Skip to main content

Để lớn lên trong sự thánh thiện

“Hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22–23).
A A+
color:
Để lớn lên trong sự thánh thiện
“Hoa trái của Thần Khí” như một cách minh chứng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu của chúng ta. Vậy thì những hoa trái đó là gì? Và làm thế nào để chúng ta thể hiện những hoa trái này?
Colleen Arnold, MD

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta cũng được đón nhận các ơn của Chúa Thánh Thần. Khi các ân ban này được áp dụng một cách hữu hiệu, sẽ biểu hiện qua những “hoa trái của Thần Khí” như một cách minh chứng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu của chúng ta. Vậy thì những hoa trái đó là gì? Và làm thế nào để chúng ta thể hiện những hoa trái này?

Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát cho thấy: “Hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22–23).

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng suy xét làm sao để làm tăng trưởng các hoa trái này.

1 Bác ái

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13, 34–35)

Tình yêu thương này không phải là cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng nhưng là một hành động bác ái: khả năng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chúng ta. Và đây cũng là dấu để mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa lan tỏa đến người khác khi Thiên Chúa yêu họ qua chúng ta.

Làm thế nào để chúng ta phát triển khả năng yêu thương một cách sâu sắc như vậy? Chúng ta hãy nhiệt thành tham gia những sinh hoạt thiện nguyện, vì dù sống ở đâu hoặc trong hoàn cảnh như thế nào, chúng ta vẫn luôn có cơ hội để giúp đỡ người khác. Khi nhận thức rõ hơn về những ân ban được lãnh nhận, chúng ta sẽ nhạy bén để nghĩ ra nhiều cách hơn để phát triển mối quan tâm vị tha đối với người khác.

2 Hoan lạc

“Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. (Ga 15, 11)

Sự hoan lạc ở đây không chỉ là niềm vui nhất thời mà là sự mãn nguyện nội tâm lâu dài mà không dễ bị lay chuyển bởi hoàn cảnh xung quanh. Niềm vui này không do thế gian ban tặng, vì thực, sẽ chẳng có số lượng tiền bạc, tài sản, sức khỏe hay mối tương quan nào có thể mang lại hạnh phúc sâu xa này.

Thật thế, sự hoan lạc của Thần Khí có được khi chúng ta biết nhìn thế giới trong ý định của Thiên Chúa; đó là một phản ứng đối với tất cả những gì Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời chúng ta hiện tại và tương lai. Đó là sự lựa chọn mà chúng ta đưa ra dựa trên nhận thức rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài luôn ở cùng chúng ta trong mọi trải nghiệm cuộc sống của mình.

Để gia tăng niềm hoan lạc, về phương diện thể lý, hãy tập cười nhiều hơn. Chính nụ cười chân thật trên môi và khoé mắt sẽ giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh làm giảm sự căng thẳng. Ngoài ra, hãy nhắc mình rằng, dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, thì vẫn luôn có những niềm vui từ chính Chúa.

3 Bình an

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. (Ga 14, 27)

Bình an là một cảm thức của sự hài hòa, thanh thản nội tâm, bình tĩnh trông cậy và tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong thế giới hiện đại, chúng ta liên tục bị tấn công bởi những tin tức gây sợ hãi và lo lắng, chẳng hạn như chiến tranh, thù hận, thiên tai… khiến chúng ta cảm thấy bị phân tâm và khó có thể trải nghiệm được sự bình an. Chính Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng bình an đích thực không được tìm thấy trên thế gian. Do đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có được sự lắng đọng để có thể nghe được tiếng Chúa.

Chúng ta hãy tách ra khỏi những ồn ào của nếp sống, ví dụ như, mỗi ngày, hãy thử ngắt kết nối với công nghệ, tắt điện thoại, máy tính, tivi một khoảng thời gian nào đó. Hãy thử hít thở sâu, đi dạo bên ngoài, hoặc làm bất cứ điều gì hữu ích nhất để tâm trí được nghỉ ngơi và dễ hướng lòng lên Chúa.

4 Nhẫn nhục

“Người chậm giận thì đầy sáng suốt, kẻ nóng tính để lộ cái dại khờ”. (Cn 14, 29)

Merriam-Webster định nghĩa nhẫn nhục là “chịu đựng những đau đớn hoặc thử thách một cách bình tĩnh hoặc không phàn nàn”.

Sự nhẫn nhục đòi chúng ta bỏ qua lịch trình của chính mình và thay vào đó tin cậy vào Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta có thể xem xét những cách nhìn mới về trải nghiệm của chính mình.

Có những chi tiết nhỏ trong đời sống thường nhật, Ví dụ như phải xếp hàng dài chờ tính tiền tại siêu thị, trong khi nhân viên phục vụ lại làm việc chậm chạp! Nếu biết kiên nhẫn, thì ngay việc chờ đợi lâu có thể là cơ hội giúp chúng ta chú ý đến những bình hoa trưng bày đẹp mắt, hoặc nhận được những nụ cười nhân ái nào đó của những người đi mua hàng.

5 Nhân hậu

“Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến”. (Pl 4, 5)

Nguồn cội của sự nhân hậu là lòng trắc ẩn – khả năng chịu đựng đau khổ với người khác. Khi học cách chú ý đến người khác để chịu đựng cùng họ, chúng ta có thể đoán trước nhu cầu của họ và giúp họ một cách hữu hiệu và chu đáo.

Vấn đề của chúng ta là, đôi khi, vì nhịp sống hối hả, bận rộn chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để quan tâm đến người khác. Có thể, đó chỉ là những điều rất đơn giản, chẳng hạn như một lời khen chân thành, một sự sẵn sàng lắng nghe người bạn đang gặp khó khăn, giúp đồng nghiệp lên ý tưởng cho một dự án, … Tất cả sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta có thói quen quan tâm từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống.

6 Từ tâm

“Ai muốn hãy cho, ai lấy cái gì của mình, thì đừng đòi lại”. (Lc 6, 30)

Từ tâm là khả năng cho đi một cách tự nguyện, vượt lên trên những gì được mong đợi. Điều này không hệ tại giá trị vật chất của món quà, hoặc cho đi từ những gì dư thừa mà là sự sẵn sàng trao tặng của chúng ta.

Sống trong thế giới coi trọng giá trị vật chất, sự từ tâm không phải là điều chúng ta dễ dàng tự mình đạt được, mà nó được phát xuất từ việc nhận ra rằng mọi thứ chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa.

Để trau dồi lòng từ tâm, chúng ta hãy lên kế hoạch để có thể cho đi một cái gì đó mỗi tuần. Đó có thể là thời gian, tài năng, hoặc tiền bạc,… và điều này đòi chúng ta phải hy sinh, chấp nhận khó khăn. Theo thời gian, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và chúng ta sẽ thấy con tim của mình rộng mở hơn.

7 Trung tín

“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”. (2 Tm 4, 6–7)

Sự trung tín có thể có hai nghĩa. Trước hết, nó nói lên sự trung thành trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa, trung thành tuân giữ với các giới răn, và cố gắng thi hành bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Ngoài ra, sự trung tín cũng ám chỉ mối tương quan của chúng ta với người khác. Chúng ta nhất quán, đáng tin; giữ lời hứa và cam kết của mình. Nói cách khác, chúng ta trung thành với Thiên Chúa và trung nghĩa với tha nhân.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp thách đố trong việc thể hiện là người đáng tin cậy nên chúng ta dễ dàng bỏ cuộc. Để giúp mình thực hành sự trung tín, chúng ta hãy định hướng suy nghĩ theo hướng tích cực qua việc tự nhủ: “Thiên Chúa là Đấng thành tín với tôi. Tôi cũng phải là người trung thành với Chúa và đáng tin với người khác”.

8 Hiền hòa

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp”. (Mt 5, 4)

Sự hiền hòa nói lên khả năng ứng xử một cách nhẹ nhàng, dịu dàng và khiêm nhường. Một số người hiểu sai đó là sự yếu đuối hoặc quỵ luỵ, hoàn toàn không phải vậy! Sự hiền hòa đòi hỏi một sức mạnh to lớn, nhưng đó là sức mạnh được dùng để giúp đỡ người khác chứ không phải để thống trị họ. Chúa Giêsu là mẫu mực của sự hiền hòa. Trong mọi tình huống, Người luôn thể hiện lòng trắc ẩn, thương xót và sự tha thứ, ngay cả với tội nhân, và những người ganh ghét, lên án và kết án mình.

Thật dễ dàng để đáp lại người khác một cách gay gắt hoặc cáu giận khi chúng ta căng thẳng, lo lắng hoặc không vừa ý. Do đó, chúng ta cần tập cho mình sự bình tĩnh, vì nếu cơ thể thư giãn, tâm trí thanh thản, tâm hồn khiêm tốn thì chúng ta mới có thể phản ứng với người khác với sự nhu mì.

9 Tiết độ

“Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ”. (2 Tm 1, 7)

Tiết độ bao hàm sự điều độ và tự chủ. Đó là khả năng nói không khi chúng ta muốn nói có, và nhìn thấy trước hệ quả của sự chọn lựa để chúng ta có thể tránh những gì gây hại cho bản thân và người khác.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải đối diện với biết bao thứ cần phải lựa chọn, dù đó là thức ăn, hoạt động giải trí, hoặc các mối tương quan,… Kinh nghiệm cho thấy rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng có những lựa chọn đúng đắn nên rất cần sự luyện tập.

Bước đầu tiên để tự chủ đó là tự nhận thức. Hãy học cách kiểm tra bản thân, nhận ra các dấu hiệu thể lý, chẳng hạn như, theo Alcoholics Anonymous, chúng ta nên hỏi, “Tôi có đói, có tức giận, có cô đơn, hoặc có mệt mỏi không?” Vì những lúc như thế, chúng ta dễ bị cám dỗ hơn, và do đó, dễ bị sa ngã hơn. Việc nhận biết tâm trạng của mình cho phép chúng ta thoát khỏi tình huống căng thẳng để có thể sáng suốt phân định trước khi chọn lựa và đi đến quyết định.

* * *

Các “hoa trái của Thần Khí” dù đã được ban tặng cho chúng ta, nhưng không phải theo dạng tĩnh, một lần thay cho tất cả, mà chúng ta vẫn cần phải góp phần mình để làm tăng trưởng những ân ban này, cũng có nghĩa là, chúng ta được lớn lên trong sự thánh thiện.

Ước mong những hoa trái này được thể hiện trong từng lối nghĩ, lời nói, hành vi, nhờ đó, cuộc sống của chúng ta trở thành chứng tá của Tin Mừng cho một thế giới đang cần đến sự “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, và tiết độ”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Lược dịch từ: franciscanmedia.org (3. 2023)

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/de-lon-len-trong-su-thanh-thien-50925
edit