Skip to main content

Cái ấm trà

Kiên nhẫn là thái độ chấp nhận mọi thách đố và khó khăn trong cuộc sống để có cách giải quyết tốt đẹp.
A A+
color:
Cái ấm trà
Bốc đồng nóng vội dễ bị thất bại, vấn đề càng trở nên rắc rối, chi bằng chúng ta cần bình tĩnh đối diện với sự thật. Ðây cũng là cách luyện tập tính kiên nhẫn để có một trí tuệ tuyệt vời.
Nt. Anh Thư

Có một người được tặng một ấm trà quý, anh ta rất nâng niu món quà. Sợ mất trộm, anh đặt nó lên trên đầu giường mỗi khi đi ngủ. Một lần đang ngủ, anh trở mình, quơ tay làm rơi ấm trà xuống giường, còn cái nắp ấm văng xuống đất. Nửa đêm tỉnh dậy chỉ thấy ấm mà chẳng thấy nắp đâu, anh ta thất vọng thầm nghĩ: “Nắp ấm rơi xuống đã bị vỡ, vậy còn giữ ấm trà này làm gì nữa?” Thế là anh nhặt ấm trà trên giường và ném nó ra ngoài cửa sổ, rồi lại ngủ thiếp đi.

Sáng ra, anh mới phát hiện nắp ấm vẫn còn nguyên vẹn trên đôi giày bông bên cạnh giường. Người đàn ông này rất bực mình và hối hận nghĩ: “Ấm trà đã bị ném ra khỏi cửa sổ đêm qua, giờ để lại cái nắp làm gì?” Anh ta tức giận đập vỡ luôn cái nắp ấm.

Sau khi ăn sáng, anh vác cuốc định đi ra đồng, nhưng khi ngước mắt lên, ngạc nhiên làm sao, cái ấm trà đang treo lơ lửng trên cành cây bên ngoài cửa sổ. (Theo Hoa Chanh)

Cái ấm trà

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong cuộc sống chúng ta cũng từng gặp những tình huống bất ngờ xảy ra. Mỗi người sẽ có cách xử lý khác nhau. Người bình tĩnh suy nghĩ tìm cách giải quyết, người cuống cuồng đổ lỗi cho hoàn cảnh xui xẻo. Người ta thường nói “Dục tốc bất đạt”. Bốc đồng nóng vội dễ bị thất bại, vấn đề càng trở nên rắc rối, chi bằng chúng ta cần bình tĩnh đối diện với sự thật. Ðây cũng là cách luyện tập tính kiên nhẫn để có một trí tuệ tuyệt vời.

Kiên nhẫn là thái độ chấp nhận mọi thách đố và khó khăn trong cuộc sống để có cách giải quyết tốt đẹp. Kiên nhẫn là sự kiên trì và nhẫn nại, là một đức tính phải rèn luyện lâu dài để đạt đến thành công. Trên con đường nên thánh, chúng ta cũng cần thời gian rèn luyện kiên nhẫn. Nên thánh không phải là cú nhảy vọt hay một bước đột phá mà là một tiến trình thực hành trải dài trong suốt cuộc đời với lòng khát khao và con tim yêu mến. Có một phương cách giúp chúng ta nên thánh, đó là cầu nguyện và hy sinh. Cầu nguyện giúp chúng ta thao luyện con tim và mọi ước muốn để sống theo thánh ý Chúa. Bông hoa không thể tỏa hương thơm nếu nó không thấm đẫm sự tinh túy của thiên nhiên trời đất tích tụ qua những giọt sương sớm. Chúng ta không thể hoàn thiện bản thân nếu không khiêm tốn uốn mình theo sự soi sáng của Thánh Thần. Qua cầu nguyện và hy sinh, chúng ta có đủ sức mạnh để thắng vượt những cám dỗ của thế gian mà trung thành sống cho Chúa. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).

Thiên Chúa là Ðấng nhân hậu từ bi luôn kiên nhẫn trước những lầm lỗi của loài người. Người luôn chờ đợi con người hoán cải. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa được biểu lộ cụ thể qua chính cuộc đời và tình thương của Chúa Giêsu. Suốt những năm tháng đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đến để yêu thương người nghèo khổ và tội lỗi, đã tìm kiếm những con chiên đi lạc. Người đã đón nhận cuộc Khổ Nạn và cái chết trên thập giá để minh chứng cho tình yêu tự hiến. Mỗi người chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, kiên nhẫn tin tưởng trong mọi cơn gian nan thử thách. Theo thánh Phaolô tông đồ, kiên nhẫn còn là hoa trái của việc sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần “Hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Gl 6, 22).

Cái ấm trà

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không ngừng biểu lộ tình thương của Ngài qua việc kiên nhẫn tha thứ tội lỗi cho nhân loại, xin cho chúng con can đảm từ bỏ lối sống cũ để mặc lấy con người mới trong Thần Khí. Xin thánh hóa tư tưởng và ước muốn, để chúng con khám phá ra vẻ đẹp của Chúa được phản chiếu trong cuộc sống, biết sống theo những giá trị của Tin Mừng, kiên vững trong cầu nguyện, hầu lãnh nhận ân phúc niềm vui cứu độ. Amen.

Nt. Anh Thư
Tín Nhiệm
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
http://vntaiwan.catholic.org.tw/tinnhiem/tinnhiem134.htm