỏ rằng người ta đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý của những người bị khiếm thị. Và những ai muốn giúp đỡ những người khiếm thị phải học những điều đó để việc giúp đỡ của mình là thực sự hữu ích cho người mình muốn giúp đỡ. Qua đó, chúng ta nhận thấy hai điều:
1. Người hướng dẫn người mù phải thực sự là những người thông hiểu, biết cảm thông sâu sắc và đặt mình trong hoàn cảnh như chính những người mù để mình có thể hiểu rõ những mong ước, những hoài bão, những mặc cảm, những cố gắng nỗ lực và khả năng của họ.
2. Ðối với những người mù, dù họ biết là mình mù thì họ cũng cố gắng không muốn cho người khác biết những điểm yếu của họ. Họ vẫn cố gắng tìm đủ mọi cách để khẳng định mình. Nhiều khi họ từ chối không dám nhận sự giúp đỡ của người khác.
Như thế, chúng ta thấy có những điểm tương đồng giữa những người khiếm thị bị mù về thể xác và những người mù về tinh thần, cụ thể là những người có tội, những người đang đi trên con đường tội lỗi và ý thức là mình có tội. Tất cả các tội nhân thường muốn che giấu những lầm lỗi của mình, nhưng nếu có tránh né và ở trong tình trạng như thế, sự mù quáng của tinh thần sẽ dẫn đến bế tắc, vì mù tinh thần chỉ có thể thoát khỏi bệnh mù khi trí họ biết là mình mù, thực sự muốn được cứu chữa để nhìn thấy, đôi khi cần đến sự giúp đỡ của người khác.
Còn những người giúp đỡ, những người hướng dẫn tâm linh cũng phải tế nhị để giúp cho các nạn nhân không bị tổn thương về mặt tinh thần với mặc cảm về chính mình và dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm, bị phanh phui trước những người khác. Ðiều quan trọng là chúng ta phải lạc quan và tin tưởng vì biết rằng đến với Chúa, mọi tội lỗi bất toàn của chúng ta sẽ được tẩy xóa, nhờ đó chúng ta mỗi ngày sẽ được trở nên hoàn trọn hơn trong ơn nghĩa Chúa.
Vậy, dù là gì, là ai và ở bất cứ địa vị nào, chúng ta hãy ý thức về những ưu khuyết điểm của mình để luôn thành tâm trước Chúa và thưa với Người rằng:
Lạy Chúa, xin cho cặp mắt tâm hồn chúng con được sáng để nhận ra những điều kỳ diệu, ân sủng và tình thương của Chúa cùng những yếu đuối của chúng con để biết tựa nương vào Chúa, nhờ đó chúng con và anh chị em sẽ cùng nhau vui bước trên hành trình đức tin, còn lắm gian nan nhưng đem đến hạnh phúc đích thực vì là con đường Chúa đã đi qua.
Trích từ : Mạch Nước Trường Sinh
http://vntaiwan.catholic.org.tw/machnuoc/mach083.htm