Skip to main content

Tư duy tích cực về người khác

Sự thấu cảm chắc chắn sẽ giúp chúng ta và các mối tương quan lớn lên, giúp đôi bên mỗi ngày một nên hoàn thiện.
A A+
color:
Tư duy tích cực về người khác
Nếu có con tim đủ lớn, chúng ta dễ dàng có cái nhìn tích cực và bao dung đối với người khác. Khi ấy, chúng ta dễ dàng đón nhận người khác như họ là, đón nhận những ưu điểm và cả những giới hạn của họ.
Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh
Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 38
www.tgpsaigon.net

Người nông dân kia có một con lừa. Ông ta quý nó vì nó giúp ông nhiều việc. Ngày kia, chú lừa chẳng may bị rơi xuống một cái giếng. Vì giếng sâu, nên dù đã cố gắng hết mức, người nông dân vẫn không đem được chú lừa lên. Nghe thấy tiếng rên não lòng của chú lừa, còn mình thì hoàn toàn bất lực, người nông dân quyết định giúp chú lừa sớm chấm dứt tình trạng thê thảm đó. Vừa buồn, vừa thương, ông vẫn buộc phải hất từng xẻng đất xuống giếng, phủ lên lưng chú lừa. Ban đầu, chú lừa tỏ vẻ kinh ngạc trước sự “độc ác” của ông chủ, nhưng sau đó chú ta lại vui mừng. “Hất xuống và bước lên” là câu thần chú mà chú lừa đã ngộ ra. Thế là giếng sâu trở nên nông dần, và từng bước, từng bước, chú lừa đã thoát khỏi cái giếng tử thần, tưởng đã là mồ chôn sống chú. (Sưu tầm)

* * *

Đặt mình vào vị trí con lừa, có lẽ chúng ta cũng sẽ dễ dàng nghĩ “xấu” cho ông chủ. Cuộc sống quả thật có nhiều cái chúng ta thấy bên ngoài và thực chất bên trong hoàn toàn khác nhau. Thế nên, hãy có cái nhìn bao dung, thiện cảm và tích cực về người khác. Nếu chúng ta có cái nhìn tích cực như vậy, chắc hẳn, chúng ta cũng sẽ cư xử với người khác theo cách thế như vậy. Đến lượt người khác, họ cũng sẽ dễ dàng trao ban cho chúng ta cách xử sự thấm đượm tình người.

Quy luật “bạc”: “Điều mình không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác.” (Khổng Tử)

Chẳng ai muốn người khác nói xấu, nghĩ xấu, hoặc cư xử tồi tệ với mình. Thế nên, trước hết mình cũng hãy tránh xa những thái độ tiêu cực đó trong tương quan với người khác.

Đừng ghen tị trước thành công của người khác. Thấy ai thành công và có những đức tính tốt thì noi gương họ, học hỏi nơi họ.

Đừng vui khi người khác lâm cảnh hoạn nạn. Niềm vui như thế không phải là niềm vui lành thánh, nhưng là “niềm vui của con cái ma quỷ”. Chúng ta cũng có thể học hỏi được những kinh nghiệm từ thất bại của người khác. Hãy là những người có lòng cảm thông chân thành khi người khác đang phải đối diện với những tai ương, hoạn nạn.

Quy luật “vàng”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6,31)

Quy luật “bạc” thường dừng lại ở mức không làm điều gì xấu cho người khác. Quy luật “vàng” thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn nữa. Đó là chủ động làm điều tốt cho người khác. Nói tốt, nghĩ tốt và nhất là cư xử đầy lòng nhân ái đối với người khác. Nếu ta mỉm cười với đời, với người, thì cuộc đời và con người cũng sẽ đáp lại chúng ta bằng một nụ cười, vì đời được ví như là một chiếc gương soi.

Đừng ngại khen người khác cách chân thành, nhưng cũng cần tránh thái độ nịnh nọt giả tạo. Khen ngợi người khác không hề làm giảm giá trị của chúng ta, trái lại, nó giúp người và giúp cả ta cùng thăng tiến. “Ai khen ta làm sự phải, đó là bạn ta.” Hãy là một người bạn tốt và chân thành với những người xung quanh.

Góp ý huynh đệ

Tư duy tích cực về người khác mời gọi chúng ta tiến xa nữa. Khen ngợi cách chân thành, điều này không khó. Nhưng, góp ý chân thành ư? Khó đấy! Vì ai cũng ngại đụng chạm, ngại bị người khác hiểu lầm: “Anh hay bằng ai mà lên mặt dạy đời, mà góp ý cho tôi?” Tuy nhiên, “Ai chê ta làm sự trái, đó là thầy ta.” Để thật sự trở thành một người “thầy” như thế, không dễ chút nào. Tuy vậy, một tình bạn chân thành mời gọi chúng ta hãy góp ý chân thành cho nhau để giúp nhau cùng thăng tiến. Góp ý mà không nhằm hạ giá người khác, cũng không nhằm đánh bóng bản thân.

Là người đi góp ý cho người khác. Ngoài nội dung góp ý, chúng ta còn phải lưu tâm nhiều đến cách thức, nơi chốn và thời điểm góp ý, sao cho người nghe dễ dàng đón nhận lời chúng ta góp ý.

Là người nhận được lời góp ý từ người khác. Chúng ta hãy lưu tâm nội dung được góp ý cho chúng ta. Trong mọi trường hợp, hãy luôn bày tỏ lòng cám ơn. Nếu góp ý đúng, chúng ta hãy khiêm tốn sửa sai bản thân. Nếu có hiểu lầm nào đó, chúng ta cũng hãy nhã nhặn giải thích để gỡ bỏ những gút mắt.

Tóm lại, nếu có con tim đủ lớn, chúng ta dễ dàng có cái nhìn tích cực và bao dung đối với người khác. Khi ấy, chúng ta dễ dàng đón nhận người khác như họ là, đón nhận những ưu điểm và cả những giới hạn của họ. Một sự thấu cảm như thế chắc chắn sẽ giúp chúng ta và các mối tương quan lớn lên, giúp đôi bên mỗi ngày một nên hoàn thiện.

Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh
Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 38
https://tgpsaigon.net/bai-viet/tu-duy-tich-cuc-ve-nguoi-khac-60418

Tư duy tích cực về bản thân

Hy vọng đây là bước đầu để chúng ta đi đến thành công. Có sự bình an nội tâm, hạnh phúc, và nhất là có được cuộc sống mà chúng ta hài lòng về nó. đọc tiếp...
edit