Skip to main content

Đón nhận sức mạnh âm thầm của sự thinh lặng và yên tĩnh

Sự thinh lặng không phải là khoảng không trống rỗng - mà là mảnh đất màu mỡ cho ân sủng.
A A+
color:
Đón nhận sức mạnh âm thầm của sự thinh lặng và yên tĩnh
Sự thinh lặng và yên tĩnh thường bị nhầm lẫn, nhưng chúng không giống nhau. Sự thinh lặng không chỉ là sự yên ắng về mặt thể chất; đó là hành động cố ý xoa dịu tâm trí và con tim để gặp gỡ Thiên Chúa.
Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (04/12/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Sự thinh lặng không chỉ là sự yên ắng về mặt thể chất; đó là hành động cố ý xoa dịu tâm trí và con tim để gặp gỡ Thiên Chúa.

Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên một mình trong căn phòng.” Những lời nói ấn tượng này, được Blaise Pascal chấp bút vào thế kỷ XVII, thậm chí còn có ý nghĩa sâu sắc hơn ngày nay. Trong thời đại mà điện thoại thông minh và vô số luồng thông tin thống trị, ý tưởng ngồi yên lặng - không làm gì cả - không chỉ có vẻ lỗi thời mà còn gần như không thể. Tuy nhiên, đối với người Công giáo, sự thinh lặng và yên tĩnh không chỉ là sự vắng bóng của tiếng ồn và hoạt động; đó là không gian thiêng liêng nơi Thiên Chúa lên tiếng.

Sự thinh lặng và yên tĩnh thường bị nhầm lẫn, nhưng chúng không giống nhau. Sự thinh lặng không chỉ là sự yên ắng về mặt thể chất; đó là hành động cố ý xoa dịu tâm trí và con tim để gặp gỡ Thiên Chúa. Sự yên tĩnh có thể bao gồm việc nghỉ ngơi tại một chỗ, chắc chắn rồi, nhưng đó cũng là khuynh hướng lắng nghe tích cực, tạo không gian cho “tiếng nói thì thầm” của Chúa (1V 19:12).

Trong thế giới kỹ thuật số của chúng ta, hàng loạt thông báo và kích thích liên tục khiến sự thinh lặng có vẻ không hiệu quả, thậm chí là khó chịu. Tại sao phải ngồi thinh lặng khi có một video khác để xem, một bài viết khác để đọc hoặc một email khác để trả lời? Tuy nhiên, sự thinh lặng không phải là khoảng không trống rỗng - mà là mảnh đất màu mỡ cho ân sủng.


Cách giành lại sự thinh lặng


Việc giành lại sự thinh lặng bắt đầu bằng những bước đi nhỏ bé. Hãy cân nhắc tạo ra một phương thức của “khoảnh khắc thinh lặng” trong ngày của bạn. Bắt đầu chỉ với năm phút, không sử dụng thiết bị và dâng thời gian này cho Thiên Chúa. Bạn có thể nhắm mắt lại, tập trung vào hơi thở hoặc suy niệm về một lời cầu nguyện ngắn như “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến.” Theo thời gian, những khoảnh khắc này có thể kéo dài thành những khoảng thời gian dài hơn, trở thành nơi ẩn náu khỏi tiếng ồn của thế giới.

Đối với các gia đình, sự thinh lặng có thể được đưa vào trong buổi cầu nguyện chung, chẳng hạn như ngồi suy ngẫm trong thinh lặng sau Kinh Mân Côi hoặc trước bữa ăn. Ở nhà, hãy thiết lập những khoảng không gian hoặc thời gian “không có màn hình” nhằm tạo điều kiện cho những cơ hội để sự thinh lặng diễn ra một cách tự nhiên.


Tìm thấy sự bình an trong Bí tích Thánh Thể


Chầu Thánh Thể mang đến một trong những trải nghiệm sâu sắc nhất về sự thinh lặng thánh thiêng. Ngồi trước Mình Thánh Chúa, không bị sao nhãng, cho phép chúng ta chỉ đơn giản ở bên Chúa Kitô. Những khoảnh khắc này nuôi dưỡng sự bình an và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được yêu thương sâu sắc - không phải vì những gì chúng ta tạo ra hay đạt được, mà vì con người chúng ta là con cái của Thiên Chúa.


Như Pascal ngụ ý, việc chúng ta không thể chấp nhận sự thinh lặng có thể gây ra sự hỗn loạn bên trong, nhưng việc lựa chọn sự thinh lặng có thể trở thành một hành động đức tin triệt để. Nó cho phép chúng ta thoát khỏi những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại và lắng nghe tiếng nói của Đấng đã tạo thành chúng ta, mang đến sự bình an mà thế gian không thể ban tặng (Ga 14:27).


Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (04/12/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
https://giaophanvinhlong.net/don-nhan-suc-manh-am-tham-cua-su-thinh-lang-va-yen-tinh.html