Skip to main content

Hãy yêu thương nhau

Bạn thân mến, chỉ có tình thương mới đủ sức đóng góp xây dựng được điều tốt đẹp cho đời người trên trần gian và trong cõi đời đời.
A A+
color:
Hãy yêu thương nhau
Bạn thân mến, chỉ có tình thương mới đủ sức đóng góp xây dựng được điều tốt đẹp cho đời người trên trần gian và trong cõi đời đời.
Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
Radio Veritas Asia

Không một người cha nào muốn cho con cái trong gia đình ghét nhau và không thương nhau.

Quí vị và các bạn thân mến,

Thiên Chúa là Cha của chúng ta, là Cha của tất cả mọi người. Nếu chúng ta yêu thương kẻ khác vì những đức tính tốt của họ thì ít ra chúng ta cần cố gắng yêu thương họ vì họ cũng là con cái của một Cha trên trời.

Toàn thể nhân loại được liên kết chặt chẽ với nhau trong một đại gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Ðể giúp cho chúng ta được yêu mến anh chị em xung quanh dễ dàng hơn, Thiên Chúa Cha đã chọn đứng về phía anh chị em hay bị ghét bỏ, bị loại ra bên lề xã hội. Ngài che khuất những tật xấu, những bất toàn của họ và ra lệnh cho mỗi người chúng ta hãy nhìn thấy dung mạo Ngài nơi dung mạo của anh chị em xung quanh. Thiên Chúa Cha có thể nói với mỗi người chúng ta: Vì con yêu mến Cha, con cũng hãy yêu mến anh chị em, hãy tha thứ và trợ giúp họ; nếu con có tâm tình muốn trả thù thì con hãy để việc đó lại cho Cha, hãy tin tưởng vào Cha. Cha sẽ xét xử công bằng đối với tất cả mọi người. Phần con, hãy tha thứ cho họ và làm như thế con sẽ được phần thưởng trọng đại trên trời.

Phải, chúng ta kết thành một gia đình có một Thiên Chúa là Cha tất cả, vì thế chúng ta cần yêu thương nhau. Tình thương là dấu chỉ đặc biệt giúp đỡ kẻ khác nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu - cứ dấu này người ta sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau. (Ga. 13,35). Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói như sau: "Thầy ban cho chúng con một giới răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương chúng con thế nào thì chúng con cũng hãy yêu thương nhau như vậy".

Ðây là một mệnh lệnh chứ không phải là một lời khuyên, một nguyện ước. Ðây là một mệnh lệnh mỗi người chúng ta hãy vâng theo. Chúa Giêsu đã tóm gọn giáo huấn của Ngài về một giới răn duy nhất là tình yêu thương. Nếu chúng ta sống yêu thương nhau thực sự thì tất cả mọi hành động đều có một ý nghĩa và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, trở nên đáng sống, nếu chúng ta biết yêu thương nhau thì chúng ta sẽ gặp được niềm vui sống dù cho lúc đó chúng ta có phải nghèo khổ, bị bách hại đau yếu hay thất nghiệp. Nếu bạn không có niềm vui sống thì đây có thể là dấu chỉ có một sự trục trặc nào đó trong tình thương của bạn với anh chị em xung quanh. Chúng ta có thể không biết sống yêu thương anh chị em hoặc sống yêu thương họ không đúng cách. Một tác giả vô danh đã định nghĩa tình thương đối với anh chị em như sau:

* Tình thương là thinh lặng khi biết rằng những lời nói mình làm tổn thương.

* Tình thương là kiên nhẫn khi người bên cạnh có thái độ cộc cằn.

* Tình thương là câm điếc khi có gương xấu được đồn đãi.

* Tình thương là chú ý chăm sóc khi kẻ khác hoạn nạn, bất hạnh.

* Tình thương là sẵn sàng dấn thân khi bổn phận kêu gọi.

* Tình thương là can đảm khi gặp thử thách.

Thánh Phaolô cách đây gần hai ngàn năm đã mô tả tình thương bác ái cho các tín hữu cộng đoàn Côrintô như sau: người có đức ái thì nhẫn nại, nhân từ, không ganh tị, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không gian ác, không vui khi thấy sự bất công. Người có đức bác ái thì tha thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, chịu đựng mọi sự. (Cr. 13,4-7)

Bạn thân mến, chỉ có tình thương mới đủ sức đóng góp xây dựng được điều tốt đẹp cho đời người trên trần gian và trong cõi đời đời.

* * *

Lạy Chúa, xin đổ tràn Tình Yêu Chúa xuống trên tâm hồn chúng con, giúp chúng con sống bác ái với mọi anh chị em xung quanh.

Xin dạy con lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và nhìn thấy Chúa nơi dung mạo anh chị em để con đủ can đảm yêu thương họ và tha thứ như Chúa. Amen.

Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)

https://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau2/2phut072.htm
edit