Skip to main content

Mẹ Mân Côi

Khi chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ Mân Côi, là chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đón nhận Đức Ki-tô vào cung lòng và vào cuộc sống của mình, ...
A A+
color:
Mẹ Mân Côi
Khi chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ Mân Côi, là chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đón nhận Đức Ki-tô vào cung lòng và vào cuộc sống của mình, là chiêm ngắm Đức Mẹ đi theo và gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô đến cùng.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

1 Tràng hạt Mân Côi


Tất cả chúng ta điều rất quen thuộc với tràng hạt Mân Côi, bởi vì tràng hạt Mân Côi luôn đi đôi với lời kinh Kính Mừng, vốn là một trong những kinh mà chúng ta học và đọc ngay trong gia đình từ thời thơ ấu.

Từ “Mân Côi” phát xuất từ tiếng La-tinh Rosarium, có nghĩa là vườn hoa hồng. Thật là đẹp và đầy ý nghĩa, khi nhìn tràng Mân Côi quen thuộc, nhỏ bé và đơn sơ của chúng ta như là một vườn hoa hồng. Và như thế, tràng hạt Mân Côi mà chúng ta dùng để đọc kinh hàng ngày chính là một vườn hoa hồng, mỗi hạt kinh là một đóa hoa hồng, kính dâng lên Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Và ai chúng ta cũng biết, hoa hồng là biểu tượng của lòng mến, của tình yêu. Vậy, chính khi chúng ta lần hạt, là chúng ta dâng hoa cho Đức Mẹ với lòng cảm mến và yêu thương của người con thảo. Với tâm tình này, chúng ta nhận ra rằng, cấu tạo của tràng Mân Côi cũng thật là hay và đầy ý nghĩa, vì tràng hạt có tâm điểm là ảnh Đức Mẹ.

2 Kinh Kính Mừng


Mỗi lời kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Mẹ. Thật vậy, vì đó chính là ý nghĩa sâu xa của phần thứ nhất trong kinh Kính Mừng:

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.

“Kính Mừng” có nghĩa là chúng ta ca mừng Đức Mẹ một cách kính cẩn; và lời ca mừng này một phần đến từ lời ca mừng của sứ thần Gabrien, khi ngài đến gặp Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin, mà bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay thuật lại cho chúng ta: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28)

Và phần còn lại của lời ca mừng Đức Mẹ trong kinh Kính Mừng, đến từ lời ca mừng của bà Elizabet, trong biến cố Đức Mẹ thăm viếng: “Em được chúc phúc (nghĩa là có phúc lạ), hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc (nghĩa là cũng có phúc lạ)” (Lc 1, 42).

Thế mà, chúng ta không thể ca tụng Mẹ với cả tâm hồn, nếu chúng ta không yêu mến Mẹ, và chúng ta không thể yêu mến Mẹ, mà không ca tụng Mẹ. Bởi vì, nếu không có lòng mến, lời ca tụng chỉ là giả tạo, hay chỉ có trên môi miệng, chứ không chân thật, không phát xuất từ con tim. Chính tâm tình ca mừng Đức Mẹ với lòng cảm mến, sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận những ơn huệ mà Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, và cũng chính thái độ ca mừng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi thái độ ngược lại là đóng kín, ghen tị và vô ơn, vốn rất tai hại cho mình và cho người khác. Như vậy, khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta dùng lại lời của Sứ Thần Gabriel và lời của bà Elizabeth để ca tụng Đức Mẹ với lòng cảm mến; và chỉ sau khi ca tụng Mẹ, chúng ta chúng ta mới xin ơn:

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.

Trong lời cầu xin với Đức Mẹ, chúng ta tự nhận mình là “kẻ có tội”. Nếu chúng ta đọc lời này với sự chân thành của con tim, thì chắc chắn Mẹ đã cảm thương chúng ta rồi. Giống như khi còn bé, mỗi khi chúng ta thành tâm nhận lỗi, là cha mẹ đã bao dung và ôm chúng ta vào lòng rồi. Hơn nữa, Mẹ được ban ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, chính là để chăm lo cho chúng ta, bao dung chúng ta, chia sẻ cho chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.

Lời cầu xin của chúng ta cũng thật là kín đáo và khiêm tốn. Thật vậy, chúng ta xin Mẹ cầu cho chúng ta, khi nay và trong giờ lâm tử. Kín đáo, vì chúng ta không xin điều gì đặc biệt, chỉ xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta thôi. Khiêm tốn, vì chúng ta ý thức về thân phận phải chết của chúng ta. Khi nay và trong giờ lâm tử, chúng ta đâu có biết còn bao xa, và chúng ta cũng không biết mình sẽ lâm tử như thế nào. Đọc lời nguyện xin này, dù chúng ta đang làm gì, ở độ tuổi nào, gặp khó khăn thử thách ra sao, chúng ta cũng được mời gọi chuẩn bị cho giờ lâm tử. Và chắc chắn, Mẹ không chỉ cầu bầu cho chúng ta, nhưng còn ôm chúng ta vào lòng để đưa chúng ta đi, đi trên đường đời và đi ngang qua sự chết để về Quê Trời, xum họp với Mẹ và những người thân yêu trong Nhà của Thiên Chúa.

Tóm lại, ca tụng rồi mới xin ơn, đó chính là qui tắc mà kinh Kinh Mừng dạy cho chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện trong mọi trường hợp. Và để ca tụng, chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban cho mình và cho người khác nữa.

3 Đức Mẹ Mân Côi


Chúng ta hãy trở lại nhìn ngắm một lần nữa tràng hạt của chúng ta. Như chúng ta đã nói, tràng hạt Mân Côi có trung tâm là ảnh Đức Mẹ, nhưng ảnh Đức Mẹ lại hướng tới Thập Giá của Đức Ki-tô. Thật vậy, Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng, phác họa lại cho chúng ta toàn bộ cuộc đời của Đức Ki-tô, từ lúc được hoài thai trong cung lòng Đức Mẹ, cho đến cuộc Thương Khó, chết trên Thập Giá, và sau đó sống lại và lên trời.

Trong năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ kính nhớ Đức Mẹ, vì những ân huệ lớn lao Mẹ đã nhận được, chẳng hạn Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Mẹ Nữ Vương, hay vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Đức Mẹ, chẳng hạn, Sinh Nhật Đức Mẹ, Đức Mẹ Dâng Mình, Lễ Truyền Tin, Đức Mẹ Thăm viếng, Lễ Giáng Sinh, hoặc vì những ơn huệ đặc biệt Đức Mẹ ban cho loài người chúng ta hay cho riêng một Hội Dòng, chẳng hạn Đức Mẹ Phù Hộ, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Dòng Tên.

Nhưng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, mà chúng ta mừng kính không chỉ một ngày, nhưng suốt một tháng, có điểm này đặc biệt, so với tất cả các lễ khác: đó là lễ Đức Mẹ Mân Côi tôn vinh sự gắn bó sâu xa và trọn vẹn của Mẹ đối với ngôi vị và cuộc đời của Đức Giêsu, từ lúc ngài được hoài thai trong lòng dạ của Mẹ, cho đến khi Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá, và sau đó Phục Sinh và Lên Trời. Thế mà, tất cả những ơn huệ lớn lao mà Mẹ nhận được đều đến từ tương quan thiết thân của Mẹ với Đức Ki-tô. Thật ra trong lời ca mừng của lời kinh Kính Mừng, chúng ta đã tôn vinh sự gắn bó của Mẹ với Đức Ki-tô rồi, đi đọc: “Con lòng bà gồm phúc lạ”.

Như vậy, khi chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ Mân Côi, là chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đón nhận Đức Ki-tô vào cung lòng và vào cuộc sống của mình, là chiêm ngắm Đức Mẹ đi theo và gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô đến cùng. Và đó cũng chính là ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta: đó là đón nhận Đức Ki-tô, vốn là Đường là Sự Thật, là Sự Sống và là Ánh Sáng vào cuộc đời của chúng ta, vào trong gia đình của chúng ta, vào trong cộng đoàn và Hội Dòng của chúng ta.

* * *

Đức Mẹ cầu bầu, phù hộ và ban ơn cho chúng ta về nhiều phương diện của cuộc sống, nhưng Đức Mẹ đặc biệt chăm sóc, phù hộ chúng ta trong cách thức chúng ta đón nhận, hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô đến cùng, và Mẹ phù hộ chúng ta, trước tiên là bằng cách dạy dỗ chúng ta, ngang qua chính đời sống của Mẹ.

Bài học quan trọng của Kinh Mân Côi

Tràng chuỗi mân côi chính là một lời động viên liên lỉ kêu mời mọi người theo gót Chúa Giê-su và Mẹ Maria, đi theo con đường vâng phục như Chúa Giê-su và Mẹ Maria để được tiến vào nơi hạnh phúc muôn đời. đọc tiếp...
edit