Lời thưa Xin Vâng
Triết gia hiện sinh của Pháp, Albert Camert đã nói rằng: “Con người là tạo vật duy nhất không chấp nhận chính mình. Con người đành phải chịu đựng chính mình và chính vì phải chịu đựng mình mà con người luôn phẫn nộ với những giới hạn của mình và tìm cách vượt qua chính mình”.
Một trong những thể hiện của thái độ không chấp nhận chính mình là ước mơ bất tử trường sinh được nuôi dưỡng và bày tỏ bằng nhiều cách khác nhau. Từ các vua chúa của Ai Cập qua Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa đến những lãnh tụ độc tài của các thời đại, và cuối cùng, những nhà khoa học của thời đại, con người vẫn tìm đủ mọi cách để trở thành bất tử. Các vua Ai Cập khi qua đời không những được ướp xác, mà người ta còn chôn sống cả những người thân tín của họ. Tần Thủy Hoàng cũng đã suốt một đời đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Những cái xác ướp của thời đại hiện đang được trưng bày trong những lăng tẩm nguy nga, mà sự bảo trì đòi hỏi bao nhiêu tốn kém cũng là thể hiện của những giấc mơ được sống mãi, dù chỉ là sống mãi với một thứ hào quang giả tạo.
Giấc mơ được sống lại ấy, ngày nay cũng đang được những nhà khoa học muốn hiện thực hóa qua việc tạo sinh vô tính con người, hay sử dụng tế bào gốc của các phôi thai người để chữa trị những căn bệnh nan y, và như vậy vượt qua biên giới của sự chết. Trước khi chết, người ta chỉ cần để lại một tế bào sống của mình và từ đó các nhà phù thủy khoa học sẽ nối dài cuộc sống của người đó bằng cách tạo sinh vô tính một con người y hệt như người đó. Với tế bào gốc rút ra từ phôi thai người, những nhà phù thủy khoa học cũng sẽ đánh bại thần chết bằng cách chữa trị mọi căn bệnh nan y.
Nhưng viễn tượng mà những nhà khoa học đang vẽ ra vì một vài người trường sinh bất tử trên mặt đất này, không chỉ thỏa mãn ước mơ được sống mãi, nó còn gợi lên bao nhiêu hệ lụy mà một cái nhìn có trách nhiệm không thể làm ngơ. Những con người trường sinh bất tử ấy sẽ là những con người bình thường, hay là những quái thai? Có được phép sử dụng hay sản xuất phôi thai để dùng vào việc chữa trị các căn bệnh nan y và làm cho con người trường sinh bất tử không? Ðó là những câu hỏi mà tinh thần trách nhiệm không thể tránh né được.
Tựu trung, sống và cư xử có trách nhiệm là đòi hỏi tất yếu của con người. Ðã là người đương nhiên phải có trách nhiệm. Nhưng nói đến trách nhiệm cũng là nói đến thân phận giới hạn của con người. Chính vì tính giới hạn ấy của con người mà tự do cũng đương nhiên có tính giới hạn.
Ðây là chân lý mà lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta để cùng suy nghĩ. Mẹ Maria là mẫu mực của một con người có trách nhiệm. Trách nhiệm ấy trước tiên là thể hiện qua sự cộng tác của Mẹ trong mầu nhiệm nhập thể. Mẹ đã thưa “Xin Vâng” với tất cả tinh thần trách nhiệm. Thưa “Xin Vâng” là chấp nhận đi vào một chương trình của Thiên Chúa, trong đó sự cộng tác của con người phải là toàn diện. Thưa “Xin Vâng” là ý thức về thân phận bất toàn và giới hạn của con người, nhưng đồng thời cũng triệt để tin tưởng nơi quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Chính vì đã thưa xin vâng một cách triệt để mà Mẹ Maria đã là người đầu tiên trong nhân loại vượt qua được ranh giới của sự chết để trở thành trường sinh bất tử thật sự.
Chấp nhận thân phận giới hạn của kiếp người và tin tưởng ở quyền năng của Ðấng có thể làm được mọi sự. Mẹ Maria đã được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác. Mẹ đã trở thành đích điểm của cuộc lữ hành đức tin của chúng ta. Mẹ đã chỉ ra cho chúng ta con đường đích thực để đi, hầu đạt được cứu cánh vĩnh cửu của chúng ta. Nhìn lên Mẹ từ giữa bao nhiêu giới hạn bất toàn và khổ đau của kiếp người, chúng ta được mời gọi củng cố niềm hy vọng của chúng ta. Giữa cuộc đời khổ lụy và tăm tối, chúng ta vẫn nhận ra ánh sáng để tiến tới. Ước gì bài ca Ngợi Khen mà Mẹ và cộng đoàn tiên khởi đã hát vang cũng trở thành tâm tình của chúng ta.
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI