Đi tìm ý nghĩa của đau khổ
Thiên Chúa đã chuẩn bị những thứ tốt nhất để chúng ta có thể sống hạnh phúc. Đừng đánh mất đức tin khi gặp đau khổ, thử thách và những điều không thể hiểu được ở thế giới này.
www.gpbuichu.org
Thiên Chúa đã chuẩn bị những thứ tốt nhất để chúng ta có thể sống hạnh phúc. Đừng đánh mất đức tin khi gặp đau khổ, thử thách và những điều không thể hiểu được ở thế giới này. Sống trong một vũ trụ mênh mông nhiệm mầu, phận người chỉ mong manh và giới hạn như hạt bụi tro mà thôi. Một thai nhi trong dạ mẹ có thể dạy chúng ta một bài học lớn lao về ý nghĩa của đau khổ và sự dữ.
* * *
Đau khổ, một thực tại của cuộc sống nhân sinh
Hằng ngày, chúng ta bắt gặp biết bao nhiêu đau khổ, sự dữ và cái chết của con người. Nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, loạn lạc, thảm họa thiên nhiên… cứ xảy ra nơi này nơi khác. Tất cả đều khiến chúng ta băn khoản, khắc khoải, và tự hỏi tại sao chúng lại xảy ra? Tại sao Thiên Chúa không dẹp bỏ chúng đi? Phải chăng đau khổ, sự dữ và cái chết chẳng có ý nghĩa gì với con người?
Đừng vội kết luận những thứ không vừa ý đẹp lòng chúng ta đều vô nghĩa. Có rất nhiều thứ không thể hiểu được ý nghĩa của nó, vì chúng ta chưa đủ sức để hiểu, vì những giới hạn của bản thân, vì chưa mất nó nên chưa hiểu được giá trị của nó, vì đủ thứ lý do…
Người ta thường nói: Không ai hiểu được bản thân hơn chính mình. Vậy mà nhiều lúc chính chúng ta cũng không thể hiểu được bản thân mình, nói gì đến việc hiểu người khác và những thứ xảy đến xung quanh chúng ta. Thánh Phaolô cũng đã có kinh nghiệm này khi nói: điều tôi muốn thì tôi không làm, mà điều tôi không muốn thì tôi lại làm (x. Rm 9,17).
Quả thế, có biết bao nhiêu điều còn bị che kín trước tầm mắt giới hạn của chúng ta. Cũng như các môn đệ đứng trước mặt Chúa Giêsu phục sinh, nhưng lại không nhận ra Ngài (x. Lc 24,16; Ga 20,15). Chúng ta phải cầu nguyện và học hỏi thật nhiều, để có thể hiểu hơn về các mầu nhiệm đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
Thai nhi trong dạ mẹ dạy gì về ý nghĩa của đau khổ
Đối với một thai nhi trong dạ mẹ, thế giới của nó là cung lòng của người mẹ. Nó hoàn toàn không biết gì về thế giới mà chúng ta đang sinh sống. Nó tưởng chừng như mình đã hiểu được hết cái thế giới nhỏ bé trong dạ mẹ, nhưng thật ra, đâu phải như thế!
Ngày càng lớn, nó cảm thấy chật chội và khó chịu với cái dạ mẹ ngày càng nhỏ của mẹ nó. Và rồi, nó giãy nảy, lấy chân đạp, lấy tay đẩy bụng mẹ nó một cách bất lực. Nó không hiểu được những thứ nó đang sở hữu có ý nghĩa gì. Đôi tay dùng để làm gì; đôi chân, đôi mắt, đôi tai, con tim… dùng để làm gì. Dường như mọi thứ đang xảy ra xung quanh nó cũng thật vô nghĩa, khi thế giới nó đang sống chỉ toàn màu đen, có vẻ lỗn xộn, vô vị và nhàm chán.
Chỉ đến khi đã được sinh ra trong một thế giới khác (thế giới mà cha mẹ nó đang sống), nó mới hiểu được ý nghĩa của những gì nó đang có và những gì đã xảy ra với nó khi còn sống trong dạ mẹ. Nó cần có đôi tay để sinh hoạt, để biết cho đi. Nó cần có đôi chân để đi lại, để đến với người khác. Nó cần đôi mắt để yêu thương nhìn cuộc đời. Nó cần đôi tai để lắng nghe và học hỏi người khác. Nó cần con tim để duy trì sự sống và biết yêu thương…
Như thế, mọi sự Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nó trong dạ mẹ, cứ tưởng là dư thừa vướng víu, nhưng thật ra, đều rất cần thiết để nó bước vào một cuộc sống mới, một thế giới mới tốt đẹp hơn. Thử hỏi một đứa trẻ sinh ra mà không có những cơ quan như đôi tay, đôi chân, đôi mắt,… thì sẽ bất hạnh biết nhường nào?
Một cách tương tự, sống trên thế giới này, có rất nhiều điều mà chúng ta không thể hiểu được, đặc biệt là khi chứng kiến những đau khổ và cái chết đang xảy ra mỗi ngày. Và vì không thể hiểu được, nên chúng ta có xu hướng cho đó là dư thừa, vướng víu, không có thì tốt hơn… Những thực tại ấy dễ làm chúng ta đau khổ và mất niềm tin vào Thiên Chúa. Thật thế, chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của chúng khi bước vào thế giới mới, thế giới mà Thiên Chúa là Cha yêu thương đã dọn sẵn cho chúng ta.
Kinh nghiệm đau khổ của thánh Phaolô
Trong Kinh thánh Tân ước, có lẽ thánh Phaolô là người chịu nhiều gian nan khốn khổ nhất. Vì thế, ngài đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm hữu ích liên quan đến việc vượt thắng đau khổ.
Đọc trong các thư của thánh Phaolô, chúng ta bắt gặp nhiều gian khổ hơn là vui sướng. Với ngài, con đường làm môn đệ Chúa không phải là con đường trải trên nhung lụa. Theo Chúa và làm chứng cho Chúa là đi vào con đường hẹp, là vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Thánh Phaolô đã kể lại một số những gian khổ về thể xác và tinh thần mà ngài đã trải qua trong các cuộc hành trình truyền giáo:
“Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.” (2Cr 11, 24-27).
Có lần ngài phải thốt lên: “Tôi thật là một con người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,24-25). Mặc dù, đã nhiều lần ngài xin Thiên Chúa bỏ đi những cái gai, cái dằm đau khổ trong cơ thể và tâm hồn, nhưng rồi, ngài vẫn phải chịu. Nhiều lần vì đau khổ quá, ngài muốn đi tìm cho mình một sự giải thoát... Thế nhưng, đau khổ không thể nào dập tắt được niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Ngược lại, đau khổ đã giúp ngài vững tin hơn và khao khát được kết hợp với Chúa Kitô chịu khổ nạn hơn nữa.
Qua kinh nghiệm của thánh Phaolô, chúng ta nhận ra rằng việc cầu nguyện tự nó không làm đau khổ mất đi, nhưng giúp mình nhận ra được ý nghĩa và giá trị của những đau khổ mình đang chịu. Nhờ đó, chúng ta có đủ sức mạnh để tiếp tục vác thập giá trong sự yếu đuối của bản thân.
Chính trong cầu nguyện, thánh Phaolô nghe như có tiếng Chúa Giêsu an ủi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cr 12,9). Lạ thay, chính khi nhận thức được sự yếu đuối của mình trước đau khổ, thánh nhân cũng có đủ sức mạnh tinh thần và ý chí để tiếp tục chiến đấu với đau khổ. Thế nên, ngài rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của mình, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong ngài (x. 2Cr 12,9).
Như thế, Thiên Chúa không loại bỏ những cái gai đau khổ trong đời sống của chúng ta, nhưng Người ban cho chúng ta có đủ sức chịu đựng chúng với sự bình an giữa những xáo trộn, với hy vọng trong cảnh tuyệt vọng - bế tắc, với vui mừng dầu trái tim đang bị tan nát…
Tắt một lời, Thiên Chúa ban cho chúng ta có đủ khả năng để khẳng định như thánh Phaolô: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4,8-9). Tất cả bí quyết đều nằm trong việc cầu nguyện và trong sự tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô còn khẳng định với chúng ta: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4,17-18).
Thánh Phaolô đã thành công vượt qua được mọi gian truân khốn khổ và đã được Thiên Chúa và Giáo Hội tôn vinh. Ngài đã để lại rất nhiều kinh nghiệm hữu ích cho chúng ta, để dõi bước theo ngài. Ngài muốn chúng ta xác tín một điều tiên quyết như sau: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).
* * *
Lạy Chúa, xin cho con vững tin rằng Chúa làm mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa. Chúa đang chuẩn bị đầy đủ hành trang để con có thể hạnh phúc khi bước vào một cuộc sống mới, một thế giới mới tốt đẹp hơn thế giới này. Xin cho con biết tin tưởng vào sự quan phòng mầu nhiệm của Chúa, vì Chúa biết mình đang làm gì với những đứa con bé bỏng của Chúa. Amen.
https://gpbuichu.org/news/TU-LIEU/di-tim-y-nghia-cua-dau-kho-12958.html