Skip to main content

Ước mong được sống bình an

Từ kinh nghiệm của tác giả thánh vịnh, chúng ta có thể soi vào đời sống của mỗi chúng ta.
A A+
color:
Ước mong được sống bình an
Ai có thể mang lại cho chúng ta một sự bình an đích thực thứ bình an vượt trên nghịch cảnh, thứ bình an không bao giờ bị lấy mất đi nếu không phải là chính Chúa.
Tác giả bài viết: Người Lữ Khách

Có bao giờ bạn cảm nghiệm cách rõ ràng về ơn bình an trong cuộc sống thường ngày mà Chúa đã ban cho bạn? Hôm nay, xin mời bạn cùng gặp gỡ tác giả thánh vịnh 120 (119), người đã kể cho chúng ta một kinh nghiệm rất thú vị về khát vọng mà ông đã cưu mang, khát vọng của người có con tim hiền lành ước ao được sống bình an. Cùng với tác giả thánh vịnh cầu nguyện, chúng ta xin Chúa cho chúng ta được ơn: không chỉ khao khát ước mong cho mình được sống bình an, mà chúng ta còn là người cộng tác với Chúa trong việc kiến tạo bình an cho đồng loại nữa.

Thánh vịnh 120 (119) mở đầu nhóm các thánh vịnh Lên Đền. Các bài thánh vịnh này được hát lên khi dân Israen hành hương lên Giêrusalem hằng năm. Chúng nói lên tình yêu mà dân thánh dành cho Chúa và niềm vui khi được thờ phượng Ngài. Ý nghĩa thần học của thánh vịnh này nhắc cho chúng ta việc Lên Đền như là một hành trình thiêng liêng, một hành trình đi lên Giêrusalem Vĩnh Cửu.

Mở đầu thánh vịnh, tác giả kể lại kinh nghiệm:

Lúc ngặt nghèo, tôi kêu lên cùng Chúa.
Chúa đã thương đáp lời.

Vậy là, trong hành trình cuộc sống, không chỉ trong những khoảnh khắc an bình, nhưng còn cả trong truân chuyên, trong khủng hoảng và ngặt nghèo, tác giả đã kêu cầu và khẩn nài Chúa, đã thưa với Chúa về những khó khăn cùng quẫn của mình; và rồi Thiên Chúa đã lắng nghe lời người kêu xin. Hơn thế nữa, tác giả còn trình bày nỗi lo sợ:

Lạy Chúa, xin Ngài cứu mạng con
khỏi môi miệng điêu ngoa, tấc lưỡi phỉnh phờ.

Lời thánh vịnh cho thấy những khó khăn hiện sinh của tác giả rất cụ thể. Ông mất bình an vì những ngôn từ điêu ngoa, những lời độc hại mà thế gian dành cho ông. Lời nói độc hại quả thực đã trở nên thanh gươm sắc bén giết chết con người. Vậy, liệu ông có thể tìm ra một phương pháp để giúp mọi người có thể bước ra khỏi nghịch cảnh này? Câu trả lời không gì hơn chính là việc suy gẫm Lời của Thiên Chúa, là tin tưởng vào cách hành động của Ngài. Ở một góc nhìn khác, thì môi miệng điêu ngoa, tấc lưỡi phỉnh phờ có khi lại là những thói xấu mà chính tác giả hoặc mỗi người chúng ta vướng phải. Xin Chúa cứu mạng khỏi mắc những điều xấu ấy, là xin Chúa gìn giữ cho được an lành thánh thiện.

Lời thánh vịnh tiếp tục diễn tả kinh nghiệm của tác giả khi ông cảm thấy mình như một kẻ bất hạnh:

Thật bất hạnh cho tôi
phải trú ngụ trong miền rợ Mêséc,
phải sống cùng dân du mục Kêđa.

Rõ ràng đây là một sự đau đớn nội tâm. Có lẽ vì, ông đang phải sống xa dân tộc của mình, trong thân phận của một khách lạ. Ông sống ở đó mà lòng hướng về quê đích thực. Ông đau đáu đợi chờ, mong ngóng hồi hương trong mọi giây phút. Nơi dân ngoại, với những con người ngoại lai, ông cảm thấy như bị vong thân. Nhưng điều quan trọng không phải là những khó khăn bên ngoài mà tác giả đang gặp, sự vong thân này cũng có thể là sự vong thân về tinh thần. Một người xa lìa Chúa, đi theo đường lối và cư ngụ trong phần đất dân ngoại như một kẻ ngoại bang, đó là một điều bất hạnh.

Từ kinh nghiệm của tác giả thánh vịnh, chúng ta có thể soi vào đời sống của mỗi chúng ta. Miền Mêsec ấy, dân du mục Kêđa ấy nghĩa là gì đối với chúng ta hiện nay? Chúng ta có cảm thấy như bị tước đoạt đi phẩm tính Kitô khi bị bủa vây bởi những trào lưu tục hóa? Chúng ta có cảm thấy bị tổn thương khi thói “vô thần thực tiễn” đang ảnh hưởng trong chúng ta? Và rồi, chúng ta có đang mong ngóng một nơi Vĩnh Cửu, một nguồn Bình An đích thực hay chăng?

Hẳn là có. Cuối bài thánh vịnh, tác giả mơ về một nơi bình an đích thực. Ông không thể đi ngược lại với bản tính thiện lương mà khao khát của ông đang muốn vươn tới. Ông cảm thấy bị thúc bách để xây dựng sự bình an. Thế nhưng, không phải lúc nào mọi nỗ lực kiến tạo nơi ông cũng tỉ lệ thuận với ước mong của ông:

Nhưng hễ tôi nói tới, thì phe họ lại muốn chiến tranh.

Chúng ta ngày nay cũng đang mang những cảm nghiệm đó của tác giả thánh vịnh. Ai có thể mang lại cho chúng ta một sự bình an đích thực thứ bình an vượt trên nghịch cảnh, thứ bình an không bao giờ bị lấy mất đi nếu không phải là chính Chúa.

Ước mong được sống bình an

Lạy Chúa, xin giúp chúng con có mối tương quan sâu đậm với Chúa, một tương quan đủ để chúng con trải lòng mình ra. Xin giúp chúng con cảm nghiệm được bình an trong những giây phút chúng con ở gần bên Chúa. Từ nguồn bình an nơi Chúa, chúng con trở nên như những khí cụ nhỏ bé, mang bình an của Chúa đến cho những người mà chúng con sẽ gặp trong từng ngày sống của chúng con. Amen

edit