Skip to main content

Con đường đưa tới vinh quang

Phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ chính là con đường đưa tới vinh quang.
A A+
color:
Con đường đưa tới vinh quang
Còn Chúa Giê-su, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Ngài chỉ cho họ một cách để trở thành cao cả thực sự. Đó là “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Muốn tỏ ra mình là người có giá trị, hay nói khác đi, muốn tự khẳng định mình là một nhu cầu hết sức quan trọng của con người và nhu cầu này được biểu hiện bằng nhiều hình thức trong cuộc sống.

Thời Chúa Giê-su, các vị kinh sư và các người biệt phái tự khẳng định mình bằng cách “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi” (Mt 23, 5-7).

Ngay cả các môn đệ Chúa Giê-su cũng hay tranh luận với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất. Điều nầy đã được ghi lại nhiều lần trong Tin Mừng (Mc 9, 33-34; Lc 9, 46; Mt 18,1; Lc 22, 24).

Có lần, hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giê-su cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh. Bấy giờ, mười môn đệ kia tỏ ra bất bình với Gioan và Giacôbê vì anh em nhà nầy muốn giành trước hai chiếc ghế mà họ đang mơ ước (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).

Khát vọng của con người là thế đó. Ai cũng muốn nổi bật, ai cũng muốn vươn cao; không ai muốn bị lu mờ. Nói chung, ai cũng muốn làm gia tăng giá trị của mình.


Đây là một khao khát rất tự nhiên. Chính Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn con người khát vọng đó để thúc đẩy họ vươn lên thành những người cao cả. Chúa Giê-su cũng kêu gọi các môn đệ vươn tới đỉnh trọn lành: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48)


Làm thế nào để trở thành người cao cả thật sự?

Có người cố làm tăng giá trị của mình bằng cách trang điểm thân xác. Tuy nhiên, người ta không thật sự trở nên cao cả nhờ nhan sắc, vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.”

Có người tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng của cải vàng bạc, nhưng thực ra, “giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu.”

Có người trau dồi và phát huy tài năng cho người ta nể phục, hoặc cố giành những địa vị cao trong xã hội để nâng giá trị mình lên.

Còn Chúa Giê-su, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Ngài chỉ cho họ một cách để trở thành cao cả thực sự. Đó là “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Lời dạy của Chúa Giê-su xem ra trái nghịch với suy nghĩ của người đời. Thông thường, muốn làm lớn thì phải tôn mình lên để thống trị người khác; đằng nầy Chúa Giê-su dạy phải hạ mình xuống làm tôi tớ hầu hạ mọi người. Thật thế ư?


Ngày 5 tháng 9 năm 1997, cả thế giới xúc động, thương tiếc và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa khi hay tin Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu già nua, thấp bé, nghèo nàn, không chút nhan sắc… qua đời tại Calcutta, Ấn-độ ở tuổi 87. Nhà Nước Ấn-độ, một quốc gia phần đông theo Ấn-độ-giáo, đã long trọng tổ chức quốc táng cho Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu công giáo khiêm tốn bình dị, người gốc An-ba-ni! Hơn triệu người dân Ấn-độ tuôn ra đường để tiễn đưa Mẹ Tê-rê-xa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thật là điều không tưởng tượng nổi.

Tại sao Mẹ Tê-rê-xa lại được vinh dự lớn lao như thế?

Vì Mẹ đã thực hành đến mức hoàn hảo điều mà Chúa Giê-su truyền dạy cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay. Đó là hạ mình làm tôi tớ hầu hạ phục dịch những con người khốn khổ nhất thế gian với lòng yêu thương vô hạn.


Cuộc đời của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng giáo huấn của Chúa Giê-su là xác đáng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Như thế, phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ chính là con đường đưa tới vinh quang.


Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con tỉnh táo nhận ra rằng giá trị con người không tuỳ thuộc vào những thứ “phụ tùng” mà người ta khoác vào thân như các loại y phục hợp thời trang hay các đồ trang sức xa hoa, đắt giá; giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào của cải, bạc vàng châu báu hay địa vị công danh… nhưng cốt yếu là tuỳ vào đức hạnh, vào phẩm chất cao đẹp của mỗi người.

Xin dạy chúng con biết làm gia tăng giá trị bản thân bằng cách hiến thân hy sinh phục vụ mọi người như Chúa đã nêu gương.


Chúa Nhật XXV Thường niên- B