Skip to main content

Tâm thế nào nhìn ra thế ấy

Lời nói là cách thức căn bản nhất để biết một con người. Người ta sẽ dựa vào lời từ miệng chúng ta nói ra để biết lòng chúng ta.
A A+
color:
Tâm thế nào nhìn ra thế ấy
Tâm thế nào thì nhìn đời, nhìn người cũng như thế ấy. Nói cụ thể hơn, cách chúng ta nhìn sự vật phản ảnh cái tâm của chúng ta, hay nói lên chúng ta là ai.
Bình Minh

Một hôm Tô Ðông Pha đến chơi chùa, cùng ngồi thiền với nhà sư, trong khi ngồi thiền thấy an lạc xuất hiện.

Xả thiền xong, Tô rất vui vẻ hỏi nhà sư:

- Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế giống cái gì?

- Trông ngài giống như Ðức Phật.

Tô nghe thế vui lắm. Thiền sư hỏi lại:

- Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?

Tô đáp:

- Trông ngài ngồi thiền giống một đống phân bò.

Thiền sư nghe thế cũng hứng chí cười vui lắm.

Tô Ðông Pha cười suốt dọc đường về, nghĩ bụng hôm nay ta đã thắng lão hòa thượng đó một phen rồi. Bị ta nói là đống phân bò mà không bẻ lại được câu nào cả.

Tô về khoe với em là Tô tiểu muội:

- Hôm nay anh đã qua mặt được lão sư già đó rồi.

Tô tiểu muội hỏi chuyện gì, Tô Ðông Pha hào hứng kể lại.

Tô tiểu muội cười ầm lên. Tô Ðông Pha càng hào hứng.

Tiểu muội nói:

- Muội cười là cười huynh đó, huynh lại thua lão hòa thượng ấy rồi.

Tô ngạc nhiên hỏi thế nào. Tiểu muội đáp:

- Tâm lão hòa thượng là tâm Phật, nên thấy huynh cũng giống như Phật.

Còn tâm của huynh thì toàn phân bò nên huynh thấy hòa thượng như đống phân bò thôi. Tâm huynh như thế làm sao mà bằng được tâm lão hòa thượng.

Tâm thế nào nhìn ra thế ấy

Quý vị và các bạn thân mến!

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Hai câu thơ trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du đã lột tả một cách sâu sắc tâm trạng cô đơn của Kiều khi bị nhốt ở lầu Ngưng Bích. Cảnh thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích rất đẹp với “ cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, thế nhưng trong tâm trạng lo âu, buồn bã thì Kiều chẳng còn lòng dạ nào chiêm ngưỡng cảnh đẹp chung quanh.

Tâm không chỉ ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta đối với sự vật mà còn với cả con người. Người Việt ta cũng có câu: “Yêu trái ấu cũng tròn, ghét bồ hòn cũng méo”, khi lòng tràn đầy năng lượng tích cực, đại lượng bao dung thì nhìn ai cũng thấy dễ thương, vui vẻ. Ngược lại, khi tâm trạng đen tối, đố kỵ, ghen ghét thì chúng ta khó nhìn thấy cái hay, cái đẹp của người khác.

Ðúng như câu “Nhất thiết duy tâm tạo”, có nghĩa là mọi sự việc, tốt xấu hay lành dữ đều do tâm mà ra. Tâm thế nào thì nhìn ra thế ấy, rõ ràng vị hòa thượng có tâm Phật nên nhìn ai cũng thấy giống Phật, ngược lại với cái tâm hẹp hòi xấu xa thì nhìn vị hòa thượng Tô Ðông Pha cũng thấy giống như đống phân.

Vậy nên, chúng ta không nhìn sự vật như chúng đang là nhưng chúng ta nhìn sự vật như chúng ta đang là. Tâm thế nào thì nhìn đời, nhìn người cũng như thế ấy. Nói cụ thể hơn, cách chúng ta nhìn sự vật phản ảnh cái tâm của chúng ta, hay nói lên chúng ta là ai.


Lời Chúa Giêsu theo Tin Mừng thánh Luca có viết: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” ( Lc 6, 45 ).

Lời nói là cách thức căn bản nhất để biết một con người. Người ta sẽ dựa vào lời từ miệng chúng ta nói ra để biết lòng chúng ta. Tâm lương thiện sẽ khiến chúng ta nghĩ tốt, nói tốt cho người khác.

Vì rằng khi mở lòng ra để thấu hiểu, cảm thông với người khác, chúng ta sẽ dễ dàng công nhận giá trị bản thân của họ, từ đó sẽ tán dương, khen ngợi họ đúng lúc.

Người cảm nghiệm được lòng yêu thương và sự tha thứ của Chúa, có cái tâm an bình cũng sẽ dễ dàng yêu thương và bao dung với người khác, trước hết là đối với những người thân yêu của mình.


Lạy Chúa, trong tháng 11 này, xin cho chúng con quyết tâm thực hành nhân đức này là luôn nghĩ tốt và nói tốt cho người khác. Cậy vào lòng Chúa nhân từ, xin hãy nhận lấy sự hy sinh bé nhỏ, mà chúng con dâng để cầu nguyện cho các linh hồn các người thân của chúng con, còn đang thanh luyện nơi chốn luyện hình. Amen.