Skip to main content

Lắng nghe Chúa trong tĩnh lặng bình an

Lẽ tự nhiên là sự tĩnh lặng bên ngoài không chỉ là lời mời gọi sống nội tâm, mà còn là điều kiện cần thiết cho đời sống tương giao mật thiết với Chúa.
A A+
color:
Lắng nghe Chúa trong tĩnh lặng bình an
Chúng ta hãy suy niệm về sự tĩnh lặng của Chúa Giêsu và cố gắng tái hiện điều đó trong tâm hồn để chúng ta có thể bắt chước trong cuộc sống của chúng ta.
Luis M. Martinez
Trầm Thiên Thu (Chuyển Ngữ)
www.thanhlinh.net

Một trong những đặc điểm đáng ngưỡng mộ nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô là sự tĩnh lặng, Ngài là Thầy và Gương Mẫu của chúng ta. Tất cả các mầu nhiệm về cuộc đời trần thế của Ngài và mầu nhiệm khôn tả về cuộc đời Thánh Thể của Ngài đều có dấu ấn này: dấu ấn tĩnh lặng của Thiên Chúa.

Giáo Hội cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã đến thế giới này giữa sự tĩnh lặng của vũ trụ: “Trong khi sự tĩnh lặng nhẹ nhàng bao trùm vạn vật, và màn đêm mau chóng trôi qua một nửa, Lời toàn năng của Ngài đã nhảy vượt từ Thiên Đàng, từ ngai vàng.” Ba mươi năm đầu trong đời Chúa Giêsu được bao bọc trong sự tĩnh lặng đầy ấn tượng, sau đó là ba năm công khai của Ngài. Đó là thời gian để nói, thời gian để giao tiếp với loài người. Tuy nhiên, ngay cả thời kỳ này cũng chứa đựng những điều kỳ diệu của sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng là đặc điểm trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô đến nỗi tiên tri đã nhận xét: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” (Is 53:7)

Trong đời sống Thánh Thể của Ngài, sự tĩnh lặng khôn dò bao trùm Thánh Thể lại không gây ấn tượng sâu xa cho chúng ta và thông truyền cho chúng ta khi chúng ta đến gần sao?

Sự tĩnh lặng không được coi là đức tính tốt, nhưng đó là bầu không khí mà các đức tính phát triển trong đó. Đồng thời, đó là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành. Vì vậy, giống như chúng ta biết rằng khi những bông lúa mì vàng óng xuất hiện trên cánh đồng thì hạt đã chín, cũng vậy, khi một nhân đức nhuốm màu tĩnh lặng, chúng ta nhận thấy rằng nó đang đạt đến độ chín mùi.

Chúng ta hãy suy niệm về sự tĩnh lặng của Chúa Giêsu và cố gắng tái hiện điều đó trong tâm hồn để chúng ta có thể bắt chước trong cuộc sống của chúng ta.

HỌC CÁCH TĨNH LẶNG NỘI TÂM


Chúng ta hãy xem xét sự tĩnh lặng của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời ẩn dật của Ngài, tức là ba mươi năm đầu đời của Ngài. Sự tĩnh lặng này thực sự không thể giải thích được. Nếu đã từng có một người đàn ông có quyền nói, với tất cả những tài năng để thu hút sự chú ý, những phương tiện để tạo ra sự khuấy động, thì người đó chính là Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Lời Vĩnh Hằng của Chúa Cha, Đấng Khôn Ngoan tự hữu, Vị Thầy mà con người đã chờ đợi trong nhiều thế kỷ. Chắc chắn, nếu có bất kỳ sự kiện đơn lẻ nào trong lịch sử đáng được khuấy động vì lợi ích của nó thì đó chính là việc Chúa Kitô đến sống giữa chúng ta. Nhưng thay vào đó, sự tĩnh lặng bao trùm ba mươi năm đầu trong đời Ngài.

Khi nói với chúng ta về những năm này, Tin Mừng đã hạn chế, gần như im lặng. Nhiều khi chúng ta muốn biết thêm một chút các mầu nhiệm về thời thơ ấu của Chúa Giêsu để nuôi dưỡng lòng đạo đức của chúng ta. Nhưng Phúc Âm chỉ thỉnh thoảng đề cập các giai đoạn trong những năm đầu trong đời Ngài. Một vài trang đề cập cuộc đời ẩn dật của Ngài, và mỗi sự kiện được đề cập, giống như tiếng thì thầm nghe thấy trong cánh đồng yên tĩnh, nhấn mạnh và làm nổi bật sự tĩnh lặng hơn là phá hủy nó: sự tôn thờ của các đạo sĩ, cuộc chạy sang Ai Cập, việc lên Đền Thờ – ba sự kiện không làm xáo trộn sự tĩnh lặng của cuộc sống ẩn dật, nhưng làm cho nó rõ ràng hơn.

Chúng ta cảm thấy sự tĩnh lặng này một cách đặc biệt trong ngôi nhà Nadarét. Đó là “ngôi nhà tĩnh lặng,” chúng ta không thể hình dung nó theo bất kỳ cách nào khác. Chính sự nhắc đến nó đã giữ tâm hồn chúng ta trong sự tĩnh lặng. Khi chúng ta suy ngẫm về các bí ẩn có ở đó, chúng ta cảm thấy rằng tất cả những người sống ở đó đều tĩnh lặng một cách thiêng liêng.

Về Thánh Giuse, không lời nào của ngài được Tin Mừng cho biết, và chúng ta không thể hình dung ra ngài ngoài việc say mê trong sự tĩnh lặng chiêm ngưỡng các mầu nhiệm diễn ra xung quanh ngài.

Đức Trinh Nữ Rất Thánh cũng tĩnh lặng, với sự tĩnh lặng ngạc nhiên và yêu thương mà sự hiện diện của Chúa Giêsu đã tạo ra nơi Mẹ, sự tĩnh lặng được gia tăng bởi ánh sáng thánh thiện của Ngài và bởi các mầu nhiệm mà Mẹ đã chứng kiến và tham gia. Tin Mừng trình bày lời tuyên bố mầu nhiệm cho phép chúng ta có cái thoáng nhìn về vực thẳm của sự tĩnh lặng và chiêm niệm trong trái tim của Đức Trinh Nữ Rất Thánh. Sau khi thuật lại các mầu nhiệm đó, Tin Mừng cho biết thêm: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2:51) Đức Mẹ không thảo luận với Thánh Giuse, nhưng Đức Mẹ giữ riêng và suy ngẫm về những điều ấy trong lòng.

Chúa Giêsu, nhất là khi làm việc trong xưởng mộc của Thánh Giuse, hẳn đã sống một cuộc đời âm thầm với tâm hồn và trái tim đắm đuối vào Cha trên trời, linh hồn và trái tim Ngài kết hợp với nhau để báo trước cho chúng ta, mơ những giấc mơ yêu thương và đau khổ, nghĩ về vinh quang Ngài sẽ dâng cho Chúa Cha và điều tốt lành Ngài sẽ làm cho các linh hồn. Linh hồn Ngài bị cuốn hút vào những mầu nhiệm của Vương Quốc Thiên Đàng. Theo tôi thấy, sự tĩnh lặng này là sự tĩnh lặng chiêm niệm, sự tĩnh lặng của đời sống nội tâm.

TĨNH LẶNG VÀ TẬP TRUNG


Thậm chí nói một cách tự nhiên, sự tĩnh lặng mời gọi chúng ta tập trung vào chính mình và suy nghĩ về những điều nghiêm túc và sâu sắc. Ví dụ, khi chúng ta ở trong rừng, trên đại dương hay trong sa mạc, chúng ta cảm thấy cần phải tập trung, nhớ lại bản thân. Cấu trúc tâm lý của chúng ta là như vậy, tiếng ồn buộc chúng ta ở bên ngoài bản thân, làm chúng ta mất tập trung và phân tán sức mạnh của chúng ta, nó buộc tinh thần của chúng ta phải lướt qua những thứ bên ngoài. Nhưng khi sự tĩnh lặng chiếm ưu thế, chúng ta lại tập trung, một lần nữa chúng ta sống nội tâm.

Theo quy luật tâm lý này, chúng ta cần phải sống nội tâm để sống với Chúa, vì chúng ta luôn tìm thấy Chúa trong nội tại của tâm hồn mình. Lẽ tự nhiên là sự tĩnh lặng bên ngoài không chỉ là lời mời gọi sống nội tâm, mà còn là điều kiện cần thiết cho đời sống tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Bầu khí của đời sống nội tâm, của đời sống chiêm niệm, là sự tĩnh lặng; do đó, các bậc thầy về đời sống tâm linh rất khuyến khích điều đó. Vì thế, đó là một trong những việc tuân thủ cơ bản nhất của đời sống tôn giáo.

Để sống đời chiêm niệm, để sống đời tu trì dưới mọi hình thức, và ngay cả đối với mọi đời sống nội tâm đích thực, không thể thiếu sự tĩnh lặng bên ngoài. Để nhận ra tầm quan trọng của nó trong việc sống trên chứ không sống dưới, trong việc sống thân mật và kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta đừng quên rằng sự tĩnh lặng không nên coi như một biện pháp kỷ luật đơn thuần hay như một phương tiện ra lệnh như được tìm thấy trong một trường học hoặc lớp học, nhưng là điều kiện cần thiết để sống bên trong đó chứ không sống bên ngoài.

LUIS M. MARTINEZ
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
http://thanhlinh.net/node/160314