Skip to main content

Bạn làm gì khi gặp khổ đau?

Vậy mỗi khi gặp phải đau khổ gian nan, bước chân chúng ta chạy tìm nơi đâu để ẩn náu?
A A+
color:
Bạn làm gì khi gặp khổ đau?
Qua dòng thời gian, cái đau, cái khó, cái khổ cũng khác dần và lớn dần. Vậy mỗi khi gặp phải đau khổ gian nan, bước chân chúng ta chạy tìm nơi đâu để ẩn náu?
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P.
www.vietnamese.rvasia.org

- Trong đời sống, có khi chúng ta gặp phải những đau đớn về thể lý, có khi chúng ta phải chịu những nỗi đau về tinh thần, về tâm hồn. Chắc hẳn rằng, chẳng ai trong chúng ta yêu thích cảm giác đau đớn và bất an ấy. Căn bệnh tùy vào sự nặng nhẹ khác nhau nên cơn đau cũng rất khác nhau. Khác nhau, nhưng có một điều chung, đó là ta không thể đo lường chính xác mức độ của sự đau đớn. Do đó, ta không nên so sánh hay cho rằng cái đau nào hơn, cái đau nào kém. Vì thế, nỗi đau hay sự thống khổ về tinh thần cũng như trong tâm hồn lại càng là điều khó diễn đạt và đo lường. Không thể xác định được mức độ của sự đớn đau, thì chúng ta cũng chẳng thể nhận định về sự hơn kém. Thiết nghĩ điều quan trọng là thái độ để đối mặt và cách ứng phó với những nỗi đau của mỗi người như thế nào.

Thánh Vịnh 57 (56):

Ẩn náu bên Thiên Chúa

(1)Phần nhạc trưởng. “Xin đừng phá đổ”.
Của vua Ða-vít. Se sẽ. Khi ông chạy vào hang, trốn vua Sa-un.

(2) Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
xin Ngài thương xót con,
này con đến ẩn náu bên Ngài;
dưới bóng Ngài, này con ẩn náu,
tới khi nào hết tai họa khổ đau.

(3) Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,
Chúa ban ân phúc dồi dào cho tôi.

(4) Tự trời xanh, mong Người đưa tay giải thoát,
hạ nhục kẻ thù tấn công tôi.
Xin Chúa Trời gởi xuống
tình thương và lòng thành tín của Người.

(5) Tôi phải nằm giữa bầy sư tử, loài thú ăn thịt người;
nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,
lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.

(6) Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.

(7) Dưới chân con, chúng đã giăng lưới sẵn,
cho con phải mắc vào.
Trước mặt con, chúng đào hầm đào hố,
chính chúng lại sa chân.

(8) Con an lòng, lạy Thiên Chúa, con vững dạ an lòng,

(9) này con xin đàn hát xướng ca.
Thức dậy đi, hồn tôi hỡi,
thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm,
tôi còn đánh thức cả bình minh.

(10) Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ,
giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca.

(11) Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh,
và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm.

(12) Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.

đã dẫn chúng ta đến với một lời nguyện xin đầy tha thiết. Lời cầu xin được Thiên Chúa xót thương, cũng là lời van nài của một tâm hồn thống khổ. Lời cầu xin ấy được lặp đi lặp lại cho ta nhận ra sự tha thiết vang lên từ tâm hồn đầy đau khổ.

“Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
ㅤxin Ngài thương xót con.”

Nhưng không chỉ có thế, liền sau lời cầu xin tha thiết, ta có thể nhận ra được sự thành tâm khẩn nài của tâm hồn ấy qua cả hành động, khi người ấy thưa lên:

“Này con đến ẩn náu bên Ngài;
ㅤdưới bóng Ngài, này con ẩn náu,
ㅤtới khi nào hết tai họa khổ đau.”

Hình ảnh “ẩn náu” gợi cho ta hình ảnh của gà con chạy về nép mình dưới cánh che chở của gà mẹ mỗi khi gặp phải sự hoảng sợ, hay bị đe dọa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy từ “ẩn náu” rất gần với hình ảnh của đứa con nhỏ chạy ùa vào vòng tay của cha của mẹ để tìm sự chở che, vỗ về mỗi khi bị ngã đau, hay khi sợ hãi, bị bắt nạt.

Qua dòng thời gian, cái đau, cái khó, cái khổ cũng khác dần và lớn dần. Vậy mỗi khi gặp phải đau khổ gian nan, bước chân chúng ta chạy tìm nơi đâu để ẩn náu? Thánh vịnh 57 dạy tiếp:

“Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,
ㅤChúa ban ân phúc dồi dào cho tôi.”

Chúng ta hãy dừng lại để ngẫm nghĩ, khi một căn bệnh hiểm nghèo bất chợt được gửi đến cho ta, khi ta phải chịu đựng những đớn đau do tai nạn, bệnh tật, hay khi ta đối mặt với khó khăn, gian nan, khi những biến cố không ngờ ập đến khiến tâm hồn ta đau khổ, bất an... Ta đã từng phản ứng thế nào, hoặc ta sẽ làm gì nếu như những điều ấy xảy ra? Chạy trốn hay đối mặt?

Thờ ơ hay chạy trốn chỉ giúp chúng ta thoát khỏi cái đau trước mắt, nó không phải là giải pháp hiệu quả. Ngược lại, đối mặt và đón nhận những khó khăn, đau đớn, hướng lòng lên Chúa bằng sức mạnh từ bên trong, từ ý chí và từ đức tin. Chính nội lực này giúp ta vượt thắng được những đau khổ. Ðây chính là niềm tin mà mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi để sống để thực hành mỗi khi chúng ta đối mặt với sự đau khổ. Ðây là con đường cho ta chạy về mỗi khi chúng ta gặp nguy nan. Con đường trở về trong bàn tay quan phòng, yêu thương của Thiên Chúa. Hãy lấy kinh nghiệm của tác giả Thánh vịnh, đó là chạy về ẩn náu bên lòng xót thương của Chúa. Vì chính Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn bình an và nguồn ơn chữa lành.

“Xin Chúa Trời gửi xuống
ㅤtình thương và lòng thành tín của Người. (...)
ㅤLạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
ㅤvà chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.”

Vậy giờ đây, chúng ta hãy can đảm đối diện với con người mình, với lòng mình, với những nỗi đau, những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, và hãy gom góp tất cả những muộn phiền, yếu đau ấy mà dâng lên Chúa và thiết tha nguyện xin.

Lạy Chúa, chúng con hiểu rằng cuộc sống nơi trần gian này luôn ngập tràn những gian nan, khốn khó do bệnh tật, do những khổ đau giữa con người gây ra cho nhau, do những yếu đuối và tội lỗi của chúng con. Giờ đây chúng con nhận ra chỉ nơi Ngài chúng con tìm được nguồn bình an, hạnh phúc đích thật. Chúng con muốn cất cao lời ca thánh vịnh một lần nữa:

“Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,
ㅤChúa ban ân phúc dồi dào cho tôi.

Xin Chúa Trời gởi xuống
ㅤtình thương và lòng thành tín của Người.

Và lạy Chúa, chúng con xác tín rằng dưới cánh tay che chở của Chúa:

Con an lòng, lạy Thiên Chúa, con vững dạ an lòng.
ㅤtrước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ,
ㅤgiữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca.
ㅤVì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh,
ㅤvà lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm.
ㅤAmen.”