Skip to main content

Mẹ ơi hãy để con được sống

Ðược tha thứ hẳn phải là cảm nghiệm sâu sắc và đẹp nhất trong đời người. Qua sự tha thứ, con người cảm nhận được niềm an bình, niềm vui,...
A A+
color:
Mẹ ơi hãy để con được sống
Một trong những may mắn nhất của các Kitô hữu chúng ta hẳn là lòng tin nơi lòng nhân từ và tha thứ của Chúa.

Tại Nhật Bản, ngày nay người ta thấy mọc lên tại những nơi ẩn khuất trong rừng rậm hoặc trên đồi núi một ngôi chùa rất đặc biệt, đó là chùa dành để kính nhớ những trẻ thơ không bao giờ được chào đời. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng thuộc loại này là đền thờ Camakora không xa thủ đô Tokyo bao nhiêu, đây là ngôi đên tôn kính Phật Bà Quan Âm.

Trên sườn đồi xung quanh ngôi chùa dọc theo những lối đi chằng chịt, người ta thấy có đến hàng chục ngàn những tượng phật nhỏ. Ðây chính là những bức tượng do những người đàn bà đã phá thai mang đến, họ mặc cho những tượng nhỏ ấy một bộ quần áo trẻ thơ, họ gắn trên tay những bức tượng ấy một món đồ chơi và cũng đặt cho mỗi pho tượng ấy một tên tuổi như là con của họ.

Mỗi ngày đều có những người mang đến những tượng phật nhỏ như thế đặt trên các lối đi rồi vào chùa khấn vái, đốt nhang trước tượng Phật Bà Quan Âm. Thỉnh thoảng họ trở lại để săn sóc cho những bức tượng nhỏ ấy. Ðây không chỉ là một nghi thức tôn giáo, mà còn là một thể hiện sâu sắc của tấm lòng sám hối và lời cầu xin tha thứ.

Một nhà thừa sai làm việc lâu năm tại Nhật Bản kể lại như sau: những người ngoài Kitô giáo vẫn xem hành động phá thai là một lỗi nặng, bởi vì họ không biết rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ, cho nên hành vi tội lỗi ấy vẫn là một gánh nặng đè trên lưng họ, họ vẫn nghĩ rằng những thai nhi không được sinh ra sẽ không bao giờ được yên nghỉ, cho nên chúng sẽ đi lang thang từ nơi này đến nơi khác trong khi chờ đợi được đầu thai. Do đó, bằng lời khấn vái, họ hy vọng sẽ mang lại sự an nghỉ cho các thai nhi ấy, nhưng về phía họ không bao giờ họ cảm thấy được tha thứ và an bình nội tâm.

Một trong những may mắn nhất của các Kitô hữu chúng ta hẳn là lòng tin nơi lòng nhân từ và tha thứ của Chúa. Ai trong chúng ta đã không hơn một lần phạm tội, do đó không nhận mình sai lầm và luôn sẵn sàng kết án và ném đá người khác, đây quả là một hành động không bình thường. Sự kiêu ngạo là kẻ thù khủng khiếp nhất của con người, càng tiến tới trong cuộc sống và tuổi đời, con người chỉ có thể nhận ra mình là kẻ yếu hèn tội lỗi mà thôi. Nhận ra sự yếu đuối và những hành động tội lỗi của mình là bước đầu của sự khôn ngoan, nhưng con người lại càng tiến thêm hơn trong sự khôn ngoan khi giữa bao tội lỗi chồng chất vẫn không bi quan, thất vọng, chán nản.

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Ðấng nhân từ hay tha thứ, đó là một dung mạo của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải qua giáo huấn và toàn bộ cuộc sống của Ngài. Với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và được đám đông dẫn đến trước mặt Ngài, Chúa Giêsu đã nói một cách dịu dàng: "Ta không kết án chị, hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa" (Jn 8,1-11). Và khi Phêrô đã hỏi Ngài phải tha thứ đến bao nhiêu lần? Chúa Giêsu bảo đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ không ngừng.

Ðược tha thứ hẳn phải là cảm nghiệm sâu sắc và đẹp nhất trong đời người. Qua sự tha thứ, con người cảm nhận được niềm an bình, niềm vui, tinh thần lạc quan. Với niềm tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh hồn, cho những người quá cố.

Lạy Chúa, theo lượng từ bi Chúa xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi, xin tha thứ cho chúng con vì chúng con xúc phạm đến Chúa, và khi cảm nhận ơn tha thứ của Chúa thì chúng con mới có thể biết tha thứ cho người anh em. Amen.

Trích trong Nghĩa Cử Yêu Thương
http://vntaiwan.catholic.org.tw/yeuthuong/thuong31.htm


+ Bạn giữ những oán hận để làm gì ?
+ Tha thứ là phương tiện linh nghiệm giải thoát các đẳng linh hồn

edit