Skip to main content

Khơi dậy đức tin âm ỉ của chúng ta

Thiên Chúa hẳn đang kiên nhẫn chờ đợi và sẽ đến trong đời chúng ta, theo cách của Ngài, chứ không phải theo cách của chúng ta.
A A+
color:
Khơi dậy đức tin âm ỉ của chúng ta
Đôi khi đức tin chúng ta cần được khơi dậy trong cốt lõi để đức tin đó được sống động và hiệu lực. Nhưng làm sao để được thế? Làm sao ta khơi dậy trở lại ngọn lửa đức tin của mình?
RONROLHEISER,OMI
www.ronrolheiser.com

Bất kỳ ai từng xem một đám cháy đều biết đến một lúc ngọn lửa sẽ nguội đi và biến mất, thành than, rồi cuối cùng lạnh dần và trở thành tro tàn. Nhưng trong tiến trình đó, có một thời điểm, trước khi nguội hẳn, những khối than có thể âm ỉ đến nổi bùng cháy thành ngọn lửa trở lại.

Đấy là hình ảnh mà thánh Phaolô dùng để thúc giục chúng ta thắp lại ngọn lửa đức tin khi chúng dường như đang lụi tàn. “Tôi nhắc anh em hãy khơi dậy ngọn lửa ơn Chúa từng được trao cho anh em.” Đúng là một hình ảnh đầy ý nghĩa. Đôi khi đức tin chúng ta cần được khơi dậy trong cốt lõi để đức tin đó được sống động và hiệu lực. Nhưng làm sao để được thế? Làm sao ta khơi dậy trở lại ngọn lửa đức tin của mình?

Ta khơi dậy ngọn lửa đức tin bằng cách đưa mình trở về cội rễ lần nữa. Dù cho đức tin là một ơn Chúa ban, nhưng đôi khi thật hữu ích nếu ta đi lại con đường và xem xét những tác động trần thế nào đã giúp gầy dựng đức tin trong ta.

Ai và điều gì đã giúp đưa đức tin đến với ta? Dĩ nhiên, đây là một câu hỏi vô cùng riêng tư mà chỉ có chúng ta mới trả lời được cho mình. Với tôi, khi lần trở lại và tìm đến gốc rễ đức tin của mình, tôi tập trung vào vài điểm.

Thứ nhất, là đức tin và chứng tá của bố mẹ tôi, một điều vô cùng quan thiết. Đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc đời bố mẹ tôi, và ông bà đã làm mọi việc có thể để bảo đảm con cái mình là chúng tôi cũng thấy rõ đức tin như thế. Và cuộc sống của bố mẹ tôi chưa bao giờ đi ngược đức tin của họ. Đấy là một chứng tá mạnh mẽ và và là một món quà vô giá.

Rồi còn có chứng tá của giáo xứ tôi, một cộng đoàn nhập cư nông thôn, đủ nhỏ để mọi người đều biết nhau, biết niềm vui nỗi buồn của nhau và có thể chia sẻ với nhau trong đức tin, dù cho không phải lúc nào cũng nồng hậu hết mực. Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ, và trong trường hợp tôi là cần cả một giáo xứ. Khi lớn lên, tôi có thể nhìn quanh nhà thờ, và thấy hầu hết những người tôi quen biết, dù thân hay không thân, đều đang quỳ gối trong cùng một đức tin. Ngày nay, đó là chuyện hiếm, và tôi xem đó là món quà lớn tôi đã nhận được.

Tiếp đến là chứng tá dấn thân và đức tin của các xơ Dòng Ursula, những người đã đến vùng nông thôn chúng tôi để dạy trong các trường công. Các sơ không chỉ dạy chữ mà còn dạy giáo lý cho chúng tôi nữa. Đến tuổi thiếu niên, tôi đã học được hai quyển giáo lý và nắm bắt rõ ràng những kiến thức về đức tin của mình, một món quà mà về sau tôi mới nhận ra được tầm quan trọng của nó.

Cuối cùng, một điều đã ghi khắc cội rễ bền vững sâu sắc trong lòng tôi, chính là tiếng Chúa trong thuở thiếu thời. Thuở thiếu thời, tôi nghe tiếng Chúa mạnh mẽ và rõ ràng trong lòng. Tôi phải thừa nhận, có nhiều điều mà lúc đó tôi xem là tiếng Chúa, thật ra chỉ là những tiếng nói của sợ hãi, rụt rè, cục bộ, và cái tôi tự đại của mình. Nhưng phải thừa nhận, cũng có tiếng Chúa, rõ ràng, không thể chối cãi. Tôi biết thế vì phần nhiều những nỗi sợ, rụt rè, cục bộ, và cái tôi của tôi đã biến mất từ lâu, nhưng tiếng Chúa thuở thiếu thời vẫn còn trong tôi.

Tuy nhiên, đôi khi tiếng đó có thể khá lặng lẽ, và cảm giác như đó chỉ là tiếng nói của sự ngây thơ thuở nhỏ, như Ông già Noel, Thỏ Phục Sinh, và Chúa Giêsu, chứ không phải là một điều có thực hoặc từng rất có thực. Với tôi, cũng như với tất cả mọi người, đôi khi trí tưởng tượng và tính hiệu lực của đức tin bị cằn khô đến nỗi những bận tâm của tôi chiếm hết chỗ của Chúa. Lúc đó tôi cần phải khơi dậy khối than âm ỉ của đức tin bằng cách đi lại hành trình để đưa bản thân tôi vào lại đức tin của bố mẹ, vào những gì ghi khắc trong lòng tôi nhờ cộng đoàn giáo xứ, vào những chứng tá và giáo lý mà các sơ Dòng Ursula đã dạy tôi, và vào tiếng nói thần thiêng sâu sắc rõ ràng đã vang lên trong tôi và hướng dẫn tôi thuở thiếu thời.

Hành trình đi ngược trở lại này có thể hữu ích cho hầu hết mọi người, nếu biết để ý một điều. Cảm giác như Thiên Chúa im lặng trong cuộc đời người trưởng thành của ta, thật ra đó có thể là một cách Chúa hiện diện sâu sắc hơn, chứ không phải là sự đi xuống của đức tin. Thuở thiếu thời, tiếng Chúa thường rõ ràng, nhưng về sau, sự rõ ràng đó nhường đường cho “đêm tối tâm hồn” như lời các nhà thần nghiệm. Và khi đó sự thiếu vắng Thiên Chúa không phải là vấn đề mất đức tin nhưng là một sự hiện diện mới mẻ, phong phú hơn và bớt hình tượng của Thiên Chúa trong đời chúng ta. Sự sốt sắng không phải lúc nào cũng là dấu chỉ của một đức tin sâu sắc, cũng thế sự thiếu vắng Thiên Chúa không nhất thiết là dấu hiệu của một đức tin đi xuống. Thiên Chúa hẳn đang kiên nhẫn chờ đợi và sẽ đến trong đời chúng ta, theo cách của Ngài, chứ không phải theo cách của chúng ta.

Dù cho như thế, chúng ta vẫn cần nghe theo lời thánh Phaolô: “Tôi nhắc anh em hãy khơi dậy ngọn lửa ơn Chúa từng được trao cho anh em.”