Những lời khuyên tìm kiếm và giữ được sự bình an
Đôi khi sự bình an đến rất tự nhiên; đôi khi nó tới trong khoảnh khắc. Sau đây là sáu điều mà tôi thấy cần thiết để tìm kiếm và giữ gìn sự bình an nội tâm.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
Nguồn: www.thanhlinh.net
Có thể trải nghiệm sự bình an và sống sự bình an đó một cách thánh thiêng không, khi mọi thứ trong cuộc sống của bạn dường như đang nổ tung?
Có. Bạn không chỉ giữ được bình an cho chính mình mà còn có thể mang nó đến cho người khác - bất kể hoàn cảnh của bạn là gì.
Kinh Thánh nhiều lần kêu gọi chúng ta hãy bình an. Đây là một câu cụ thể:
“Ước gì ơn bình an của Chúa Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân”(Côlôsê 3:15).
Sự bình an nội tâm như vậy không tùy thuộc vào việc không có va chạm, xung đột hay đau khổ. Sự bình an nội tâm hoàn toàn không liên quan đến những sự kiện diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Nó tồn tại ở một mức độ sâu sắc trong tâm hồn - một mức độ của thế giới khác - đến nỗi nó không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì xoay vần chung quanh chúng ta.
Đúng vậy, giữa những đau khổ tột cùng của chúng ta, chúng ta vẫn có thể có được sự bình an trong tâm hồn, sự bình an theo Kinh thánh. Đó là một sự bình an mà chúng ta dần dần biết được khi chúng ta học cách giao phó mọi hoàn cảnh của cuộc đời mình cho Chúa.
Mọi hoàn cảnh. Bất cứ hoàn cảnh nào. Mỗi một hoàn cảnh.
Đau khổ không bị lãng phí
Bạn đã bao giờ nghe câu nói “Chúa sử dụng mọi thứ” chưa? Tôi đã nhận ra và sống sự thật này nhiều lần trong đời, nhưng có lẽ mạnh mẽ nhất là trong năm năm qua - vì chính trong năm năm qua, Chúa đã bắt đầu dạy tôi nhiều hơn về sự bình an của Ngài.
Mọi chuyện bắt đầu khi một trong những đứa con của tôi được chẩn đoán mắc một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Cú sốc và nỗi sợ hãi của khoảnh khắc đó - và nhiều cú sốc sau đó - là điều tôi không thể diễn tả được, nhưng bất cứ ai đã trải qua những khoảnh khắc như thế này đều có thể hiểu được.
Năm năm qua thật khó khăn, đôi khi đe dọa sự bình an của chúng tôi bằng mọi cách có thể tưởng tượng được. Vậy mà chúng tôi vẫn kiên trì, vẫn hy vọng khi con gái chúng tôi vẫn tiếp tục chống chọi với căn bệnh mà bác sĩ nói là vô phương cứu chữa.
Đôi khi sự bình an đến rất tự nhiên; đôi khi nó tới trong khoảnh khắc. Nhưng tôi biết sự bình an ở đó vì tôi, và tôi nghỉ ngơi trong sự bình an đó mỗi ngày trong đời. Tôi thấy sự bình an đó phát triển từ niềm tin, hy vọng và từ lòng bác ái của những chiến binh cầu nguyện tuyệt vời, những người đã nâng đỡ và đồng hành cùng gia đình tôi trong thời gian này.
Sau đây là sáu điều mà tôi thấy cần thiết để tìm kiếm và giữ gìn sự bình an nội tâm:
1 Biết bình an thực sự là gì, và là Ai.
Sự bình an mà Thiên Chúa muốn đổ đầy lòng chúng ta không nhất thiết phải tìm được trong một kỳ nghỉ cuối tuần, một cuộc đi dạo trên bãi biển, hoặc một ngày nghỉ sau một lịch trình làm việc vất vả. Những nơi nghỉ ngơi đó thực sự quan trọng - chúng khuyến khích chúng ta bước vào một bầu không khí thanh thản, giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm sự thinh lặng nội tâm và lắng nghe tiếng Ngài hơn. Ví dụ, khi chúng ta tìm cách thiết lập sự bình an và sắp xếp lại công việc trong nhà của mình, chúng ta càng có thể trải nghiệm được sự bình an nội tâm ở cấp độ tâm hồn. Khung cảnh yên tĩnh giúp chúng ta tập trung vào Ngài, không phải tập trung vào những khó khăn trong cuộc sống nữa.
Đồng thời, chúng ta đừng nhầm lẫn bầu không khí yên bình với sự bình an mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Sự bình an này - mà chỉ Ngài mới có thể ban cho - là hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Bây giờ ân huệ này không có nghĩa là chúng ta sẽ hoàn toàn yên tĩnh và thanh thản mọi lúc, hoặc chúng ta sẽ không bao giờ trải qua những cảm xúc do mệt mỏi, buồn bã, đau buồn, sợ hãi hoặc lo lắng mang lại. Đồng thời, chúng ta không nên cho rằng vì cảm xúc chi phối chúng ta nên chúng ta không có khả năng nhận được ân huệ bình an siêu nhiên - hoặc chúng ta hoàn toàn không có.
Đôi khi chúng ta sẽ sợ hãi và lo lắng. Sợ hãi và lo lắng là một phần của bản chất con người chúng ta. Điều quan trọng là phải cảnh giác với những cảm xúc của chúng ta và không để chúng cuốn chúng ta đi. Chúng ta phải dâng chúng cho Thiên Chúa khi gặp thử thách, và trực tiếp xin Ngài ban bình an. Bởi vì bình an không phải là một sự vật. Đó là một con người. Đó là Chúa Giêsu Kitô. Chỉ qua sự thân tình với Ngài, chúng ta mới thực sự tìm thấy sự bình an đó.
2 Hãy bảo vệ sự bình an hàng ngày của bạn nếu bạn muốn có sự bình an theo Kinh thánh.
Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ sự bình an hàng ngày của chúng ta - mỗi ngày - không ngừng. Một số “tiếng ồn của thế giới” là không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể thoát khỏi nó. Đó là một phần của cuộc sống trong thời đại này. Nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng chúng ta đang thực sự chọn một số tiếng ồn này cho chính mình!
Chúa không hài lòng nếu chúng ta quá bận rộn chạy quanh, làm mọi việc và kể cả giúp đỡ mọi người, đến nỗi chúng ta điên cuồng suốt ngày mà không có thời gian để tìm kiếm hoặc tỏ lòng biết ơn Ngài. Điều đó không làm Chúa vui thích nếu chúng ta trở nên quá mệt mỏi trước những vấn đề của những người thân yêu của mình đến nỗi chúng ta không nhớ trao những vấn đề này cho Ngài và nghỉ ngơi bình an trong đó.
Điều quan trọng để giữ sự bình an của chúng ta là lựa chọn thận trọng việc tiến thân đến mức độ nào và khi nào nên buông bỏ. Chúng ta được mời gọi sống bác ái, vị tha và quảng đại, nhưng nếu chúng ta lạm dụng điều đó một cách thiếu thận trọng, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đánh mất sự bình an của chính mình.
Một tâm trí trầm tĩnh là điều cần thiết để tìm kiếm và giữ bình an của bạn. Hãy xem xét những điều bạn ưu tiên để thực hiện trong ngày của bạn. Nếu thời gian ở với Chúa Kitô không phải là một trong số những ưu tiên đó, bạn có thể dành khoảng thời gian nào yên tĩnh hơn để nghỉ ngơi trong Ngài? Làm sao chúng ta tìm thấy Ngài nếu chúng ta không tích cực tìm kiếm Ngài bằng cách dọn chỗ trống (trong cõi lòng, tâm trí và lịch trình công việc của chúng ta) để gặp Ngài?
Thời gian hiệp thông cầu nguyện với Chúa là loại bình an tốt nhất. Nếu điều đó còn thiếu trong cuộc sống của bạn, hãy bắt đầu ngay hôm nay. Hãy ngồi yên lặng trong mười phút, trò chuyện với Ngài, cảm tạ và ngợi khen Ngài, và cầu xin Ngài ban bình an. Đó là một sự khởi đầu.
Dành thời gian cho những thứ giúp bạn thư giãn đầu óc. Hãy ngắt kết nối với những gì lấp đầy thời gian đó bằng “tiếng ồn”.
3 Nhớ lại những gì Ngài đã làm trong quá khứ để bạn tiếp tục tin cậy Ngài trong tương lai.
Thánh vịnh 77:13 nói: “Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, tưởng nhớ những kỳ công thuở trước.”
Để có được sự bình an, chúng ta phải luyện tập tin cậy Chúa, lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi điều đó trở nên tự nhiên và liên tục đối với chúng ta. Chúng ta biết Ngài yêu chúng ta biết bao, và Ngài khao khát chúng ta biết bao. Ngài đã cho đi tất cả để chứng minh tình yêu đó.
Chúa đặc biệt được tôn vinh khi chúng ta giao phó mọi sự cho Ngài giữa hoàn cảnh mất phương hướng và suy nhược. Chúng ta không cần phải biết ý định của Thiên Chúa hoặc hiểu được lý do tại sao Ngài cho phép điều gì đó xảy ra để chúng ta trao phó cho Ngài sự âu lo của chúng ta. Việc tin tưởng và vâng lời của chúng ta khi đối mặt với sự bất định tàn phá mang lại vinh quang lớn lao cho Chúa. Việc đó cho phép Ngài mở một cánh cổng cho chúng ta nhận được ân sủng và sự bình an lớn lao hơn.
Niềm tin không tự nhiên mà đến với hầu hết chúng ta. Trao phó mọi sự cho Chúa Kitô là một hành động của ý chí. Chúng ta không thể hoàn thiện tâm thế này nếu không sẵn lòng trao phó mọi thứ cho Ngài hết lần này đến lần khác, liên tục, cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai của chúng ta.
Khi bạn bị cám dỗ cố lấy lại những gì bạn đã dâng cho Chúa, hãy nhớ đến công trình của Ngài trong suốt lịch sử cứu độ; trong suốt cuộc đời của chính bạn; và trong suốt cuộc đời của những người thân yêu của bạn. Những gì Ngài đã thực hiện trước đây, Ngài có thể thực hiện lại, và rồi Ngài sẽ thực hiện một số việc. Quyền năng của Ngài là vô hạn, cũng như lòng thương xót và tình yêu của Ngài là vô hạn.
4 Sống một cuộc đời ngợi ca.
Cố gắng ca ngợi Chúa về mọi “phép lạ nho nhỏ”, ngay cả khi bạn đang cầu nguyện cho những điều lớn lao hơn. Những điều nho nhỏ có thể hầu như không đáng kể: một ngày đẹp trời, một bông hoa được nhìn thấy khi đi dạo, một người bạn đến thăm bất ngờ.
Nhiều khi chúng ta đang chịu đau khổ, những điều nho nhỏ cho phép chúng ta sống một cuộc đời ngợi khen - và tôn vinh - Thiên Chúa nhân lành của chúng ta. Đôi khi những lời cầu nguyện lớn lao vẫn chưa được đáp ứng, chỉ được giải đáp vào thời điểm của Ngài - nhưng chúng ta luôn luôn có thể ngợi khen Ngài vì những điều nho nhỏ.
Ngợi khen là một lớp áo bảo vệ chống lại kẻ thù. Nó ngăn không cho kẻ ác có chỗ đứng trên chúng ta. Hãy nhớ rằng, ma quỷ muốn lấy đi niềm hy vọng của chúng ta. Không có hy vọng, chúng ta trở thành con mồi dễ bị tổn thương nhất trước chiến thuật của ma quỷ.
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng lời khen ngợi - biểu lộ niềm hy vọng - là vũ khí thiêng liêng trong kho vũ khí của chúng ta.
“Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan”(Thánh vịnh 8:2).
Lúc đầu, bạn có thể cảm thấy gượng ép và không tự nhiên, nhưng hãy tập trung vào việc tìm kiếm những điều để ngợi khen Thiên Chúa. Ngợi khen Thiên Chúa liên tục hết mức có thể, trong lòng và thậm chí lớn tiếng.
5 Cứ ở lại trong giây phút hiện tại.
Đừng đi quá xa về phía trước. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và kiến thức, nhưng cả hai đều chỉ là một số lượng hữu hạn. Có một lý do cho điều đó. Ngài là Thiên Chúa còn chúng ta thì không. Ngài đã chịu đau khổ vì chúng ta, để biến đau khổ thành cứu chuộc và sở hữu tất cả. Bằng cách này, Ngài cho chúng ta thấy rằng Ngài muốn trở thành sự bình an của chúng ta.
Đừng từ bỏ sự bình an của bạn cho trí tưởng tượng của riêng bạn bằng cách tưởng tượng quá xa không đúng với bản thân. Bạn sẽ lo lắng về những điều có thể không có thực và hủy hoại khoảnh khắc hiện tại này bằng những lo lắng về tương lai. Hãy ở trong giây phút hiện tại này, sống trong đó và tìm kiếm Ngài trong đó.
Hãy tin cậy Ngài khi Ngài kéo dài thời gian và chuẩn bị cho bạn sẵn sàng trên đường đi, để Ngài có thời gian chuẩn bị cho bạn những gì sắp tới. Đừng tìm kiếm những gì sắp tới trước khi Ngài giúp bạn sẵn sàng. Ngài sẽ vén bức màn cho bạn thấy tương lai từng chút một. Hãy thanh thản với điều đó và đừng vội vã với những thứ mà Ngài chưa chuẩn bị cho bạn đón nhận.
Có những ân sủng được tìm thấy trong những điều nhỏ nhặt nhất nếu chúng ta đang sống trong thời điểm hiện tại. Những lo lắng và băn khoăn trói buộc chúng ta nếu chúng ta lao vào tương lai - đánh đổi bằng những ân sủng trong thời điểm hiện tại này và sự bình an trong thời gian tới.
6 Có một đức tin mong đợi.
Ngay cả khi bạn sợ hãi trước những điều trong cuộc sống mà bạn có thể nhìn thấy, hãy tin rằng Chúa ở bên bạn. Hãy tin rằng ý muốn của Ngài là hoàn hảo cho bạn. Hãy tin rằng Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho bạn. Đừng nghi ngờ khát khao của Chúa muốn ban phúc lành cho bạn.
Chúng ta càng tôn vinh Ngài hơn khi chúng ta có một đức tin đầy mong đợi. Đức tin đó nuôi dưỡng cảm thức hy vọng và tin tưởng của chúng ta. Những điều này dẫn chúng ta đến bình an nội tâm ngay cả trong những hoàn cảnh đen tối nhất. Nếu chúng ta thực sự tin vào tình yêu vô biên của Ngài dành cho chúng ta và ước muốn của Ngài cho chúng ta ở trên thiên đàng, chúng ta có thể sống trong đức tin cậy trông mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong Kinh Thánh.
“Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”(Hípri 4:16).
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể có một đức tin đầy hy vọng khi hoàn cảnh thực sự tàn khốc?
Đây là một câu hỏi tôi đã vật lộn suốt nhiều thời gian. Trong những cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải quay trở lại với những gì chúng ta biết, bởi vì có rất nhiều điều chúng ta không thể biết được trong cuộc sống này.
Tông đồ Phaolô hiểu rõ điều này:
“Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn”(2 Côrintô 4:16-18).
Bạn đang trải qua những đau khổ lớn lao dường như không thể vượt qua phải không? Các Mối Phúc là lời hứa của Chúa Giêsu cho một số tình huống bi thảm nhất của cuộc sống. Trong mỗi mối phúc, những lời hứa vĩnh cửu của Ngài mang đến những ân sủng mà chúng ta có thể tín thác và tin tưởng. Lời hứa của Ngài là lời hứa của thiên đàng, tất nhiên không phải là lời hứa của cuộc sống trần gian. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta biết rằng đây là những lời hứa vĩ đại nhất, đáng kinh ngạc nhất và quan trọng nhất trong tất cả những lời hứa của Ngài.
Cần có sự tín thác và sức mạnh của ý chí để vĩnh viễn “nhìn thấy” và chờ đợi Chúa mang đến những ân sủng từ một điều gì đó bi thảm. Nhưng Ngài đã hứa sẽ đồng hành với chúng ta với lòng thương xót và tình yêu thương của Ngài, vì vậy chúng ta phải tin rằng, với thời gian - nếu chúng ta luôn trung thành - các ân sủng sẽ theo sau ngay cả những thử thách tàn khốc nhất.
Suy nghĩ cuối cùng
Bình an không chỉ đơn giản là một bầu không khí thanh bình cho phép chúng ta tạm thời thoát khỏi những lo lắng. Bình an không chỉ đơn thuần là một “trạng thái của tâm trí” hay một khoảng thời gian nghỉ ngơi và yên tĩnh. Những loại bình an đó là tạm thời.
Bình an chính là con người của Chúa Kitô, trong sự trường tồn và tình yêu của Ngài. Ngài đang đợi bạn trao phó mọi sự cho Ngài. Hãy tiếp tục trao cho Ngài sự âu lo của bạn và tin cậy vào những lời hứa của Ngài, cả ở đây và trong cõi vĩnh hằng, rồi bạn sẽ tìm thấy sự bình an và sự chữa lành mà tâm hồn bạn khao khát.
“Chúa là nguồn mạch bình an, xin Ngài ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em”(2 Tessalônica 3:16).
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
Nguồn: https://thanhlinh.net/node/163689