Skip to main content

Cách xin lỗi tử tế với người mà bạn đã xúc phạm

Lần sau khi bạn thấy mình cần phải nói lời xin lỗi, hãy cân nhắc những gợi ý đầy hữu ích sau đây với 7 bước đơn giản để tìm kiếm sự tha thứ.
A A+
color:
Cách xin lỗi tử tế với người mà bạn đã xúc phạm
Lần sau khi bạn thấy mình cần phải nói lời xin lỗi, hãy cân nhắc những gợi ý đầy hữu ích sau đây với 7 bước đơn giản để tìm kiếm sự tha thứ.
Tác giả: Cerith Gardiner - Nguồn: Aleteia (04/6/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Lần sau khi bạn thấy mình cần phải nói lời xin lỗi, hãy cân nhắc những gợi ý đầy hữu ích sau đây với 7 bước đơn giản để tìm kiếm sự tha thứ.

Rõ ràng là việc nói lời xin lỗi không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là khi bạn cảm thấy ngượng ngùng hoặc xấu hổ vì lời nói hoặc hành vi của mình. Tuy nhiên, để xây dựng hoặc duy trì một mối tương quan lành mạnh, điều bắt buộc không chỉ là xin lỗi mà còn phải xin lỗi một cách có ý nghĩa và với ý định không bao giờ lập lại lỗi lầm đó nữa.

Trong những tình huống mà bạn có thể cảm thấy lúng túng về những gì mình đã làm, bạn có thể muốn gạt bỏ nó bằng một lời “xin lỗi” nhanh chóng. Nhưng điều đó thật quá dễ dàng. Ngoài ra, có thể bạn còn cố gắng đổ lỗi cho người mà bạn đã xúc phạm, bằng cách nói: “Tôi xin lỗi, nhưng lỗi là do bạn khi tôi phải làm như thế.” Nhưng điều này không tạo nên lời xin lỗi!

Do đó, đối với những người cần một chút trợ giúp để đưa ra lời xin lỗi có ý nghĩa hơn, hãy thử làm theo hướng dẫn 7 bước này.

1 Thừa nhận

Vì xin lỗi là một từ dễ nói, nên điều quan trọng là bạn phải thừa nhận lý do bạn xin lỗi. Điều này cho thấy bạn nhận thức được bất kỳ nỗi đau hoặc tổn thương nào mà người khác đang phải chịu đựng. Một ý tưởng có thể là: “Con xin lỗi vì đã làm ngã cây của mẹ.” (Một lời xin lỗi thường xuyên của các con tôi vì những cái cây tội nghiệp của tôi.)

2 Thấu hiểu

Điều quan trọng là phải nêu rõ lý do tại sao hành động đó là sai. Quay trở lại với cây của tôi, lời xin lỗi này có thể ở dạng: “Con xin lỗi vì đã làm ngã cây của mẹ vì con biết cái cây đó có ý nghĩa như thế nào đối với mẹ và con đã bất cẩn.”

3 Chịu trách nhiệm

Như đã đề cập trước đó, điều quan trọng là phải chịu trách nhiệm và không cố gắng đổ lỗi. Do đó, những đứa con yêu quý của tôi có thể thêm vào lời xin lỗi của chúng: “Con biết mẹ đã bảo con vô số lần là không được đẩy ghế vào cây.” Mặc dù tôi biết chúng rất muốn nói rằng: “Tại sao mẹ lại cần cái cây đó chứ?” hoặc “Đó là lỗi của mẹ khi đặt cây ở một nơi ngớ ngẩn như thế.”

4 Đền bù

Trong lời xin lỗi, bạn nên hỏi xem mình có thể đền bù cho người đó như thế nào. Mặc dù có thể thật khó để gắn lại chiếc lá lớn đã rụng từ cây của tôi, nhưng các con tôi có thể nói điều gì đó như: “Con có thể làm gì để việc này được tốt hơn?”

5 Quyết tâm không tái phạm

Xin lỗi là điều tốt và đúng đắn, tuy nhiên, nếu bạn định lặp lại hành động đó thì việc xin lỗi hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Do đó, hãy quyết tâm không làm như vậy nữa và thể hiện điều này trong lời xin lỗi của bạn. Những đứa con rắc rối đã làm chết cái cây của tôi thì sao? Vâng, chúng có thể nói, “Con sẽ không đẩy ghế vào cây nữa.”

6 Xin tha thứ

Trong một số trường hợp, việc xin tha thứ là điều quan trọng. Đối với chiếc lá từ cái cây tội nghiệp của tôi, điều đó thật ra không là vấn đề. Nhưng trong trường hợp bạn gây ra tổn thương hoặc thiệt hại thực sự, bạn sẽ rất sâu sắc nếu thực sự hỏi xem người đó có thể tha thứ cho bạn không, để cả hai có thể hàn gắn và tiếp tục. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sự tha thứ này có thể mất nhiều thời gian, nhưng bằng cách xin ai đó tha thứ cho bạn, điều đó cho thấy bạn thực sự biết mình đã sai.

7 Có lòng biết ơn

Điều này có thể hơi lạ, nhưng nếu ai đó đã chỉ ra hành vi sai trái của bạn, bạn nên dành thời gian để cảm ơn họ vì điều đó. Bằng cách cho thấy những hành động hoặc lời nói không phù hợp của bạn, bạn có thể học hỏi từ điều này và không mắc lại sai lầm đó nữa.


Hãy nhớ rằng...

Tránh những cách diễn đạt như:

- “Tôi xin lỗi, nhưng...” -- “nhưng” chỉ là một cái cớ và hoàn toàn không có giá trị gì khi xin lỗi.

- “Đó là lỗi của bạn vì bạn đã khiến tôi...” -- đừng đổ lỗi.

- “Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy rằng [điều đó là sai]...” -- đừng giảm nhẹ hành động của bạn.

- “Tôi xin lỗi vì bạn đã hiểu sai ý tôi...” -- đây không phải là chịu trách nhiệm.


Tác giả: Cerith Gardiner - Nguồn: Aleteia (04/6/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

https://giaophanvinhlong.net/cach-xin-loi-tu-te-voi-nguoi-ma-ban-da-xuc-pham.html
edit