Đủ và Thiếu
Đủ là một trạng thái của hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy. Là không còn và không cần gì hơn. Là nhìn về phía trước không lo lắng hoang mang. Là nhìn về phía sau không hối tiếc thở dài. Là không muốn đánh đổi hiện tại với bất cứ một điều gì.
Đủ là một trạng thái của hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy. Là không còn và không cần gì hơn. Là nhìn về phía trước không lo lắng hoang mang. Là nhìn về phía sau không hối tiếc thở dài. Là không muốn đánh đổi hiện tại với bất cứ một điều gì.
Nhưng để biết Đủ thật chẳng dễ chút nào. Bởi lòng người thì tham lam. Nhìn về phía trước luôn thèm thuồng những hào quang người khác. Muốn tương lai của mình phải gấp năm, gấp mười năm ngoái như những lời chúc Tết ta hay chúc nhau. Nhìn về những ngày đã qua lại hậm hực vì những thương tổn quá khứ, không buông bỏ được đi những hậm hực đó. Nghĩ về quá khứ luôn bằng những giá như, những giá mà mình biết trước.
Và với cả hiện tại, nhiều người, không bao giờ thấy Đủ. Luôn thấy mình Thiếu. Hoặc luôn thấy bạn đời của mình Thiếu. Con cái mình thế là chưa được. Bạn bè xung quanh mình thế là chưa được. Nhìn đâu cũng ra Thiếu sót. Là tháng nào trong 12 tháng cũng Thiếu ngày, năm nào cũng Thiếu tháng, ngày nào cũng không Đủ 24 giờ.
Sự Thiếu bắt đầu từ ham muốn được sơn phết lên thành những thứ giống như khát vọng, giống như mình là người luôn biết vươn lên. Có thể rất nhỏ từ chiếc xe 2 bánh muốn nó thêm 2 bánh nữa. Có thể là muốn chồng bạn, vợ bạn phải như thế này, như thế nọ bạn sẽ yêu anh ta, cô ta hơn. Có thể là tiếng thở dài khi nghe chuyện con nhà người ta và ước gì con mình… Đó là khi ta bắt đầu thấy Thiếu. Sống trong cảm giác Thiếu.
Thiếu. Là khi bạn thấy, bạn cảm thấy mình phải được nhiều hơn những gì bạn đang có, bạn muốn làm ít đi mà vẫn được nhiều hơn. Bạn thấy cái bạn mất mà không nghĩ tới cái bạn đã được.
Và bạn sống vì những thứ sắp có, sẽ có, muốn có nhiều hơn là sống cho những gì bạn đang có. Cuộc đời dài rộng lúc đó sẽ trở nên chật hẹp.
Đủ hay Thiếu? Xét cho cùng nó cũng là thứ định lượng cảm tính.
Và để không cảm thấy Thiếu, hãy biết định lượng lại những gì bạn đang có thay vì chỉ cân đo những điều bạn muốn có.
Nếu bạn chỉ nghĩ đến những thứ bạn MUỐN thì bạn sẽ không bao giờ thấy những thứ bạn CÓ.