Skip to main content

Bạn là con yêu dấu của Thiên Chúa

Thiên Chúa yêu chúng ta vì chúng ta là.
A A+
color:
Bạn là con yêu dấu của Thiên Chúa
Chúa Giêsu không yêu chúng ta vì việc chúng ta đang làm. Người yêu chúng ta vì chúng ta là. Mácta đã quên điều đó và đôi khi chúng ta cũng như thế. Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta làm việc đủ chăm chỉ và đủ lâu dài, Chúa Giêsu sẽ thấy chúng ta. Và nếu công việc của chúng ta đủ tốt, thậm chí Người có thể yêu chúng ta. Đây là một sự lừa dối.
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
Thiên Chúa yêu chúng ta vì chúng ta là.

“Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà” (Lc 10,38).

Mácta đã mở cửa nhà mình cho Chúa Giêsu, đón tiếp Người và các môn đệ đệ dự một bữa tối huynh đệ. Là chủ nhà, cô đã chuẩn bị thức ăn, chào đón khách, quan tâm các nhu cầu của họ và giữ cho đèn luôn sáng. Chị có sẵn nước để họ có thể rửa đôi chân bụi bẩn và giải khát. Có thể có bánh mì và dầu oliu, món hummus (đậu hồi) và rượu trên bàn. Luôn đủ dầu cho các đèn của căn nhà thắp sáng.

Mácta hẳn sẽ rất vui mừng nếu có sự giúp đỡ của em gái mình trong việc chăm sóc chu đáo cho Chúa Giêsu, các môn đệ và có lẽ cả những người bạn khác. “Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39) Tuy nhiên, Maria dường như không chú ý tới những việc chuẩn bị. Cô cứ ngồi nghe những gì Chúa Giêsu nói. Chẳng lẽ cô đã không nhận ra rằng các vị khách cần phải ăn uống sao? Chắc chắn, Chúa sẽ sắp xếp mọi chuyện đâu vào đấy. “Mácta… tiến lại mà nói: ‘Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10,40)

Hãy lưu ý rằng Mácta đã không đến phía sau em gái mình và nói thầm vào tai cô ấy rằng mình đang cần sự giúp đỡ. Cô ấy cũng không ra dấu “lại đây” để thu hút sự chú ý của em gái mình. Không. Mácta đã quan trọng hoá vấn đề. Mácta chỉ cho Chúa Giêsu và mọi người trong phòng rằng Maria đang ngồi trong khi lẽ ra cô ấy đang phải giúp làm những công việc của chủ nhà: “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10,40) Nhưng Chúa Giêsu trả lời cô: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42).

Từ ngữ chuyển tải ý nghĩa sâu sắc hơn các chữ cái tạo nên chúng. Merimnao (“lo lắng”) cho thấy một sự lo lắng sâu sắc về điều gì đó. Nó có thể chỉ ra một sự lo lắng liên tục làm xáo trộn tâm hồn.

Từ thorybazo (“bối rối” hay lo lắng) cũng là một từ có chiều sâu. Một số dịch giả dịch từ đó là “bị phân tâm” hay “bị làm phiền”. Mácta không chỉ lo lắng về việc đổ đầy lại các bình nước hoặc sự phân phối công việc. Merimnaothorybazo giả thiết rằng có điều gì đó sâu sắc hơn đang tác động trên cô.

Chúa Giêsu kết thúc vấn đề bằng một sự thật nhẹ nhàng: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 42). Lưu ý rằng Chúa không bảo Mácta ngưng làm việc và tham gia với Maria. Người chỉ nói Mácta rằng Maria đã lựa chọn cách khôn ngoan.

Sự bối rối và lo lắng không phải là những gì Chúa muốn cho chúng ta khi chúng ta nói đề cập đến công việc của chúng ta trên trần gian. Người trách Mácta, không phải vì cô ấy không chuẩn bị cho các vị khách nhưng vì cô ấy thiếu điều gì đó trong công việc của mình, điều mà Maria biết là cần thiết và quan trọng: sự bình an. Đây là điều quan trọng nhất mà chúng ta cần khi thực hiện các bổn phận hằng ngày của chúng ta.

Từ Do Thái shalom thường được dịch là “bình an”. Hơn thế nữa, nó chỉ ra một sự bình an được bén rễ trong mối tương quan của một người với Thiên Chúa. Nó bao gồm một giả thiết căn bản là bạn đang ở trong tương quan giao ước với Người. Shalom cũng chỉ “sự trọn vẹn” và “sự toàn vẹn”. “Bình an ở cùng anh chị em”, chúng ta nói trong Thánh Lễ. Chúa Giêsu đã có thể nói điều đó với Mácta để đáp lại sự khiển trách của cô về Maria. Nhưng thay vào đó, theo phong cách điển hình của mình, Chúa Giêsu đi thẳng vào vấn đề: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá” (Lc 10,41). Chúa Giêsu có thể biết điều gì ở đây?

Mácta không cảm thấy bình an và tôi nhận ra điều đó. Có quá nhiều việc đối với một người và cô cảm thấy bị choáng ngợp. Cô ấy đang làm công việc của hai người phụ nữ. Thật không công bằng. Cô ấy nản lòng và bị tổn thương, và cô ấy muốn Chúa Giêsu biết điều đó: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? ” (Lc 10,40)

Chúa Giêsu dường như không quan tâm đến tình trạng không ổn của Mácta, nhưng chắc chắn là Người có quan tâm. Chúa Giêsu quan tâm đủ để đi vào trọng tâm của vấn đề.

Trước hết, Người đề cập đến lòng kiêu ngạo đi kèm với sự hoàn thành công việc. Mácta có thể lo lắng (merimnao) về danh tiếng của cô. Cô muốn được xác nhận. Cô muốn Chúa Giêsu nhìn thấy công việc cô làm và nói: “Tốt lắm” hoặc “Rất giỏi” hay “Đây là lý do tại sao Thầy vẫn trở lại đây”.

Loại lo lắng này có thể làm cho chúng ta khó chịu với những đồng nghiệp khi họ mắc lỗi. Chúng ta, không phải Chúa Giêsu, trông tuyệt vời khi điều gì đó hoàn hảo. Chúng ta tìm kiếm sự xác nhận từ các sếp, từ gia đình của chúng ta, từ những phụ nữ trong phòng ăn trưa và từ những người mẹ chơi môn thể thao lacrosse. Bởi vì chúng ta đang làm rất nhiều việc ở đây, có lẽ nhiều hơn bất cứ ai khác.

Thứ hai, Mácta dường như đã mất tập trung. Cô bị phân tán, chia trí (thorybazo) bởi những việc bổn phận thay vì đặt trọng tâm vào các vị khách của mình. Không ai muốn Mácta ngưng công việc. Nhưng lẽ ra cô phải đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu giữa tất cả những gì cô làm và nhớ rằng Người là lý do tại sao cô đang làm việc. Shalom (sự bình an) nội tâm của cô là tốt nhất khi nó biểu lộ ra bên ngoài, làm tràn ngập căn phòng bằng sự yên bình. Chúa Giêsu không yêu chúng ta vì việc chúng ta đang làm. Người yêu chúng ta vì chúng ta là. Mácta đã quên điều đó và đôi khi chúng ta cũng như thế. Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta làm việc đủ chăm chỉ và đủ lâu dài, Chúa Giêsu sẽ thấy chúng ta. Và nếu công việc của chúng ta đủ tốt, thậm chí Người có thể yêu chúng ta. Đây là một sự lừa dối.

Chúa Giêsu yêu bạn, cách thân mật và tự do, ngay cả khi bạn bị bệnh cúm nằm trên giường và hầu như không thể đưa khăn giấy lau mũi đang chảy nước hoặc nhấp một ngụm nước. Người yêu bạn ngay cả khi bạn đau đầu hay không thể ra khỏi giường. Người yêu bạn ngay cả khi bạn không thể làm gì vì bị đột quỵ hay do tai nạn hoặc một hành động ngẫu nhiên của di truyền khiến bạn không còn nguyên vẹn và không thể làm những gì bạn đã từng làm. Người yêu bạn khi tâm hồn bạn tan vỡ vì cái chết hay cuộc ly hôn và bạn hầu như không thể thở được, nói chi đến việc dọn bữa tối trên bàn. Người yêu bạn ngay cả khi bạn không thể làm bất cứ điều gì.

Hãy Hành Động. Bạn thuộc về Chúa Cha. Bạn đặc biệt đối với Chúa Con. Bạn nổi bật trong đám đông đối với Chúa Thánh Thần. Đối với ba Đấng quan trọng nhất ấy, bạn được yêu thương cách sâu sắc. Không phải những gì bạn làm thu hút cái nhìn của Người – mà chính do bạn là ai. Cuối cùng, Mácta đã tìm lại được sự yên bình nội tâm của mình. Cô đã bước vào một mối tương quan sâu sắc hơn với Chúa, điều cho phép cô gặp được Chúa giữa những hỗn loạn xung quanh cái chết của người em trai cô (x. Ga 11,1-44). Cô trao tặng những gì cô có, sự bình an và hy vọng tràn đầy vào Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và Đấng Cứu Độ của cô.

Suy Niệm. Làm cách nào tôi có thể mang lại sự bình yên, thanh thản hơn cho cuộc sống của tôi? Chúa Giêsu muốn chúng ta, giống như Maria, để dành thời gian ở bên Người. Tuần này, bạn hãy dành ra năm phút để cầu nguyện với một thánh vịnh, có thể là Thánh vịnh 23 hay 25, nói về sự bảo vệ tế nhị, sự hướng dẫn và giúp đỡ tử tế. Hãy ngồi trong một nơi yên tĩnh – có thể là một góc nhà, trong xe hơi, trên ghế dài ở công viên hoặc trong nhà Chầu Thánh Thể. Hãy bắt đầu bằng Dấu Thánh Giá và dành chút thời gian để tĩnh tâm. Hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn thời gian của bạn.

Hãy đọc những đoạn Thánh Kinh cách chậm rãi và chú ý. Hãy ghi nốt bất cứ từ, câu hoặc hình ảnh nào đánh động bạn. Bạn có thể muốn đọc đoạn đó lớn tiếng để giúp bạn tập trung. Hãy suy niệm về những gì thu hút tâm trí và tâm hồn bạn. Hãy để Chúa nói trực tiếp với bạn. Người đang nói gì với bạn qua đoạn văn này?

Hãy phó thác những nhu cầu và các mối quan tâm của bạn cho Chúa và ghi nốt bất cứ hành động nào Người đang yêu cầu bạn làm. Cuối cùng, hãy cảm ơn Người về những phúc lành mà Người đã tỏ cho bạn và nghỉ ngơi vài phút trước sự hiện diện của Người.

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
https://daminhtamhiep.net/2024/11/ban-la-con-yeu-dau-cua-thien-chua/
edit