Skip to main content

Duy trì bình an tâm hồn

Chúng ta phải duy trì sự bình an nội tâm nếu chúng ta muốn thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa.
A A+
color:
Duy trì bình an tâm hồn
Chúng ta phải duy trì sự bình an nội tâm nếu chúng ta muốn thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa.
EDWARD KERWIN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

www.thanhlinh.net

Thánh Phanxicô Salê khuyên: “Đừng đánh mất sự bình an nội tâm của bạn vì bất cứ điều gì, ngay cả khi thế giới của bạn có vẻ xáo trộn.” Những lời này bao hàm cốt lõi của đời sống thiêng liêng, không chỉ thúc giục chúng ta luôn ở trong tình trạng ân sủng mà còn luôn giữ lòng kiên nhẫn chờ đợi lời Chúa. Chúng ta phải duy trì sự bình an nội tâm nếu chúng ta muốn thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa.

Sự bình an này không phát sinh từ việc tham gia vào cái gọi là “thiền định,” một dạng khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Những cách thực hành như thế để tìm kiếm bình an từ bản thân hoặc thế giới. Nhưng sự bình an nội tâm đích thực mà thế giới không thể ban tặng chỉ đến từ Thiên Chúa. (x. Ga 14:27) Với sự bình an này, chúng ta không cho phép những ý tưởng xấu tấn công chúng ta. Chúng ta giống như những người lính sẵn sàng nghe mệnh lệnh của Chúa và thi hành ngay.

Chúng ta mất sự bình an nội tâm nếu chúng ta phạm tội trọng, chúng ta phải kiên quyết đi xưng tội trước khi lấy lại bình an tâm hồn. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh mất sự bình an trong khi vẫn ở trong tình trạng ân sủng khi suy nghĩ về tội mình, đặc biệt khi cố gắng phân biệt xem chúng ta có đồng ý phạm tội hay không. Nhưng nếu chúng ta cố gắng kiểm tra lương tâm của mình khi bị vẩn đục, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự sáng tỏ. Vả lại, trong những lúc đó, chúng ta nên thôi nghĩ về tội lỗi, chuyển sự chú ý ra khỏi bản thân và hướng về Thiên Chúa. Ngài đã ra lệnh cho chúng ta thực hiện chính xác điều này thông qua Tôi Tớ Chúa Dolindo Ruotolo, khi ngài được Chúa mặc khải Tuần Cửu Nhật Dâng Mình (Surrender Novena). Nếu chúng ta tự tin chuyển sự chú ý khỏi tội lỗi và bản thân và hướng về Thiên Chúa, ma quỷ không có cách nào xâm nhập lý trí và cảm xúc của chúng ta. Bằng cách duy trì sự ngoan ngoãn nội tâm đối với Chúa Thánh Thần, chúng ta cho phép Ngài hướng dẫn chúng ta làm theo ý Ngài.

Trong trường hợp những người đang chiến đấu với sự đắn đo, dè dặt, hoặc thiếu chân thành tin tưởng Thiên Chúa, việc đạt được và duy trì sự bình an nội tâm có thể khó khăn hơn nhiều. Nếu chúng ta kiểm tra lương tâm khi chúng ta nghĩ mình có ít nhất sự rõ ràng nào đó và nghĩ mình không phạm tội trọng, chúng ta có thể tin rằng chúng ta đã không phạm bất kỳ tội nào. Tuy nhiên, những cám dỗ này, cũng như cám dỗ về sự tuyệt vọng, có thể tiếp tục làm khổ chúng ta ngày này qua ngày khác. Nhưng điều này ít nhất sẽ không gây rắc rối cho chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa cho phép những ai mà Ngài muốn kết hiệp sâu sắc hơn với Ngài trải qua những thử thách đó, để họ gắn bó chỉ với một mình Ngài: “Đức Chúa không trừng phạt chúng ta, nhưng đánh phạt những ai đến gần người, để cảnh cáo.” (Gđt 8:27)

Vì vậy, đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là đối với những người đắn đo, ngại ngùng, chúng ta đánh mất sự bình an nội tâm khi gắn bó với điều gì đó không phải là Thiên Chúa. Trong một số trường hợp, những quyến luyến này có thể dễ dàng nhận ra: thực phẩm, nhục dục, tiền bạc, lời khen,... Nhưng trong các trường hợp khác, chúng có thể tinh vi hơn. Ví dụ, một người dè dặt có thể bị ám ảnh bởi sự rõ ràng về trạng thái linh hồn của mình để có thể cảm thấy tự tin về tâm linh. Tuy nhiên, ngay cả mong muốn đó cũng là sự gắn bó với điều gì đó ngoài Thiên Chúa, do đó nó có thể khiến chúng ta mất sự bình an nội tâm. Vì vậy, duy trì sự bình an đích thực đi đôi với việc tách mình ra khỏi mọi người và mọi thứ trên đời này, đến mức chúng ta không trông cậy vào bất cứ ai ngoài Thiên Chúa.

Trong những lúc bị cám dỗ nghiêm trọng, bất kể chúng xảy ra thường xuyên hay thi thoảng, chúng ta thường cố gắng tạo cho mình sự thanh thản trong tâm hồn – điều mà chúng ta không thể làm được. Vì sự bình an nội tâm mà chúng ta tìm kiếm này “vượt qua mọi sự hiểu biết,” và do đó, chỉ do Thiên Chúa ban cho. (x. Pl 4:6) Vì vậy, chúng ta không nên cố gắng đạt được điều đó một mình, đặc biệt là trong những lúc bị cám dỗ, khi cảm xúc và thậm chí cả lý trí của chúng ta có thể bị tổn hại. Hơn nữa, chúng ta nên hết sức chống lại những cám dỗ này, phó thác cuộc chiến đấu của chúng ta cho Thiên Chúa và Đức Mẹ – Nữ Vương Hòa Bình, rồi tiếp tục sống. Nếu ma quỷ không thể trực tiếp lôi kéo chúng ta phạm tội, nó sẽ cố gắng xui khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo lắng vì bị cám dỗ nào đó, rồi lo lắng vì đã lo lắng về sự cám dỗ, v.v... Chúng ta không thể tự phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực dâng ý muốn của mình cho Thiên Chúa và hết lòng tin cậy vào lòng thương xót của Ngài.

Thánh Inhaxiô Loyola nói về lý luận ngụy biện mà chúng ta thường tự lừa dối mình. Chúng ta không nên cố ý “giả nai,” làm như không biết gì, mà hãy khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình, rằng tất cả lý do đúng đắn chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Thánh Inhaxiô nêu ra ba lý do Thiên Chúa có thể cho phép chúng ta trải nghiệm sự hoang vắng thiêng liêng: Thứ nhất, vì chúng ta đã hững hờ và lười biếng trong việc thực hành lòng đạo đức; thứ hai, vì Thiên Chúa muốn thử thách để chúng ta chứng tỏ lòng trung tín; thứ ba, vì Thiên Chúa muốn chúng ta hoàn toàn tin cậy Ngài và hiểu rằng “không có Ngài thì chúng ta không thể làm gì được.” (x. Ga 15:5) Trong cả ba nguyên nhân đó, chúng ta cần kiên trì lãnh nhận các bí tích và thường xuyên tham dự Thánh Lễ. Nếu chúng ta làm vậy, cùng với quyết tâm kiên định luôn làm theo Ý Chúa, chúng ta nên tin rằng chúng ta đang làm vui lòng Ngài.

Dĩ nhiên, chúng ta không được tự hào vì những cuộc đấu tranh của mình, kẻo chúng ta nghĩ rằng chúng ta là thánh, vì đó là cách khác ma quỷ cố làm cho chúng ta sa ngã. Nhưng sự bình an thực sự lại một lần nữa chinh phục những nỗi sợ hãi. Tâm hồn bình an đi theo con đường bình an bằng cách kiên trì phó thác nơi Thiên Chúa, nhờ Mẹ Maria, và không còn băn khoăn. Khi hiểu rằng Chúa muốn nó phải chịu thử thách để đưa nó đến gần Ngài hơn, linh hồn nhận ra rằng điều này không phải vì giá trị riêng của nó (vì nó xứng đáng với Hỏa Ngục), mà là vì tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho nó, và vì Ngài tràn đầy ước muốn bày tỏ lòng thương xót. Sự nhận biết này lại làm cho linh hồn khiêm nhường vì nhận ra là thụ tạo của Người Cha yêu thương vô cùng.

Ma quỷ là “kẻ tố cáo” và sẽ luôn cố gắng dẫn dắt chúng ta đến tội lỗi. (x. Kh 12:10) Đừng chú ý đến nó, hãy chú ý đến Thiên Chúa và Đức Mẹ. Nếu chúng ta đã phạm tội, đặc biệt là tội trọng, chúng ta phải đi xưng tội. Nếu chúng ta đã làm tổn hại ai đó mà việc sửa chữa có ý nghĩa về mặt thể chất, chúng ta nên sửa chữa điều đó. Nếu đang gặp thử thách, chúng ta phải kiên trì đến cùng. Nhưng trong tất cả mọi việc, chúng ta phải duy trì sự bình an nội tâm của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể thích tội nhẹ nhất hơn là chết. Chúng ta phải yêu sự chết trước khi phạm tội. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng. Thay vào đó, chúng ta hãy luôn tâm niệm: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”

EDWARD KERWIN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

http://www.thanhlinh.net/node/158011
edit