Skip to main content

Chấp nhận vận mệnh của Chúa

Càng tiến lên trên con đường đức tin, càng khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình thì càng phải chấp nhận và sống mầu nhiệm thập giá.
A A+
color:
Chấp nhận vận mệnh của Chúa
Tinh thần hưởng thụ vật chất luôn đi ngược lại tinh thần thập giá, mà người đồ đệ được kêu gọi rao giảng và nhất là được kêu gọi sống trong chính đời sống của mình, để được giống Chúa Kitô một cách hoàn toàn hơn.
Chúa Giêsu và các Đồ Đệ
Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
vntaiwan.catholic.org.tw

Mối tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và các đồ đệ bao gồm việc cùng chia sẻ cuộc sống, cùng chấp nhận vận mệnh mà chính Chúa là Thầy mình phải trải qua. Ðây là một điều khó thực hiện đối với người đồ đệ, nhất là khi vận mệnh đó không phù hợp với những ước mong của mình. Các môn đệ đã hồ hởi bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa, trong giây phút đầu tiên được gọi. Họ hãnh diện vì những lời giảng dạy đầy uy tín và những phép lạ Chúa đã thực hiện để chứng tỏ quyền năng cao cả của Ngài. Ðã có lần họ có cao vọng sẽ được chia sẻ quyền hành và vinh quang, một thứ quyền hành và vinh quang trần gian, theo quan niệm còn trần tục của họ. Chính vì thế mà khi Chúa Giêsu mạc khải về vận mạng đau thương của Ngài, phải chịu chết trên thập giá để làm giá cứu chuộc con người, thì các ngài không thể hiểu được lời loan báo đó. Chúng ta còn nhớ thánh Phêrô đã lên tiếng ngăn cản Chúa, và đã bị Chúa khiển trách: Hãy lui ra khỏi Ta, vì con không suy tưởng theo cách thức Thiên Chúa, nhưng theo cách thức loài người. Phúc âm theo thánh Marcô, chương 8, câu 34-38, đã ghi lại như sau:

Ðoạn Chúa hội dân chúng và các môn đệ lại mà phán rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình và hãy vác thập giá mình mà theo Ta. Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất sự sống, còn ai mất sự sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ được sự sống. Chiếm được cả thế gian mà lại mất linh hồn nào được ích gì? Thật vậy, người ta lấy gì mà đổi được linh hồn mình? Kẻ nào hổ thẹn về Ta và về lời giảng dạy của Ta giữa dòng dõi gian dâm và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi Người đến trong sự vinh quang của Cha Người cùng với các thiên thần.


Trong thời gian huấn luyện các tông đồ, Chúa Giêsu hiểu rõ là các ngài không thể chấp nhận liền ngay sự thật về vận mệnh cuối cùng của Chúa. Họ khó lòng mà chấp nhận liền cái chết của Chúa trên thập giá. Vì thế Chúa Giêsu phải chuẩn bị các ngài. Chúa lợi dụng những giây phút thân mật riêng tư giữa Thầy và trò, để mạc khải và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Chúa. Phúc âm đã kể lại là Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của mình ba lần. Thập giá không phải là một cái gì bất ngờ, phụ thuộc, trong cuộc đời của Chúa, nhưng là điều chính yếu cần phải thực hiện với hết lòng yêu mến và vâng phục. Ðối với người đồ đệ cũng vậy, thập giá không phải là một rủi ro không ngờ trước được, nhưng là con đường bắt buộc phải đi qua, để chứng tỏ tình yêu và cứu rỗi. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác lấy thập giá mình hàng ngày mà theo Ta. Ai muốn giữ mạng sống mình thi sẽ mất nó. Ai liều mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sống và sống đời đời.”

Nhưng dù các môn đệ không hiểu, không chấp nhận mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu vẫn kiên trì giải thích.

“Con Người sẽ bị nộp trong tay con người. Nhưng sau khi chết Ngài sẽ sống lại.”


Cũng thế, dù con người không hiểu và không chấp nhận mầu nhiệm thập giá, nhưng người đồ đệ, noi gương Chúa và với sức mạnh nâng đỡ của Chúa, không được phép tránh né, hay im lặng bỏ qua không nói đến. Tinh thần hưởng thụ vật chất luôn đi ngược lại tinh thần thập giá, mà người đồ đệ được kêu gọi rao giảng và nhất là được kêu gọi sống trong chính đời sống của mình, để được giống Chúa Kitô một cách hoàn toàn hơn.

Cũng như các tông đồ ngày xưa, càng tiến lên trên con đường đức tin, thì họ càng phải nhìn nhận và sống gắn bó với mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu; ngày nay cũng vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta, càng tiến lên trên con đường đức tin, càng khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình thì càng phải chấp nhận và sống mầu nhiệm thập giá. Thánh Phaolô đã ý thức và đã sống sự thật này đến độ ngài mạnh mẽ tâm sự với các tín hữu Galata như sau:

“Tôi chỉ lấy làm hãnh diện nơi thập giá của Chúa Kitô mà thôi.”


Và nơi chương 2 thư Galata, câu 19, thánh Phaolô quả quyết mạnh mẽ thêm rằng:

“Tôi chịu đóng đinh mãi mãi với Chúa Kitô trên thập giá.”


Và nơi thư thứ nhất Côrintô, chương 2, câu 2, thánh Phaolô tuyên xưng:

“Tôi không muốn biết ai khác ngoài Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chịu đóng đinh.”


Ước chi mỗi người chúng ta cũng có thể tuyên xưng như vậy.

* * *

Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng giúp con tin nhận Chúa đã chịu chết trên thập giá để cứu chuộc mỗi người chúng con. Xin cho con đừng sống trong tinh thần nghịch lại thập giá của Chúa. Và mỗi lần gặp đau khổ thử thách, xin cho con biết nhìn lên và múc lấy sức mạnh từ thập giá Chúa. Amen.

Chúa Giêsu và các Đồ Đệ
Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
https://vntaiwan.catholic.org.tw/monde/8monde.htm