Skip to main content

Xin gia tăng đức tin cho chúng con

Thiên Chúa muốn mở đôi mắt chúng ta qua đặc sủng của đức tin để chúng ta nhìn mọi sự bằng quan điểm của Người.
A A+
color:
Xin gia tăng đức tin cho chúng con
Tôi tin rằng việc thăng tiến về đức tin là một nghĩa vụ của tình yêu, bởi vì nó giải phóng vào trong cuộc sống con người những nguồn mạch thiên đàng mà lẽ ra chúng ta không thể tiếp cận. Như Thánh John Chrysostom công bố: đức tin “là mẹ của các phép lạ”.
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us

Các Bước Thực Hành để Gia Tăng Đức Tin

Thật ngạc nhiên khi Kinh Thánh nói điều tương tự về Thiên Chúa là Đấng toàn năng – “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) – rằng điều đó nói về đức tin: “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23). Đức tin làm cho mọi sự xảy ra.

Người ta thường nghĩ rằng họ hẳn phải bằng lòng với mức độ lòng tin mà họ có đối với sự can thiệp siêu nhiên của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, giống như chúng ta phải bằng lòng với một đặc tính bẩm sinh nào đó, chẳng hạn như tàn nhang hoặc chân to. Chúng ta thường nghe người ta nói: “Ồ, tôi không có niềm tin về điều đó”, hoặc “Ồ, bạn vừa mới được ban cho nhiều đức tin hơn”. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận lối suy nghĩ như thế.

Chúa Giêsu công bố những điều đáng kinh ngạc về đức tin như thế, đến nỗi, trớ trêu thay, thật khó để tin những gì Người nói thực sự có ý nghĩa. Nhưng sự thật là, Người đã làm và những ai dám tin Người đều có khả năng tiếp cận đến những khả năng đáng kinh ngạc. Theo kinh nghiệm của chúng ta, năm phút tin tưởng của đức tin có thể đạt được những điều mà nhiều năm chuyển cầu với niềm hy vọng mơ hồ đã không đạt được. Đức tin là chìa khoá mở ra cánh cửa cho thế giới các phép lạ. Hầu hết mọi người cầu nguyện với niềm hy vọng. Tuy nhiên, những lời hứa của Chúa Giêsu không liên quan tới niềm hy vọng nhưng tới đức tin.

Nếu tôi phải hỏi bạn liệu bạn có tin các phép lạ đang xảy ra trong Giáo Hội hôm nay không, có lẽ bạn sẽ trả lời rằng bạn tin. Nếu tôi phải hỏi bạn liệu có thường xuyên thực hiện các phép lạ trong chính cuộc sống của bạn, hầu như bạn sẽ trả lời rằng bạn không. Người ta thường kể cho tôi về những thất bại và thất vọng của họ khi cầu nguyện cho những người đau ốm. Họ nói: “Tôi không hiểu điều đó, Damian à, tôi đã cầu nguyện nhiều cho mọi người, nhưng họ dường như không khoẻ hơn. Tôi tin Thiên Chúa có thể làm điều đó, vậy tại sao Người không làm?”

Câu trả lời của tôi thì đơn giản. Bạn đang lẫn lộn về hai loại đức tin. Đức tin mà bạn có là những gì tôi gọi là “đức tin tín ngưỡng”; nói cách khác, bạn tin vào điều gì đó. Bạn tin rằng ngày nay các phép lạ có thể xảy ra. Điều đó tốt, nhưng đó chỉ là một sự đồng ý/đồng tình về trí óc về khả năng các phép lại sẽ xảy ra ngày nay. Ơn đức tin là ơn tin các phép lạ sẽ xảy ra hôm nay; đó là sự trao quyền của Thánh Thần để làm cho các phép lạ xảy ra.

Vấn đề tự nhiên nảy sinh, “Làm cách nào tôi có thể gia tăng đức tin của tôi?”

Sám hối. Trước hết, chúng ta phải chân thành nghiêm khắc với chính mình và thừa nhận về đức tin yếu kém của mình, được thể hiện bởi mức độ những kết quả siêu nhiên chúng ta thấy – không hơn, không kém. Về điều này, câu trả lời của chúng ta phải là thống hối ăn năn. Ngay cả dù chúng ta thấy nhiều điều nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, cho đến khi chúng ta tất cả thấy những gì mà Chúa Giêsu đã hứa, chúng ta tiếp tục thống hối vì sự yếu kém đức tin chúng ta.

Nuôi dưỡng đức tin. Phần lớn trong xã hội và thường ngay chính kinh nghiệm của Kitô giáo chúng ta, đã dạy chúng ta nghi ngờ về những sự can thiệp siêu nhiên của Thiên Chúa. Câu trả lời cho tình trạng này là phải nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng cách đọc về các phép lạ, xem những đoạn phim về phép lạ, nghe những câu chuyện về phép lạ và tham dự các sự kiện nơi các phép lạ xảy ra qua các Kitô hữu đáng kính. Hãy cùng cộng tác với các bộ đang kinh nghiệm về các phép lạ. Việc lấp đầy tâm trí chúng ta theo cách này sẽ giúp loại bỏ sự nghi ngờ, để sắp tới khi chúng ta nhận thấy chính mình trong tình huống đòi hỏi một phép lạ, chúng được chuẩn bị tốt để tin điều đó. Cũng vậy, chúng ta cần lấp đầy tâm trí mình bằng những lời hứa của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh về đức tin và các phép lạ trong cuộc sống của các tín hữu.

Tất cả những điều này là sự chuẩn bị cho việc kiến tạo nên một bầu khí trong đó đức tin có thể được tiếp đón và nuôi dưỡng.

Cầu Nguyện xin ơn đức tin. Tin vào những phép lạ, dù lớn hay nhỏ, đều là một ơn ban từ Thiên Chúa và công việc của Người nơi chúng ta mà chúng ta cộng tác. Đó không phải là điều gì đó chúng ta có thể tạo ra bằng những nỗ lực của riêng mình, vì Chúa Giêsu là tác giả và người hoàn thành đức tin của chúng ta (x. Dt 12,2). Hiểu rằng chúng ta không thể tự tạo ra đức tin, chúng ta sẽ “cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta” (GLHTCG số 162; x. Mc 9,24; Lc 17,5; 22,32). Tôi đã nhận ra rằng việc chuyển cầu để gia tăng đức tin bằng cách đưa ra việc cụ thể thì rất hữu ích. Chúng ta không chỉ cầu xin: “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin cho con để con được chữa lành về thể lý”, hoặc “xin gia tăng đức tin cho con để con có những cấp độ ngôn sứ cao hơn” hay những phép lạ vĩ đại hơn. Thay vào đó, chúng ta cần dâng những lời thỉnh cầu cụ thể, và Chúa sẽ giúp chúng ta xây dựng những cấp độ đức tin lớn hơn. Nếu bạn chưa bao giờ thấy một sự chữa lành qua những lời cầu nguyện của bạn, thì thường tốt hơn là bắt đầu bằng việc cầu nguyện cho người ta khỏi đau nhức thay vì khỏi phải ngồi xe lăn. Sau đó khi bạn đã thấy một số kết quả, bạn hãy dâng lời ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa và cầu xin Người gia tăng đức tin cho bạn.

Tiến trình tương tự thật đúng cho những ơn thiêng liêng khác. Nếu bạn cố gắng thể hiện đức tin của bạn quá mức, những thất bại có thể làm bạn nản lòng và những người bạn cầu nguyện cho sẽ không được lợi gì. Thật tốt hơn nhiều để tăng triển (đức tin) trong những bước đi vững vàng.

Tuy nhiên, tôi không muốn tạo ấn tượng rằng tiến trình này phải mất nhiều thời gian. Nếu những người trung thành cầu nguyện đều đặn, họ có thể lớn lên đáng kể trong một vài tháng hoặc thậm chí vài tuần. Thỉnh thoảng Chúa làm chúng ta bất ngờ và chúng ta có bước nhảy vọt lớn. Nhưng điều này là lạ thường; hầu hết mọi người lớn lên (về đức tin) theo từng giai đoạn. Nếu chúng ta trung thành (“đầy đức tin”) trong những việc nhỏ, Thiên Chúa sẽ tín nhiệm chúng ta trong việc lớn hơn.

Bước đi trong đức tin. Yếu tố thứ tư có thể dường như hiển nhiên nhưng phải được xác định: chúng ta thực sự phải bước đi trong đức tin. Đặc biệt lúc bắt đầu, những bước như thế thường gây sự bối rối và thậm chí sự sợ hãi thực sự. Chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng chúng ta đang hành động vì kiêu ngạo và tự phụ. Tất cả những gì chúng ta có thể làm, sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, là bước đi như chúng ta cảm thấy được dẫn dắt, luôn luôn hành xử với sự tôn trọng người mà chúng ta đang phục vụ và cố gắng duy trì sự tập trung vào Chúa Giêsu.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định: “Đức tin là một hành vi cá nhân” (GLHTCG số 166). Thỉnh thoảng một cảm giác hay một cảm nhận tự tin lớn lao hoặc sự chắc chắn xuất hiện khi chúng ta trải nghiệm một ơn thiêng liêng, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, điều này hiếm hoi. Nếu tôi chỉ hành động khi tôi có một cảm giác đức tin, tôi sẽ thấy một số ít người đã được chữa lành, được giải thoát hoặc nhận được những lời tiên tri chính xác, thay vì nhờ ân sủng của Thiên Chúa, số đông người nhận được ơn. Theo kinh nghiệm của tôi, có đức tin chỉ khi đủ xác tín để hành động và chỉ thỉnh thoảng mới có cảm nhận mạo hiểm.

Một bước đi của đức tin là khoảnh khắc khi tình yêu của tôi dành cho người khác phải vượt xa những nỗi sợ thất bại hay trông ngớ ngẩn của tôi. Kinh nghiệm của tôi là ngay cả nếu chúng ta thất bại, nếu chúng ta đã hành động vì tình yêu, người ta cảm thấy được chúc lành vì chúng ta đã cố gắng. Khi chúng ta thấy những kết quả ấn tượng, mọi người thường đã được biến đổi mãi mãi.

Như tôi đã nói, ơn đức tin này đã có những hiệu quả đáng kinh ngạc trên tất cả các ơn huệ thiêng liêng. Chẳng hạn, Cathy, vợ tôi đã nhận được một ơn tuyệt vời trong việc chuyển cầu. Trong khoảng thời gian hai năm, cô cứ kiên trì cầu nguyện chuyển cầu và cô đã nhận được mọi điều cô cầu xin. Thật quan trọng để chỉ ra rằng vợ tôi rất kỷ luật trong việc lắng nghe Chúa về những gì cô nên cầu nguyện, chứ không phải cầu nguyện xin bất cứ điều gì.

Đức tin sinh ra từ ơn mạc khải và ơn mạc khải được ban phần lớn nhờ cầu nguyện. Chúng ta có thể đọc và nghiên cứu tất cả những gì chúng ta thích, nhưng nếu chúng ta không cầu nguyện, ơn mạc khải không bao giờ bén rễ và ơn đức tin mãi mãi vẫn là một sự kiện không thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta thay vì là một đặc điểm thường xuyên của sứ vụ và phong cách sống của chúng ta.

Thực hành đức tin giống như việc mang mắt kính hai tròng. Hầu hết chúng ta quen dùng lăng kính đức tin cao hơn cho những điều xa xôi, chẳng hạn như niềm vui thiên đàng sau khi qua đời. Nhưng chúng ta hạn chế trong việc sử dụng lăng kính đức tin thấp hơn cho những điều gần gũi với chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày. Thiên Chúa muốn mở đôi mắt chúng ta qua đặc sủng của đức tin để chúng ta nhìn mọi sự bằng quan điểm của Người.

Tôi tin rằng việc thăng tiến về đức tin là một nghĩa vụ của tình yêu, bởi vì nó giải phóng vào trong cuộc sống con người những nguồn mạch thiên đàng mà lẽ ra chúng ta không thể tiếp cận. Như Thánh John Chrysostom công bố: đức tin “là mẹ của các phép lạ”.

Bài viết này được trích từ cuốn sách có tựa đề: “Lạy Chúa, Xin Làm Mới Những Điều Kỳ Diệu của Chúa”, tác giả là Damian Stayne (The Word Among Us Press 2017), có thể truy cập từ www.wau.org/books.

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
https://daminhtamhiep.net/2024/07/xin-gia-tang-duc-tin-cho-chung-con/