Làm sao để vượt qua cám dỗ của cuộc đời?
Ma quỷ tìm mọi cách để cám dỗ Chúa Giêsu. Con chúng ta thì sao?
| Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021
A
A+
color:
Tất cả những thứ mang lại cho chúng ta những lạc thú đều có tiềm ẩn những cám dỗ chết người nếu chúng ta không đủ tỉnh táo để kiểm soát bản thân mình.
Cám dỗ có thể hủy hoại con người, làm con người sa ngã không thoát ra được. Làm cho con người đánh mất bản thân mình, hủy hoại hạnh phúc gia đình và những người chung quanh.Bước vào Mùa Chay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta phải ăn năn sám hối, sống lại kinh nghiệm 40 năm sa mạc của người Do Thái, sống 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa, 40 ngày ăn chay và chịu ma quỷ cám dỗ, để nêu cao lòng trung tín của Người với Thiên Chúa Cha. Ma quỷ tìm mọi cách để cám dỗ Chúa Giêsu. Con chúng ta thì sao? Hôm nay, trong ngày đầu Mùa Chay này, chúng ta dùng thời gian này như là cuộc tĩnh tâm để đi vào chay tịnh và hy sinh hãm mình.
1/Cám dỗ đến từ bên ngoài. Dù già hay trẻ, chúng ta đều bị cám dỗ. Cám dỗ luôn tồn tại xung quanh chúng ta với nhiều hình thức khác nhau. Cám dỗ có thể đến từ những người bên cạnh chúng ta, từ những điều giản đơn trong cuộc sống. Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh, từ những điều chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Chẳng hạn, nếu mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với những tư tưởng xấu, phim ảnh xấu thì chúng ta bị sa ngã vào cái bẫy của cám dỗ. Một đứa trẻ nghe cha mẹ chửi thề, thì lớn lên nó cũng nói bậy.
2/Cám dỗ đến từ bên trong. Có những cám dỗ đến từ bên ngoài, nhưng cũng có những cám dỗ đến từ bên trong của mỗi con người. Cám dỗ đến từ bên trong mỗi con người xuất phát từ dục vọng, những ham muốn của con người. Nó nằm ở sâu thẳm trong mỗi con người. Như là tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị, tình cảm, xác thịt,…Nếu chúng ta không kiềm chế được dục vọng của bản thân, thì chúng ta bị sa ngã và đi vào con đường tội lỗi.
1/Cám dỗ về sự kiêu căng: kiêu căng là một trong những “con quỷ dữ” giết chết con người thật của ta. Nhiều người không nghĩ rằng, sự kiêu căng là một trong những vấn đề gây nguy hiểm cho xã hội. Kinh thánh đã giải thích rõ ràng vấn đề này. Adam và Eva ăn trái cấm vì tội kiêu căng, nghe lời con quỷ cám dỗ, vì muốn được bằng Thiên Chúa.
2/ Cám dỗ về sự nóng giận. Kiềm chế sự giận dữ là “thử thách” khá khó khăn đối với nhiều người. Loài người đã phải chứng kiến hàng vạn sự kiện “đổ máu” vô lý chỉ vì sự giận dữ. Gia đình tan vỡ vì sự nóng giận. Không phải ai cũng có thể kiềm chế sự nóng nảy của bản thân.
3/ Cám dỗ về sự đố kỵ. Sự đố kỵ khiến con người dễ rơi việc tranh giành quyền lợi. Tại sao người ta hay ganh tị? Thưa, ganh tị cũng đồng nghĩa với việc mong muốn sở hữu nhiều thứ hơn. Thay vì hài lòng với bản thân thì con người lại ước muốn nhiều hơn dẫn đến lòng ganh tỵ với người khác, và xẩy ra hậu quả tội lỗi.
4/ Cám dỗ về sự tham lam. Tiền đã khơi gợi lòng tham của con người và gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Nhiều người cho rằng, tham lam là một đức tính tốt, vì con người sẽ cố gắng phát triển để đạt được điều họ mong muốn. Thế nhưng, cũng tương tự như sự ghen tị, nếu con người thường không hài lòng với bản thân mình, thì họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích. Nhiều người vì quá tham lam đã làm những chuyện tội ác, trái với đạo đức để đạt được mục đích. Ví dụ điển hình là các cuộc chiến tranh đều xuất phát từ sự tham lam của con người.
5/ Cám dỗ của tiền tài. Có những cám dỗ mang tên tiền tài, chúng ta không thể nào phủ nhận sức mạnh của tiền tài, tiền tài luôn mang lại cho chúng ta một sức hút kì lạ. Lúc đầu chúng ta nỗ lực kiếm tiền với những mục đích hết sức đơn giản và bình dị, đó là chúng ta muốn một cuộc sống ấm no, những người thân xung quanh chúng ta không cần phải cực khổ. Nhưng sau đó đồng tiền càng ngày càng kéo chúng ta xa dần với mục đích tốt đẹp ban đầu chúng ta. Mục đích kiếm tiền bạn đầu dần dần biến chất, chúng ta càng ngày càng muốn kiếm được nhiều tiền hơn để thỏa mãn những thú vui mà tiền tài mang lại. Để kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta bắt đầu bắt chấp không còn biết đúng sai và đi vào con đường lầm lỗi.
6/ Cám dỗ của danh vọng, quyền lực. Thực tế cuộc sống không ít người, vì cám dỗ của danh vọng quyền lực mà sa ngã làm ra những điều sai trái. Ai ai cũng muốn bản thân mình được người khác kính nể, được nắm quyền lực trong tay. Bất cứ nơi nào làm việc cũng chỉ toàn ganh đua, hơn thua. Lòng ham muốn chiến thắng được đẩy lên cao, và ai cũng muốn ở trên người khác. Ai cũng không ngừng tìm mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn để mình được ở trên cao. Dần con người đánh mất bản thân của mình trong vòng xoáy danh vọng.
7/ Cám dỗ của hưởng thụ khoái lạc. Những thú vui hưởng lạc rất dễ khiến con người u mê lún sâu vào làm cho con người ngày càng sa ngã, trở nên tôi tề. Lúc còn bé cám dỗ hưởng thụ của mỗi chúng ta đến từ những viên kẹo bọc đường ngọt ngào. Khi lớn lên một chút, chúng ta hưởng thụ với nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta bị cuốn vào sự cám dỗ của mạng xã hội, game,điện thoại, rượu bia, cờ bạc, ma túy…chúng có một sức hút kì lạ, khiến cho con người không thể cưỡng lại được, nó làm cho con người thay đổi bản chất tính lương thiện. “Nhân chi sơ tính bản thiện.”
Ví dụ, uống rượu vốn dĩ bản chất không xấu nhưng khi chúng ta uống rượu một cách không kiểm soát, uống đến mức nghiện ngập thì lúc này việc uống rượu đã mất đi những bản chất tốt đẹp ban đầu vốn có. Lúc này rượu trở thành thủ phạm, nguồn cơn của những những tội ác. Tất cả những thứ mang lại cho chúng ta những lạc thú đều có tiềm ẩn những cám dỗ chết người nếu chúng ta không đủ tỉnh táo để kiểm soát bản thân mình.
Theo cách Chúa Giê-su dạy, để vượt qua cơn cám dỗ bằng việc ăn chay, cầu nguyện và việc bố thí. Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt Mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỷ.
Lm. John Nguyễn.
https://www.thanhlinh.net/node/145490
https://www.thanhlinh.net/node/145490