Skip to main content

Thánh hóa lao động

Chính qua công việc làm ăn hằng ngày mà con người gặp gỡ Thiên Chúa, và cũng chính qua công việc hằng ngày đó mà con người gặp gỡ với tha nhân.
A A+
color:
Thánh hóa lao động
Qua lao động con người trở thành cộng sự viên của Thiên Chúa trong cuộc sống sáng tạo, đồng thời cũng góp phần vào chính công cuộc cứu rỗi của Ngài. Ðó là tiếng đáp trả cao cả nhất của con người với Thiên Chúa, cũng chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

Một người nông dân nọ làm ăn đến độ không còn thì giờ để vui hưởng cuộc sống. Một buổi sáng nọ, vừa thức giấc, ông nhìn qua cửa sổ thấy những cánh hoa phù dung vừa mới nở. Người đàn ông nghĩ bụng, ta hãy đi làm rồi chiều về ngắm hoa cũng còn kịp. Thế nhưng chiều về ông chỉ còn thấy những cánh hoa héo tàn.

Ngày hôm sau, người nông dân lại nghe có tiếng chim họa mi hót bên cửa sổ, ông cũng nghĩ bụng, bây giờ ta lại phải còn đi vắt sữa, chiều về ta lại đến bên cửa sổ để lắng nghe tiếng chim vẫn còn kịp. Nhưng chiều về, ông đến bên cửa sổ thì con chim họa mi đã vỗ cánh bay xa.

Ngày hôm sau, người nông dân cũng thức giấc, ông lại ngây ngất trước tiếng kêu hí của một con ngựa trắng bên cửa sổ, nó như mời gọi ông cỡi một vòng qua nông trại của ông. Người đàn ông cũng nghĩ thầm sẽ tìm được những giây phút thoải mái trên lưng ngựa, nhưng chiều về ông không còn thấy bóng dáng con ngựa trắng đâu cả.

Cứ thế, năm này qua năm nọ, cứ mỗi buổi sáng thức giấc, ông lại thấy không biết bao nhiêu kỳ diệu trong cuộc sống, nhưng rồi không bao giờ ông có được một giây phút thoải mái.

* * *

Thánh hóa lao động

* * *

Người nông dân trên đây có lẽ là hình ảnh của đa số các nước công nghiệp trên thế giới ngày nay. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, người ta phải tất bật với không biết bao nhiêu công việc và không ngừng phải tranh thủ với thời gian. Tốc độ qua nhanh của cuộc sống khiến cho con người như quay cuồng đảo điên, người ta không còn thì giờ để ăn uống và thưởng thức cuộc sống. Và cuối cùng, như một hệ luận không thể tránh được, nhiều người không còn thấy được đâu là ý nghĩa của cuộc sống, giá trị của những bôn ba lao nhọc vất vả của con người.

Thiên Chúa là chủ tể sự sống, Thiên Chúa là Ðấng hóa công quan phòng, Ngài luôn bảo tồn vạn vật và dẫn dắt con người, nhưng Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm, không chỉ có nghĩa là xin Ngài giúp sức hướng dẫn để đạt đến thành công, mà còn là quyết tâm để có một cái nhìn mới mẻ về công việc mình làm và nhất là tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy, phần lớn cuộc sống trần thế của Ngài như một người thợ mộc âm thầm tại Nazareth. Ngài không chỉ rao giảng trong ba năm sống công khai, Ngài không chỉ cứu chuộc nhân loại bằng cái chết trên Thập giá. Cuộc sống lam lũ và âm thầm như một người thợ mộc tại Nazareth cũng mang giá trị cứu rỗi và là một mạc khải về cuộc sống con người.

"Nếu Bí Tích là một gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, thì lao động dưới hình thức nào cũng là một Bí Tích. Chính qua công việc làm ăn hằng ngày mà con người gặp gỡ Thiên Chúa, và cũng chính qua công việc hằng ngày đó mà con người gặp gỡ với tha nhân. Qua lao động con người trở thành cộng sự viên của Thiên Chúa trong cuộc sống sáng tạo, đồng thời cũng góp phần vào chính công cuộc cứu rỗi của Ngài. Ðó là tiếng đáp trả cao cả nhất của con người với Thiên Chúa, cũng chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

* * *

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa với không biết bao nhiêu lo lắng vất vả sầu đau của chúng con qua từng việc làm hằng ngày, xin cho chúng con luôn biết sẵn sàng và gặp gỡ Chúa qua từng công việc mỗi ngày, xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng mở rộng tâm hồn để gặp gỡ tha nhân, xin cho chúng con được tìm thấy ý nghĩa và niềm vui đích thực trong công việc hằng ngày của chúng con. Amen.

Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

https://vntaiwan.catholic.org.tw/yeuthuong/thuong73.htm