Lấp đầy chỗ trống
(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Một người thuật lại giấc mơ của mình như sau:
Tôi mơ thấy mình chết và được đưa vào một nơi xa lạ, chưa bao giờ bước chân tới. Nơi đây, mỗi lần tôi cảm thấy đói, liền có một người hầu bước vào phòng, bưng tới một cái khay đầy những thức ăn ngon lành. Khi tôi vừa cảm thấy khát, người hầu lại bưng tới đủ mọi thứ nước giải khát tha hồ chọn. Vừa cảm thấy buồn ngủ, người hầu liền trở lại, giơ tay bấm cái nút trên tường, liền có cái giường nệm êm hạ xuống ngay bên cạnh cho tôi nghỉ ngơi. Ngày đầu tiên, đối với tôi mọi sự đều mới lạ và tôi cảm thấy rất hứng thú, vui sướng, chẳng khác nào như ở trên thiên đàng vậy. Tôi tự nhủ: "Ước gì được đó, còn gì hạnh phúc cho bằng". Sau một tuần lễ, tôi bắt đầu cảm thấy nhàm chán. Có một điều lạ là cả đến những điều tôi không muốn cho lắm và tuy chưa kịp nói ra, chỉ cần nghĩ tới trong trí thôi, đều được cung cấp cho ngay lập tức. Ðiều đó làm tôi không khỏi ngạc nhiên và nhiều lúc còn bực mình khó chịu nữa. Mọi sự xem ra như một ảo mộng, đã được xếp đặt theo chương trình định sẵn, không có gì là thực tế cả. Tôi có cảm nghĩ như mình chỉ là thằng robo không có lý trí cũng chẳng có tâm hồn gì hết. Một hôm, tôi đánh bạo lên tiếng hỏi người hầu:
- Này cậu, xin cho tôi được hỏi một điều này nhé. Tôi có thể được miễn trừ điều gì ở đây không?
Người hầu lắc đầu trả lời:
- Dĩ nhiên là không. Ở đây không ai được làm gì khác ngoài những gì đã được định sẵn.
Tôi phân trần hỏi thêm:
- Tôi muốn nói là cả những điều tôi chỉ nghĩ trong trí thôi, nhưng thực sự tôi không muốn cũng không cần tới. Tôi có phải có ngày không?
- Dĩ nhiên là phải có. Ðó là qui luật nhất định ở đây vậy, không thể nào du di được, cho dù chỉ một li một tý thôi. Hơn nữa, luật đó sẽ được thi hành ngày này qua ngày khác, năm tháng này qua năm tháng khác, cho tới đời đời kiếp kiếp chẳng bao giờ cùng.
Vừa thất vọng, vừa bực mình, tôi nói với người hầu:
- Nếu vậy thì chẳng thà tôi xuống hỏa ngục còn hơn ở đây.
Người hầu phá lên cười bảo tôi:
- Thế ông nghĩ ông đang ở đâu nếu không phải đang ở trong hỏa ngục đó sao?
Sợ hãi quá, tôi giật mình thức dậy.
* * *
Giấc mơ trên đây tuy không phải là sự thật, thế nhưng cũng phản ánh phần nào sự thật. Bởi vì kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy rằng được mọi sự như lòng mong muốn chưa hẳn là được hạnh phúc thật. Ước mơ của con người như cái thùng không đáy, không thể được lấp đầy bởi thú vui vật chất và những sự mau qua. Con người được Thiên Chúa tạo dựng vì tình yêu và chỉ tình yêu của Chúa mới có thể lấp đầy chỗ trống đó mà thôi.
Hạnh phúc con người không căn cứ trên vấn đề được cho nhiều và được mọi sự như lòng mong ước. Cần phân biệt giữa điều mình mong ước với điều thực sự cần thiết và hữu ích cho bản thân mà không làm thương tổn đến tha nhân. Cần nhận định rõ sự khác biệt giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu cũng đã nói tới cái nguy hiểm của tiền bạc và giàu sang thế trần, vì nó làm chết ngạt phần linh hồn. Ngài nói:
"Không ai có thể làm tôi hai chủ là Thiên Chúa và tiền bạc được. Họ sẽ mến chủ này và ghét chủ kia".
Ngài còn nói rõ hơn nữa:
"Người giàu có khó vào thiên đàng biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng".
Thật vậy, chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng của con người với điều kiện là con người biết dành chỗ trống rỗng đó cho Chúa thống trị mà thôi. Nếu chúng ta lấp đầy chỗ trống đó bằng những thứ bù trừ khác và những thần tượng giả tạo, sẽ không còn chỗ cho Chúa nữa, và chúng ta sẽ phải chịu thảm cảnh bất hạnh muôn đời.
Lạy Chúa, Chúa thấu tỏ tất cả mọi sự trong con, cả những thần tượng, những bất hạnh của con và cả những điều con không muốn, không cần tới, không ưa thích nữa. Chúa biết con yếu hèn, không đủ sức để cắt bỏ chúng. Vậy con xin dâng cho Chúa tất cả, để được Chúa biến đổi. Xin Chúa hãy đổ đầy khát vọng hạnh phúc của con bằng hạnh phúc thật, tức là ơn thánh và tình yêu Chúa.
(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
http://vntaiwan.catholic.org.tw/thegian/thegian34.htm