Hành trình Emmau
Câu chuyên hai môn đệ trên đường đi Emmau thường được biểu trưng hành trình đức tin của Kitô hữu. Dõi theo chân hai môn đệ năm xưa, xin được chia sẻ đôi tâm tình.
Câu chuyên hai môn đệ trên đường đi Emmau thường được biểu trưng hành trình đức tin của Kitô hữu. Nói đến hành trình đức tin của Kitô hữu thì chúng không thể không nói đến một hành vi thờ phượng đỉnh cao trong Phụng Vụ là các buổi cử hành Thánh Thể hay còn gọi là Thánh Lễ. Dõi theo chân hai môn đệ năm xưa, xin được chia sẻ đôi tâm tình.
1 Các cơn giông tố hay những thách đố của cuộc đời:
Hai môn đệ chán chường, mỏi mệt, rời Giêrusalem về quê cũ, Emmau. Thế là hết. Hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Thầy Giêsu. Tất cả như vô vọng. Còn gì để mong khi xác Người đã nằm im bất động ngay trong huyệt lạnh. Một vài tin đồn khá giật gân từ miệng các phụ nữ. Ôi, phụ nữ! Ôi đàn bà! Thời nào chẳng vậy, từ không thành có cũng thường do các bà dựng nên. Chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Thôi đành về quê xưa, mang lại cảnh kiếp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Hành trình đức tin Kitô hữu hôm nay và mọi thời, hẳn không thiếu những thì, những lúc, thấy mình chơi vơi, lạc hướng. Niềm tin đã nhiều lần chao đảo trước bao thử thách, cam go và cảnh hẩm hiu của số phận. Hình như Chúa bỏ tôi hay là Chúa có hiện hữu chăng? Nếu thực có Người và Người đang sống thì tình người sẽ không như thế và cuộc đời sẽ không như vậy. Bao ngang trái vẫn dẫy đầy. Người ngay gặp cảnh dữ, kẻ ác lại gặp vận may. Đâu phải là chuyện hoạ hiếm, mà trái lại, nó đang nhan nhãn thật khó chối cãi. Đôi lần và đã nhiều lần, bản thân tôi và cả bậc thánh nhân như muốn buông xuôi. Cứ mặc dòng đời trôi. Người ta sao, mình vậy. Anh hùng làm gì cho thiệt thân. Sao lại phải vất vả bơi ngược dòng cho khác người?
2 Tình yêu luôn cần đó một lời mời:
Một đôi khi đến Nhà Thờ nghe Lời Chúa, nghe giảng dạy, lòng cũng nóng lên như hai môn đệ đi Emmmau ngày nào. Quyết tâm ăn năn: không thiếu. Quyết tâm thay đổi: có nhiều. Nhưng rồi, ra khỏi Nhà Thờ, về với cuộc sống đời thường thì đâu lại hoàn đấy. Ánh sáng của Lời Chúa vừa le lói: “có qua đau khổ mới đến vinh quang” chợt vụt tắt. Hết lưỡng lự lại phân vân và rồi không thắng nổi cái sức ì của kiếp nhân sinh.
Ta có ngờ đâu, như xưa với hai môn đệ đi Emmau, Chúa Kitô Phục Sinh mãi đang đồng hành bên ta. Không nhận ra Người cũng là điều dễ hiểu. Tại mắt đức tin ta mờ tối hay lòng ta đang nặng trĩu muôn sự đời? Dẫu gì đi nữa thì Người chẳng để ta đơn côi. “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người vẫn đang đồng hành với ta khi vui cũng như lúc buồn, lúc chán chường cũng như khi hân hoan vui sướng. Người đang đợi ta. Người đang chờ ta. Tình yêu luôn mở ngõ với một lời mời.
3 Chuyện nghịch lý của tình yêu:
May thay, hai môn đệ đi Emmau đã mở lời nài ép người khách lạ vào quán trọ dùng bữa, qua đêm. Một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại, thế thôi, nhưng cũng đủ thành duyên cớ để Chúa Kitô lưu lại cùng hai ngài và tái diễn các hành vi của Bữa Tiệc Thánh. Thiên Chúa chẳng hề bỏ qua một nghĩa cử nào của ta, dù là bé nhỏ, để bắt đầu một cuộc gặp gỡ. Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai mở cửa thì Ta sẽ vào dùng bữa với họ (x. Kh 3,20).
Chuyện nghịch lý đã xảy ra. Khi chủ mời khách dự tiệc đời thì khách lại trao ban cho chủ lương thực bởi trời. Vị khách lạ cầm lấy bánh bẻ ra, trao cho hai môn đệ. Khách chủ đổi ngôi. Tình yêu quả thật kỳ diệu. Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận. Càng chia sẻ thì càng có thêm nhiều. Nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh là một hạnh phúc không gì so sánh.
4 Tình yêu là để thông chia chứ không phải để độc chiếm:
Vừa nhận ra Thầy Chí Thánh, Thầy vụt biến mất. Hạnh phúc là điều cần phải dệt xây chứ không phải để hưởng thụ. Ai càng cố nắm giữ thì sẽ mất. Hiểu được điều này, hai môn đệ vội vàng trở về Giêrusalem ngay giữa đêm khuya báo tin cho anh em. Tình yêu, hạnh phúc thúc bách ta cần chia sẻ, dù lúc trời nắng nhẹ hay giữa đêm khuya lạnh giá. Gặp gỡ, hiệp thông với đấng Phục Sinh để rồi chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận.
Loan báo Tin Mừng là một hệ luận tất yếu của người đã nhận hồng ân, được cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gian truân, bắt bớ, tù đày chẳng hề ngăn được bước chân các tông đồ, các môn đệ. Vừa được giải thoát khỏi tù ngục, các tông đồ đã lại hiên ngang rao giảng tại Đền Thờ (x.Cvtđ 5,17-26).
5 Thánh Lễ: một hành trình Emmau.
Người ta dễ dàng nhận ra bản trình thuật của Thánh Sử Luca về chuyện hai môn đệ đi làng Emmau được cấu trúc như tiến trình của Thánh Lễ gồm hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Mỗi ngày đầu tuần tức là ngày Chúa Nhật, Kitô hữu tiên khởi quy tụ lại để họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Truyền thống của Hội Thánh từ xưa đến nay đều mừng Chúa Phục Sinh trong ngày Chúa Nhật, kể cả trong các mùa đặc biệt như mùa Vọng và mùa Chay.
Thật đẹp thay cứ mỗi tuần chúng ta họp nhau ít là một lần vào ngày Chúa Nhật để dâng lên Chúa mọi bao vui buồn sướng khổ của đời ta. Không một ai là khách lạ trong buổi cử hành Thánh Thể. Không một ai đến Nhà Thờ ngày Chúa chỉ vì luật buộc. Và ước gì không một ai đến họp mừng Chúa Phục Sinh với đôi bàn tay trắng trơn, khi họ không thực sự tham dự mà chỉ xem Lễ cách bàng quang, chiếu lệ.
Dâng lên Chúa trọn cuộc sống buồn vui và bao trăn trở của mình để rồi lắng nghe Chúa nói qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Xin đừng quên phần diễn giải Lời Chúa của giám mục, linh mục hay của thầy phó tế trong Thánh Lễ là một phần của Phụng vụ Lời Chúa. Ước gì tất cả mọi người không chỉ nói với Chúa và nghe Chúa nói mà còn được kết hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể. Và rồi cái gì đến sẽ phải đến. Những bước chân của chúng ta sau khi ra khỏi Nhà Thờ sẽ là những bước chân trong hân hoan, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, chia sẻ hồng ân mình đã lãnh nhận. Mong sao cứ mỗi lần ra khỏi Thánh đường, lòng chúng ta lại rộng mở hơn xưa, cho kẻ lạ cũng như người thân, cho người đạo hạnh cũng như kẻ bất nhân bạc tình. Nếu được vậy thì đó là một trong những dấu chỉ nói lên rằng ta đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân trần.
http://thanhlinh.net/node/162157