Thiên Chúa, Ngài quên?
Có lẽ lúc tưởng chừng cuộc đời bỏ rơi ta, bạn bè đã xa ta, dòng đời ngập tràn đau khổ, khi tưởng rằng chính Chúa cũng bỏ quên ta.
Có lẽ lúc cùng đường không lối thoát, vào lúc lạc lõng cô đơn, người thân nhất phản bội ta, ta tưởng Chúa cũng quay lưng với ta.
Có lẽ vào lúc ta tưởng dưới vực sâu tội lỗi, ta chẳng dám nhìn mặt ai, và Chúa cũng chẳng nhìn mặt ta.
Có, Chúa quên, nhưng là quên tội lỗi của ta, khi ta đến xưng tội với Người.
“Không, Ta sẽ chẳng bao giờ quên con, dù cha mẹ con có bỏ con” (Is 49, 15)
Từ vực sâu thẳm của ngã sa, con người cần được tha thứ, đó là tiếng nói của Thiên Chúa trong thâm tâm mỗi người. Vào lúc con người không gì có thể bám víu, Thiên Chúa lên tiếng bênh vực, đỡ nâng. Vào lúc con người không còn gì để tự hào, Thiên Chúa để Danh Ngài trổi vượt. Con người được Chúa yêu thương đến tận sâu thẳm của kiếp người, bởi một điều đơn giản: Thiên Chúa yêu thương "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4, 16).
Thiên Chúa, im lặng?
Im lặng là một cách nói của Thiên Chúa cho con người. Con người cũng cần thinh lặng để nghe tiếng lặng im của Thiên Chúa. Tiếng nói không lời, là tiếng nói của hành động. Vào lúc Thiên Chúa không lên tiếng, Thiên Chúa đang cõng con người trên vai của Ngài. Ngài đã từng âm thầm vác thập giá đời của con người giữa ồn ào huyên náo. Ngài đã từng đón nhận lời thách thức trên Thập Giá bằng lời lặng thinh. Lặng im trong sức chịu đựng tất cả cũng chỉ nhằm đến một tha thứ tất cả. Thiên Chúa lặng im là một hành động lớn lao nhất trong hy sinh tất cả, hiến tế thay cho con người: “chết cho con người được sống”. Đó là cách trả lời của Thiên Chúa trong thinh lặng.
Thiên Chúa, ở đâu?
Ở đâu? Là một câu hỏi của con người để khởi sự đi tìm Thiên Chúa, Chúa hiện diện ở đó nhưng con người không gặp. Có biết bao điều trong cuộc sống này vẫn gặp, những lúc giữa anh chị em chung niềm tin vào Chúa lại xô xát lẫn nhau. Xin cho ta biết gánh chịu nhau trong giận hờn, oán ghét, nhẫn nhịn nhau với những thói xấu của nhau. Chúa ở đâu, khi chính Chúa cũng chịu sỉ nhục, lăng mạ của người đồng đạo, đón nhận nỗi khổ do chính anh em mình gây nên. Trong tâm khảm của đau khổ đó, cũng lời cầu xin của Thánh Augustine: “Xin Chúa làm mưa xuống lòng con một trận mưa sa êm dịu để con có thể chịu đựng được những người như vậy”. Đón nhận đau khổ ở nơi con người, lúc đó mới biết Chúa ở đâu, câu trả lời chỉ thấy trong việc đón nhận. Đón nhận khổ đau để biết Chúa ở đâu, biết Chúa ở đâu để can đảm lãnh nhận đau khổ.
Sao Ngài lỡ quên con? Hay chính con người đang quên Chúa, để rồi đau khổ cứ loay hoay không ra khỏi bế tắc. Xin Chúa cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh và khoành khắc cuộc đời con.
https://joshkimt.blogspot.com/2024/04/thien-chua-ngai-quen.html